Có chế tài đủ mạnh đối với doanh nghiệp yếu kém về an toàn vệ sinh lao động
(Baonghean.vn) - Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp thẩm tra sáng 22/11 của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh liên quan đến một số báo cáo, dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh thuộc lĩnh vực lao động - thương binh - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc thẩm tra. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham dự. Ảnh: Minh Chi |
Chưa phản ánh đúng thực trạng mất ATVSLĐ
Thẩm tra báo cáo việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 trên địa bàn tỉnh cho thấy, qua thống kê, báo cáo từ các đơn vị, doanh nghiệp, 10 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ tai nạn lao động, làm 22 người bị nạn, trong đó có 7 người chết.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng đang diễn ra. Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh được các cơ quan chức năng quan tâm, số doanh nghiệp được thanh, kiểm tra còn ít, chỉ có hơn 250 doanh nghiệp trên tổng số khoảng 13.000 doanh nghiệp được kiểm tra.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền tham gia ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Minh Chi |
Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của nhiều chủ sử dụng lao động chưa cao và bản thân người lao động cũng đang đối phó trong việc sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động cho mình.
Có tình trạng doanh nghiệp chưa được nghiệm thu các điều kiện đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, an toàn, vệ sinh lao động nhưng vẫn đi hoạt động.
Kết luận nội dung này, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bên cạnh thống kê số vụ tai nạn trong năm thì cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của doanh nghiệp, của người lao động và kể cả trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc kiểm tra, giám sát và cảnh báo các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp.
Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề ATVSLĐ. Ảnh: Minh Chi |
Việc đánh giá công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này ở cấp huyện và cấp xã còn nhiều yếu kém. Liên quan đến giải pháp, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị Sở LĐ-TB&XH cần nghiên cứu để có chế tài xử lý các doanh nghiệp không thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra; đồng thời cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và hành động đối với chủ sử dụng lao động và người lao động trong chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Cần đánh giá sâu hiệu quả các chương trình giảm nghèo
Thẩm tra báo cáo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018, các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị UBND tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần đánh giá sâu hiệu quả của các chương trình, dự án phục vụ mục tiêu giảm nghèo. Gắn với đó chú trọng phân loại hộ nghèo theo Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH để từ đó có giải pháp phù hợp, tránh tình trạng người nghèo thiếu dịch vụ y tế lại được hỗ trợ về giáo dục và ngược lại; chú trọng hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...
Và điều quan trọng theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thị Thu Hường là cần đánh giá rõ những việc làm được, chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ giảm nghèo trong năm tới.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vi Ngọc Quỳnh tiếp thu, giải trình một số vấn đề liên quan đến 2 dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh. Ảnh: Minh Chi |