CNN kiện Tổng thống Trump; Séc rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư

Hữu Quân 15/11/2018 06:03

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra nhiều tin tức nổi bật như: CNN kiện Tổng thống Trump; Hàn Quốc và Triều Tiên chuẩn bị xúc tiến hợp tác hàng không; Thủ tướng Đức kêu gọi thành lập "quân đội châu Âu thực sự"; Séc chính thức rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư...

Nga lo ngại vì "sự khó đoán" của Mỹ dưới thời Trump

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh:TASS.

"Việc nước Mỹ gần đây trở nên không thể dự đoán là điều không gây bất ngờ cho bất kỳ ai. Sự khó đoán từ một quốc gia lớn, cũng là nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ gây ra sự lo ngại sâu sắc trên toàn cầu", AFP dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/11 phát biểu. Tuyên bố của Peskov được đưa ra hai tuần trước cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina.

Trump và Putin được dự đoán sẽ có các cuộc thảo luận chính thức vào cuối tháng này khi dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hai bên chưa thống nhất được lịch trình.

Séc chính thức rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư

hiep uoc toan cau ve di cu: sec chinh thuc rut khoi hinh 1

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis. (Ảnh: Telegraph).

Cộng hòa Séc trở thành nước mới nhất rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên Hợp Quốc (LHQ) khi tuyên bố ngày 14/11 họ sẽ không tham gia ký vào văn bản này tại một hội nghị liên chính phủ của LHQ dự kiến sẽ diễn ra ở Marocco vào tháng 12 tới.

Như vậy sau Hungary và Áo, Cộng hòa Séc là nước thành viên Liên minh châu Âu mới nhất chính thức tuyên bố không tham gia Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ. Ba Lan, Bungary, Italy và một số nước khác đang cân nhắc có các động thái tương tự.

CNN kiện Trump và một loạt quan chức Mỹ vì cấm cửa phóng viên

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích phóng viên Jim Acosta trong cuộc họp báo hôm 7/11. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích phóng viên Jim Acosta trong cuộc họp báo hôm 7/11. Ảnh: Reuters

Hãng tin Mỹ cáo buộc Nhà Trắng vi phạm những quyền được quy định trong hiến pháp khi cấm cửa một phóng viên của họ. "Việc hủy bỏ hoạt động tác nghiệp vi phạm các quyền tự do báo chí của CNN và Acosta được quy định trong Tu chính án thứ nhất và quyền tiếp cận trong Tu chính án thứ năm", CNN viết trong đơn kiện gửi lên một tòa án liên bang ở Washington, đề cập tới Jim Acosta, phóng viên bị Nhà Trắng cấm cửa sau khi tranh cãi nảy lửa với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cả CNN và Acosta đều là nguyên đơn trong vụ kiện. Các bị đơn bao gồm Tổng thống Trump, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Thư ký báo chí Sarah Sanders, Phó chánh văn phòng phụ trách truyền thông Bill Shine, Giám đốc Cơ quan Mật vụ Randolph Alles và sĩ quan đã ngăn chặn Acosta tác nghiệp hôm 7/11. Nhà Trắng đã bác bỏ khiếu nại của CNN và cam kết sẽ chống lại vụ kiện một cách quyết liệt.

Hàn Quốc và Triều Tiên chuẩn bị xúc tiến hợp tác hàng không

bay thang trieu tien – han quoc sap thanh hien thuc? hinh 1

Một chiếc máy bay trong sân bay quốc tế Bình Nhưỡng.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 14/11 thông báo, Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ tổ chức một cuộc họp vào cuối tuần này để thảo luận vấn đề hợp tác trong lĩnh vực hàng không. Cuộc họp diễn ra vào ngày 16/11 tới tại văn phòng liên lạc chung ở thị trấn biên giới Kaesong. Theo người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun, các trao đổi và hợp tác liên Triều đang diễn ra không vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Mở đường bay trực tiếp giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng có thể là một trong những nội dung được thảo luận tại cuộc gặp.

Triều Tiên trước đó đã đệ trình lên Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế cho phép máy bay của nước này, bay qua không phận Hàn Quốc tới những nước thứ 3. Các chuyên gia cho rằng, yêu cầu này cũng có thể được thảo luận tại cuộc họp.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Phe Cộng hòa mất thêm 1 ghế quan trọng ở Hạ viện

bau cu giua ky my: phe cong hoa mat them 1 ghe quan trong o ha vien hinh 1

Ông Josh Harder và vợ. Ảnh: New York Times.

Phe Cộng hòa (Mỹ) vừa hứng chịu thêm một bước thụt lùi nữa ở California vào hôm 13/11 khi Hạ nghị sĩ Jeff Denham bị đánh bật khỏi vị trí hiện tại của ông sau 4 nhiệm kỳ ở một khu vực đại diện cho một dải đất nông nghiệp rộng lớn ở Thung lũng Trung tâm của nước Mỹ.

Thế dẫn trước của đối thủ Dân chủ của ông, Josh Harder bắt đầu tăng mạnh trong tuần qua. Cập nhật mới nhất vào đêm 13/11 cho thấy ông dẫn trước tới 4.919 phiếu – một khoảng cách mà ông Denham khó bề khỏa lấp được. Thất bại của nghị sĩ Denham trước nhà tư bản Harder là pha lật ngược thành công thứ 4 của phe Dân chủ ở California. Còn hai cuộc tranh giành vị trí trong Quốc hội tại bang này vẫn chưa ngã ngũ là trường hợp giữa nghị sĩ Cộng hòa Mimi Walters và đảng viên Dân chủ Katie Porter, và trường hợp đối đầu giữa đại diện Cộng hòa Young Kim và ứng viên Dân chủ Gil Cisneros.

Thủ tướng Đức kêu gọi thành lập "quân đội châu Âu thực sự"

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Bà Merkel cho rằng việc xây dựng quân đội thống nhất sẽ giúp châu Âu "tự nắm giữ số phận", sau khi Macron đưa ra ý tưởng tương tự. "Những biến động trong năm qua cho thấy điều thực sự quan trọng là chúng ta phải hành động dựa trên tầm nhìn về việc tạo ra một quân đội châu Âu đúng nghĩa, đích thực vào một ngày nào đó", AFP dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp của Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp.

Bà Merkel nói thêm rằng quân đội châu Âu này có thể hoạt động theo hình thức hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong khuôn khổ NATO, nhưng nhấn mạnh "một châu Âu mạnh hơn sẽ bảo vệ châu Âu". "Châu Âu phải tự nắm giữ số phận của mình nếu muốn bảo vệ cộng đồng của chúng ta", Thủ tướng Đức tuyên bố. Bà còn kêu gọi thành lập một hội đồng bảo an châu Âu, tập trung vào chính sách quốc phòng và an ninh tại lục địa, các nước thay phiên nhau làm chủ tịch.

Indonesia hoãn ký FTA vì Australia định chuyển ĐSQ đến Jerusalem

australia dinh chuyen dai su quan o israel den jerusalem, indonesia hoan ky fta hinh 1

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) với Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita ngày 14/11 khẳng định tạm hoãn việc ký Hiệp định thương mại tự do giữa nước này với Australia trong lúc Australia cân nhắc việc chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem. Bộ trưởng Lukita cũng đồng thời cho biết “việc ký kết có thể diễn ra bất kỳ khi nào nhưng việc Indonesia có ký hay không phụ thuộc vào quan điểm của Australia”.

Tuyên bố này được đưa ra trước cuộc gặp giữa Tổng thống Indonesia Joko Widodo với Thủ tướng Australia Scott Morrison vào sáng 14/11, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra tại Singapore. Theo kế hoạch, Australia và Indonesia sẽ ký Hiệp định thương mại tự do nhân dịp này song vì Thủ tướng Australia Morrison bất ngờ tuyên bố cân nhắc chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem vào tháng trước khiến Indonesia, quốc gia có đông dân theo Đạo hồi nhất thế giới không hài lòng.

Mỹ muốn trừng phạt quan chức Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương

Người biểu tình phản đối Trung Quốc giam người Duy Ngô Nhĩ tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 6/11. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình phản đối Trung Quốc giam người Duy Ngô Nhĩ tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 6/11. Ảnh:Reuters.

Các nhà lập pháp Mỹ đang đề xuất một dự luật nhằm thúc giục Tổng thống Trump phản ứng mạnh mẽ hơn trước vấn đề Tân Cương của Trung Quốc. Dự luật mới yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên ánh hành động của Trung Quốc ở khu vực phía tây Tân Cương, kêu gọi chính phủ Mỹ có những chính sách "đặc biệt" về vấn đề này, đồng thời cân nhắc việc cấm xuất khẩu sang Trung Quốc những công nghệ mà Bắc Kinh có thể dùng để giám sát hoặc bắt người dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng muốn chính quyền Trump cân nhắc đưa ra những biện pháp trừng phạt đối với ông Trần Toàn Quốc, bí thư đảng ủy khu tự trị Tân Cương, cùng các quan chức khác bị cáo buộc gây ra những cuộc đàn áp an ninh. Trong khi đó, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Mỹ cũng như các nhà lập pháp Mỹ không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

Kim cương hồng quý hiếm lập kỷ lục đấu giá 50 triệu USD

Viên kim cương Pink Legacy. Ảnh: AFP

Viên kim cương Pink Legacy. Ảnh:AFP

Viên kim cương hồng quý hiếm Pink Legacy nặng chưa đến 19 carat và được thương hiệu Mỹ Harry Winston mua lại 50 triệu USD tại phiên đấu giá ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 13/11. Trước phiên giao dịch, nó có giá khoảng 30 - 50 triệu USD và được bán đi chỉ sau 5 phút. Chủ nhân mới đã đặt lại tên cho nó là Winston Pink Legacy.

Từng thuộc sở hữu của gia đình Oppenheimer, chủ công ty khai khoáng De Beers, Pink Legacy được mệnh danh là "một trong những viên kim cương tuyệt nhất thế giới". Viên đá quý được phát hiện tại một mỏ châu Phi cách đây khoảng một trăm năm và dường như không bị biến đổi kể từ lần cắt gọt đầu tiên vào năm 1920. Việc tìm được một viên kim cương có màu hồng sáng và lớn hơn 10 carat như Pink Legacy là rất hiếm thấy, nhà đấu giá Christie's cho hay. Nó đã đánh bại kỷ lục thế giới trước đó về mức giá tương đương 2,6 triệu trên mỗi carat.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Mới nhất
x
CNN kiện Tổng thống Trump; Séc rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO