Chuyện về 'ông vật cù' xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - Là một cộng tác viên thể thao của xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Trọng Tân (1952) còn được người dân xung quanh trìu mến gọi ông với cái tên "ông vật cù". Bởi ông là một trong những người gìn giữ, truyền lửa cho vật cù - một trò chơi dân gian của xứ Nghệ.
» Kịch tính tranh cù hội Đền Bạch Mã
» Hàng ngàn người trẩy hội đền Bạch Mã
Ông Nguyễn Trọng Tân bắt bóng trong một trận vật cù ở lễ hội đền Bạch Mã. Ảnh: Thành Cường |
Nhanh nhẹn, khỏe mạnh, vui tính là những gì mà người đối diện có thể cảm nhận khi lần đầu tiên tiếp xúc với “ông vật cù” xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Không khó để cảm nhận niềm đam mê, yêu thích thể thao, mà đặc biệt là trò chơi dân gian vật cù trong ông.
Ông Tân cho biết, vật cù là trò chơi dân gian độc đáo của riêng người dân huyện Thanh Chương. Hằng năm, cứ đến ngày hội, lễ Tết người dân ở các làng của Thanh Chương lại sôi nổi, hào hứng tổ chức trò chơi vật cù. Sau này, khi lễ hội đền Bạch Mã được khôi phục (năm 2001), ông đã cùng cán bộ văn hóa huyện đề xuất đưa trò chơi vật cù vào các hoạt động của lễ hội và nhanh chóng được chấp thuận. Kể từ đó đến nay, trò chơi vật cù đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của hội đền Bạch Mã.
Vốn là một công nhân cơ khí nhưng niềm yêu thích thể thao luôn cháy bỏng trong ông. Thời còn trai tráng, ông là một trong những "vận động viên" của xã Xuân Tường. Trong những hội thi vật cù giữa các làng, các xã hay các trận bóng đá… chưa bao giờ vắng bóng ông.
Đến năm 1980, khi về hưu, ông Tân được bầu làm cộng tác viên thể thao của xã từ đó ông đã tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động cộng đồng. Ông Tân cười đùa, “Không có sức khỏe để chạy thi với bọn trai làng thì tôi làm trọng tài giám sát, tiếp nhiệt cho các trận thi đấu. Chạy theo đám thanh niên ông cũng thấy mình trẻ, khỏe ra”.
Để chọn được một vài gốc chuối ưng ý làm bóng cù, ông Tân bỏ ra không ít công sức. Ảnh: Thành Cường |
Là trò chơi dân gian được các cha ông truyền lại nên không có luật cụ thể. Về luật trò chơi vật cù, ông Tân dựa theo những luật cũ trong dân gian nhưng có sửa lại một vài điều. Ví dụ như trước đây, cầu gôn 2 đầu sân thường dùng sọt nhưng sau đó được sửa thành hố sâu rộng 50x50 cm hay thời gian mỗi trận diễn ra khoảng 15 phút. Không còn sức khỏe để tranh cù như đám thanh niên làng, ông Tân lùi lại phía sau để làm trọng tài tiếp lửa cho mỗi cuộc thi.
Ông Tân chia sẻ, để điều hành một trận vật cù sao cho sôi nổi, kịch tính, hấp dẫn cũng phải có mẹo riêng , không phải ai cũng làm được. Có lẽ vì vậy mà từ các trận vật cù ở làng, xã cho đến các hội thi vật cù lễ hội đền Bạch Mã, ông luôn được mọi người tin tưởng giao nhiệm vụ ‘thổi còi bắt bóng” cho mỗi trận.
Không chỉ làm trọng tài, trước mỗi trận thi vật cù diễn ra, ông Tân còn kiêm luôn nhiệm vụ chuẩn bị làm “bóng cù”, một công việc tốn khá nhiều thời gian. “Bóng cù phải được làm từ gốc chuối hột già, tròn mới không bị bể và có độ trơn nhất định. Có khi phải mất cả buổi, đi khắp làng mới chọn được một vài gốc chuối ưng ý để đưa về đẽo gọt cẩn thận và phải đẽo sao cho gốc chuối thật tròn”, ông Tân cho biết.
Thông thường, ông sẽ làm đến 3 quả bóng cù, mỗi quả có đường kính tầm 30 cm, nặng 5-7 kg để dự phòng khi bóng vỡ.
Tấm bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng ông Tân năm 2010. Ảnh: Thành Cường |
Ghi nhận những cống hiến của ông, năm 2010, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng ông Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa, thể thao và du lịch.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tân cho biết, hễ còn sức khỏe, ông vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình nhằm bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa độc đáo của trò chơi vật cù ở xứ Nghệ./.
Chu Thanh - Thành Cường
TIN LIÊN QUAN |
---|