"Có bột mới gột nên hồ"
(Baonghean) - Mía đường là một trong những ngành đi đầu trong việc gắn kết nông dân với nhà máy, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Các nhà máy đường xác định, nguyên liệu là nhiệm vụ sống còn nên việc phát triển nguyên liệu được các nhà máy quan tâm. Bài viết "Bài toán nguyên liệu cho mía đường: Lời giải ở năng suất và giá thành" của Thu Huyền - Phú Hương, trang 1 Nhật báo ngày 19/3 đã cho chúng ta thấy thêm một số vấn đề về nguyên liệu của ngành mía đường.
Xác định là một trong những cây công nghiệp chủ lực, tỉnh Nghệ An đã có nhiều động thái để phát triển vùng nguyên liệu cũng như các nhà máy sản xuất mía đường trên địa bàn. Cụ thể trong Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2015, có tính đến năm 2020, đã xác định rõ mục tiêu tổng quát: Từng bước ổn định quy mô diện tích trồng mía, trước hết nhằm đảm bảo bền vững nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động với tổng công suất khoảng 11.150 tấn /ngày như hiện nay và tiến tới nâng tổng công suất lên 15.250 tấn /ngày từ năm 2010 và 17.250 tấn /ngày vào năm 2020.
Theo đó, phương án năng suất đề ra là: thực hiện đầu tư thâm canh ngay từ đầu, kết hợp giảm dần diện tích mía trên đất đồi nhằm đạt được mục tiêu năng suất 600 - 650 tạ/ha năm 2010, 700 - 750 tạ/ha năm 2015 và 800 tạ/ha năm 2020. Cơ chế chính sách cũng rất khuyến khích người dân như: Đề xuất mức giá thu mua hợp lý theo mức bình quân cả nước, phân phối lợi nhuận hợp lý giữa nhà máy và người nông dân, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người trồng mía như đã triển khai nhiều năm nay...
Trong bài viết của mình, nhóm tác giả đã nêu một thực trạng khá buồn, đó là hiện tượng nông dân chặt bỏ mía. Dẫn chứng cho hiện tượng này, bài viết nêu số liệu "Niên vụ ép 2014 – 2015, diện tích, năng suất và sản lượng mía của cả 3 nhà máy đều giảm so với kế hoạch đề ra. Tại Nhà máy đường Nasu, diện tích mía giảm 3.000 ha, năng suất mía giảm từ 2 - 3 tấn/ha so với vụ ép 2013 - 2014, kéo theo sản lượng mía giảm trên 200.000 tấn". Nguyên nhân, bài viết cũng đã nêu một số vấn đề như thiếu xe vận tải, đường giao thông xuống cấp. Nhưng thực sự, vẫn là do vùng nguyên liêu bị giảm nhiều. "Có nơi giảm hẳn một nửa, do người nông dân bỏ trồng mía với lý do giá nhà máy thu mua thấp, chưa đầy 800.000 đồng/tấn mua tại ruộng".
Sản xuất mía đường gồm hai mảng, công nghiệp chế biến và nông nghiệp. Mảng công nghiệp chế biến như vậy có thể coi là tạm ổn với việc đầu tư, đổi mới trang thiết bị máy móc theo công nghệ hiện đại, sản xuất đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng và chủng loại ở các nhà máy. Tuy nhiên, mảng công nghiệp chế biến chỉ chiếm khoảng 20 - 25 % giá thành phẩm.
Trong khi đó, mảng nông nghiệp đóng vai trò chính, chiếm tỷ lệ lớn từ 70 - 80% trong cơ cấu giá thành, lại gặp khá nhiều trắc trở. Khi hình thành nên các nhà máy đường, việc xây dựng các vùng mía nguyên liệu tập trung chưa được chú trọng đúng mức, cây mía chưa được trồng trong các nông trại tập trung mà xen kẽ với nhiều loại cây trồng khác. Mô hình canh tác theo nông hộ ở dạng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi tưới và tiêu nước. Các công đoạn từ khâu trồng, làm đất, đặt hom, chăm sóc, thu hoạch đều làm thủ công nên không chỉ làm tăng cao chi phí trong sản xuất mà phần chữ đường và năng suất cây mía cũng thấp.
Đó cũng là vấn đề bài viết đặt ra khi so sánh giá mía ở ta không thấp mà thậm chí còn cao hơn các nước lân cận, bởi một số nguyên nhân như giá thành để sản xuất ra một tấn mía của họ chỉ bằng 55 – 60% giá thành sản xuất mía ở ta; trong khi năng suất mía của họ cũng rất cao, đạt từ 80 – 120 tấn/ha. Bởi vậy, bài viết đã nhận định: "Nên vấn đề đặt ra ở đây là năng suất mía và trình độ thâm canh của nông dân ta còn quá thấp. Vậy, để giải quyết bài toán nguyên liệu cho các nhà máy mía đường, vấn đề mấu chốt là nâng năng suất, hiệu quả của cây mía".
Trong tình hình diện tích trồng mía ngày càng giảm mạnh, nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến, cơ quan chức năng và các nhà máy đường đang tìm nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người trồng mía an tâm sản xuất và ổn định vùng nguyên liệu, việc các doanh nghiệp tự tìm cho mình những giải pháp khả thi nhằm phát triển cây mía theo hướng thâm canh để tăng năng suất, chất lượng là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh các nỗ lực tự cứu, các doanh nghiệp sản xuất mía đường Nghệ An rất cần những sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước. Sự hỗ trợ này không chỉ là để xây dựng các vùng mía nguyên liệu tập trung nhằm tăng hàm lượng chữ đường trong cây mía để từ đó giảm giá thành, tăng chất lượng nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hạt đường xứ Nghệ mà còn là việc đưa ra những quy định và hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong việc tiêu thụ sản phẩm và phát triển cho ngành mía đường tỉnh trong tương lai.
Người xây dựng
TIN LIÊN QUAN