Chuyện về người chạy ngược hướng tàu

An Quỳnh 27/09/2022 09:10

(Baonghean.vn) - Hàng chục năm gắn bó với cung đường sắt, anh Dương Văn Kiên được mọi người thân tình gọi là “người có duyên” với nguy cơ tai nạn đường sắt. Bản thân anh cũng không nhớ nổi đã bao lần mình phải chạy ngược với hướng tàu để cứu người khỏi “cửa tử”.

Nhiều lần chạy ngược hướng tàu

Dù đã nhiều tuần trôi qua, nhưng tài xế Hà Danh Minh (SN 1985, trú tại xã Lăng Thành, huyện Yên Thành) vẫn nhớ như in hình ảnh người công nhân gác đường ngang Dương Văn Kiên hối hả cầm cờ và đèn chạy hướng ngược lại mình. Nếu không có tín hiệu dừng tàu khẩn cấp của người công nhân gác đường này vào ngày hôm đó, thì anh Minh không dám chắc chuyện “kinh khủng” không xảy ra với mình.

Quy định bắt buộc của nhân viên gác chắn là phải nhìn về hướng tàu khi tàu đi qua. Ảnh: An Quỳnh.

“Khoảng 13 giờ 36 phút, ngày 29/8/2022, khi tàu AH11 chạy theo hướng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh phát tín hiệu chuẩn bị đi qua đường ngang cầu Lồi thuộc Km273+620. Công nhân gác chắn đang thực hiện đóng chắn đường bộ để đón tàu, thì tại đường ngang chắn tự động tại Km273+500, cách gác chắn đường bộ khoảng 120m về phía Bắc, người dân phát hiện ô tô tải do tôi điều khiển đang mắc kẹt trên đường sắt. Ngay lập tức, cán bộ gác chắn trực là Dương Văn Kiên liền chạy qua cầu đường sắt, hướng về gác chắn tự động, vừa chạy vừa làm tín hiệu dừng tàu khẩn cấp. Tài xế tàu AH11 đã kịp thời phát hiện được tín hiệu và dừng khẩn cấp cách vị trí ô tô tải của tôi bị mắc khoảng 120m. Nhờ khẩn cấp dừng tàu nên tôi đã may mắn thoát chết và xe cộ không bị gì”, anh Minh nhớ lại.

Anh Minh chỉ là 1 trong số rất nhiều nạn nhân đã từng được anh Kiên cứu sống. Anh Dương Văn Kiên (SN 1976, quê xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu) đã công tác trong ngành đường sắt tính đến nay đã gần 29 năm. Hiện tại, anh làm tại cung đường sắt chợ Sy, Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh. Suốt thời gian công tác, anh đã cứu thành công nhiều chuyến xe mắc kẹt tại rào chắn.

Hình ảnh anh Dương Văn Kiên chạy ngược hướng tàu để báo hiệu tàu dừng được trích xuất camera ngày 29/8. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Đến giờ anh Kiên vẫn đang nhớ như in ca trực vào buổi sáng cuối tháng 2/2020. Vào khoảng tầm 10 giờ, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ gác chắn đường ngang tại Km273+620 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, nhận được điện báo của trực ban báo tàu AH1 qua ga Yên Lý, anh Kiên đã thực hiện đúng các quy trình về đóng chắn. Lúc đó, chiếc xe đầu kéo mang biển số BKS 37C - 15747, kéo theo chiếc rơ-moóc 37R - 009.90 do tài xế Phạm Đình T. (SN 1989, trú tại huyện Quỳnh Lưu) điều khiển, từ đường dân sinh cắt qua đường sắt Bắc - Nam thì mắc kẹt trên đường sắt tại đường ngang. Vị trí xe đầu kéo mắc kẹt trên đường sắt cách vị trí anh Kiên làm khoảng 120m. Anh Kiên đã nhanh chóng vượt qua đường ngang chạy về phía xe tải, vừa chạy vừa làm tín hiệu khẩn cấp. Nhờ đó, tàu AH1 đã kịp thời dừng lại cách vị trí chiếc xe đầu kéo khoảng 80m, tránh được vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

“Lúc đó khẩn cấp quá, theo phản xạ nghề nghiệp và kinh nghiệm trong nghề tôi chỉ biết chạy về hướng tàu để báo hiệu dừng tàu không thì nguy hiểm lắm. Chỉ cần 5 phút nhưng cũng đủ tránh được những hậu quả khôn lường do tai nạn giao thông đường sắt gây ra”, anh Kiên chia sẻ.

Khi được chúng tôi hỏi về chuyện mọi người gọi anh là “người có duyên” với những nguy cơ tai nạn đường sắt, anh Kiên chỉ cười và bảo: "Dường như cứ hôm nào có tai nạn là gần như rơi vào ca của tôi. Tôi tin chắc rằng đối với người chắn gác nào khi cảm thấy có nguy hiểm cận kề đều sẵn sàng làm hết sức mình để giảm thiểu tối đa tai nạn không đáng có”.

Rồi anh kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm đáng nhớ nhất năm 2016. Lần đó khi vừa đóng xong rào chắn thì anh phát hiện một ông cụ vượt qua rào chắn để đi xuyên đường sắt. Tuy nhiên khi tới giữa đường, cụ ngã và mắc kẹt vào đường ray. Ngay lúc đấy, anh Kiên đã chạy thốc tới và bồng ông cụ lao ra khỏi đường ray. Khi cả hai vừa ra khỏi cũng là lúc tàu vừa lao đến. Sau tìm hiểu thì biết cụ là người nơi khác đến, không thông thạo địa hình lại tuổi già nên hoàn toàn không biết có tàu đến. Ngay sau đó, gia đình cụ già đã tìm cách liên hệ để cảm ơn anh Kiên cùng tổ chắn gác.

Chúng tôi hỏi anh về nguy hiểm có thể xảy ra khi cứu người, anh Kiên cười nói: “Những lúc đấy, do sự việc xảy ra rất nhanh nên đòi hỏi bản thân những người gác chắn phải xử lý quyết đoán thôi, không nghĩ được nhiều. Chỉ khi về nhà nghĩ lại hoặc xem camera, tôi mới cảm thấy sợ. Nhưng nỗi sợ ấy hoàn toàn không lớn bằng đạo đức nghề nghiệp và mong muốn mọi người đều được bình an”.

Lần anh Kiên cứu được nhiều người nhất là lúc anh 20 tuổi, khi mới nhận công tác được 2 năm. Thời điểm đó anh đang làm ở tại chốt đường ngang Km270+575 thuộc cung đường Yên Lý. Lần đó vào tầm khoảng 19h, sau khi nghe tổng đài thông báo sắp có chuyến tàu TN1 đi từ Hà Nội - Sài Gòn, anh Kiên bắt đầu làm quy trình kiểm tra để đóng chắn thì có tin người dân báo cách chắn 4km có chiếc xe tải 7 chỗ chết máy ngay đường ngang dân sinh không có chắn tự động thuộc Km266+200. Ngay lập tức anh chạy xe máy dọc đường tàu. Khi đến nơi anh thấy có 7 hành khách đang ở trên xe và chỉ còn cách tàu TN1 400m. Anh liền vội vàng chạy ngược hướng tàu, vừa chạy vừa bật đèn và vẫy cờ yêu cầu tàu phải dừng khẩn cấp. May thay, lái tàu TN1 đã kịp thời nhận ra và cho dừng tàu cách vị trí ô tô chết máy gần 50m.

Cũng có lẽ từ đó, duyên cứu người đến với anh, sau 29 năm công tác trong ngành anh đã cứu ít nhất 6 vụ xe mắc kẹt đường tàu. Trao đổi với chúng tôi, anh Kiên khiêm tốn chia sẻ, không chỉ mình tôi mà những cán bộ đường sắt nói chung luôn tâm niệm hạn chế nhất có thể thiệt hại về người và của, đặt an toàn lên hàng đầu.

Phó Bí thư chi bộ gương mẫu

Năm 1994, anh Dương Văn Kiên tốt nghiệp Trường Trung cấp Đường sắt và được phân công về Công ty cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh.

Anh Dương Văn Kiên phát tín hiệu an toàn chuẩn bị đón tàu qua đường ngang. Ảnh: An Quỳnh.

Thời gian đầu anh làm việc tại gác chắn thuộc cung đường Yên Lý nằm ở Km270+575. Đến năm 1998 thì được phân công về trạm gác chắn ở Km273+620 thuộc cung đường chợ Sy và làm cho đến nay.

Công việc chính của người chắn gác là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông khi đi qua điểm giao cắt. Nghe qua công việc có vẻ đơn giản, nhưng anh Kiên cũng như những đồng nghiệp của mình phải chịu áp lực về thời gian và những quy định nghiêm ngặt trong nghề.

Mỗi nhân viên gác chắn sẽ làm việc theo “ban”. Mỗi ban kéo dài 12 tiếng, ca sáng bắt đầu từ 6h đến 18h, còn ca tối từ 18h cho tới sáng ngày hôm sau. Khi đã “lên ban” thì tuyệt đối không được rời trạm gác hoặc ngủ. Công việc càng thêm phần nhọc nhằn mỗi dịp lễ, Tết tàu tăng chuyến.

Anh Kiên chia sẻ: “Có những thời điểm ca ngày có đến tầm 20 chuyến tàu qua; ca đêm sẽ nhiều hơn tầm 25, 26 chuyến”. Vất vả là thế nhưng anh vẫn rất lạc quan, làm việc bằng tất cả nhiệt huyết và trách nhiệm đối với công việc của mình đã gắn bó.

Bắt buộc mỗi người chắn gác phải ghi đầy đủ cụ thể giờ tàu qua theo đúng quy định. Ảnh: An Quỳnh

Năm 1999, nhờ luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao, anh Dương Văn Kiên được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 23 tuổi. Thấu hiểu nhiệm vụ, vai trò xung kích của người đảng viên ngành đường sắt trong thời kỳ tái cơ cấu, bản thân anh đã không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Anh còn vinh dự là 1 trong 5 đại biểu đại diện cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - năm 2020.

Năm 2021, anh Dương Văn Kiên được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Anh còn là Phó Bí thư Chi bộ gương mẫu của Chi bộ Cung đường chợ Sy.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc cũng là lúc anh Kiên trở về vị trí làm việc của mình. Tạm biệt "người có duyên với nguy cơ tai nạn đường sắt", lưu lại trong chúng tôi những ấn tượng đẹp về đôi bàn tay tất bật ghi chép lịch trình tàu cùng nụ cười không bao giờ tắt trên khuôn mặt người gác chắn đường sắt Dương Văn Kiên đã và đang làm việc hết mình vì sự bình yên cho mỗi chuyến tàu qua…

Mới nhất
x
Chuyện về người chạy ngược hướng tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO