Cơ chế nào để Mặt trận giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư?

15/09/2017 16:08

Nhiều lĩnh vực giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân chưa được cụ thể hóa thành cơ chế.

Việc giám sát cán bộ, đảng viên đang được thực hiện tại các khu dân cư nhưng gặp nhiều khó khăn, do chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân.

Thực tế cho thấy, nhiều lĩnh vực giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân chưa được cụ thể hóa thành cơ chế.

Ông Phạm Đức Thường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình.
Ông Phạm Đức Thường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình.

Là 1 trong 5 tỉnh, thành phố thí điểm thực hiện quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã chọn 26 xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ và nhân dân về chủ trương giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Xây dựng hộp thư giám sát để nhân dân thực hiện quyền giám sát.

Nhờ có sự phát hiện của nhân dân và kiến nghị của Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn, các vụ việc vi phạm đã được cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý công khai, nghiêm minh. Nhờ triển khai quy chế, giám sát nghiêm túc, cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư đã có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật và vận động gia đình chấp hành pháp luật, các quy định của chính quyền địa phương, hương ước, quy ước thôn…

Tuy nhiên, ông Phạm Đức Thường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cũng nêu thực tế, việc giám sát cán bộ, đảng viên hiện chưa có cơ chế và quy định để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng đối với hoạt động giám sát. Nhất là phạm vi giám sát, đối tượng giám sát cần được làm rõ thêm.

“Ở cơ sở gặp nhiều khó khăn, đó là bản lĩnh và kinh nghiệm thực hiện hoạt động giám sát chưa nhiều. Cơ chế để đảm bảo cho Mặt trận thực hiện nhiệm vụ này được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, được lòng dân cũng như chế tài để đảm bảo cho Mặt trận thực hiện thì chưa đầy đủ. Nhiệm vụ này cần phải được xác định rõ hơn trong cơ chế của Đảng lãnh đạo, chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân” - ông Phạm Đức Thường nêu ý kiến.

Ông Lý Ngọc Thành, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật Mặt trận Tổ quốc TPHCM.
Ông Lý Ngọc Thành, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật Mặt trận Tổ quốc TPHCM.

TPHCM cũng được chọn thí điểm quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”. Qua giám sát, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và tổ chức trên địa bàn cấp xã nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện quản lý.

Từ thực tế đi giám sát, ông Lý Ngọc Thạch, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, MTTQ TPHCM cho rằng, có những đảng viên hộ khẩu ở nơi cư trú, nhưng lại sinh sống tại nơi khác. Chỉ cuối năm mới chuyển bản nhận xét đảng viên nơi cư trú để chi bộ nhận xét. Đặc biệt, việc giám sát kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức rất khó khăn, bởi việc kê khai tài sản chỉ được thực hiện tại nơi làm việc, còn nơi cư trú thì không. Đồng thời, chưa có cơ chế để Mặt trận thực hiện giám sát đối với cán bộ, đảng viên.

“Cơ chế để Mặt trận thực hiện giám sát đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cần cụ thể hơn vai trò của Mặt trận để tổ chức giám sát người đứng đầu hay cán bộ, đảng viên tại nơi làm việc và nơi cư trú. Chúng ta cần có cơ chế cụ thể, có sự chỉ đạo Đảng cấp trên đối với tổ chức Đảng cấp dưới. Từ đó, tạo điều kiện cho Mặt trận, phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát của mình” - ông Lý Ngọc Thạch cho biết.

Chủ trương của Đảng là cán bộ, đảng viên và công chức phải có một chế độ tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, trước hết là đối thoại ở nơi mình sinh sống. Thông qua đối thoại để hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, cùng giúp nhau tiến bộ.

Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, Đảng đã quy định người cán bộ sống phải gương mẫu, phải chịu sự giám sát của nhân dân và phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.

Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự thấy trách nhiệm của mình, thấy được vinh dự của mình là được nhân dân giám sát chứ không phải nhìn nhận giám sát là cái gì đó đen tối, không tốt đẹp. Việc giám sát đó là tốt, bình thường, muốn làm tốt nhân dân phải xác định quyền của mình.

Từ thực tiễn triển khai quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, chủ trương MTTQ Việt Nam là giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư nhằm góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, trong sạch, vững mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực.

Cơ chế rõ thì Mặt trận mới thực hiện giám sát cán bộ đảng viên hiệu quả. Bên cạnh đó, đối tượng giám sát nên quy định chung là cán bộ, đảng viên. Cơ chế làm sao để huy động sự tham gia của người dân, thông qua Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội là tổ chức đại diện góp ý. Cơ chế này phải rõ, những ý kiến, kiến nghị đến phải được phản hồi. Đồng thời tác dụng để người được giám sát tiếp thu.

Đảng kỳ vọng vào kênh giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Đây là việc khó, nhưng nếu có cơ chế và quy định cụ thể về nội dung giám sát sẽ là dịp giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên để ngăn chặn và phòng ngừa những hiện tượng tiêu cực và kịp thời xử lý những sai phạm.

Với cơ chế rõ ràng để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư, sẽ có tác dụng quan trọng trong việc góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Cơ chế nào để Mặt trận giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO