Có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho sai phạm của Khaisilk?
“Vụ Khaisilk đương nhiên có dấu hiệu bao che, tiếp tay của lực lượng chức năng, trong đó có quản lý thị trường”, một cán bộ lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương chia sẻ.
Một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Cục QLTT), Bộ Công thương bức xúc: "Vụ Khaisilk đương nhiên có dấu hiệu bao che, tiếp tay của lực lượng chức năng, trong đó có QLTT. Một đơn vị QLTT quản lý vĩ mô mà toàn lực lượng yếu kém như thế không thể nào chấp nhận được. Không thể nào một Tập đoàn hoạt động hàng chục năm mà lại kiểm tra chỉ phát hiện 60 chiếc khăn giả? Lực lượng đi kiểm tra không thể chỉ nghe theo lời khai của nhân viên bán hàng rồi ghi vào biên bản chỉ có từng đấy'.
'Nói thật, một mình tôi đi cũng phát hiện ra hàng chục chiếc khăn chứ không riêng gì 60", vị cán bộ này bức xúc.
Cũng theo vị lãnh đạo này, chỉ cần kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa hàng của Tập đoàn Khaisilk, kiểm tra toàn bộ vận đơn, tờ khai, mã hàng hoá, hoá đơn mua bán, nguồn gốc hàng hoá... sẽ phát hiện ra ngay hàng giả, hàng thật của Tập đoàn này và hoạt động này đã diễn ra bao lâu.
Nhiều người từng có niềm tin vào thương hiệu Khaisilk. |
Vị cán bộ này kiến nghị Bộ trưởng Công thương chỉ đạo quyết liệt lực lượng QLTT làm đúng trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của mình. Không thể để xảy ra tình trạng "trên bảo, dưới không nghe" được. Không thể có chuyện lãnh đạo Tập đoàn Khaisilk thừa nhận lừa dối người tiêu dùng Việt mà lực lượng QLTT lâu nay không kiểm tra, phát hiện ra sai phạm gì của họ.
'Bài học từ các vụ gian lận của phân bón Thuận Phong, VN Pharma vẫn chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh lực lượng chức năng hay sao?', vị này băn khoăn.
Trước đó ngày 28/10, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội có báo cáo gửi Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm).
Theo báo cáo, cửa hàng 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể do UBND quận Hoàn Kiếm cấp. Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga thừa nhận, cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China sau đó khâu nhãn Khaisilk Made in Việt Nam để bán.
Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.
Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 30/10, chia sẻ về tình trạng Khaisilk bán hàng Trung Quốc, ĐBQH Dương Trung Quốc thấy “sốc” vì từng có niềm tin vào một số thương hiệu, đặc biệt với thương hiệu có giá trị truyền thống, trong đó có Khaisilk.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, cửa hàng Khaisilk giải thích nguyên nhân vụ việc do nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm rồi về cắt bỏ nhãn gốc “Made in China”, sau đó khâu nhãn “Khaisilk Made in Vietnam” để bán cho khách hàng, chẳng khác gì “đổ lỗi cho cậu đánh máy".
Theo ông Quốc, phải nhìn nhận theo 'tỉ lệ nghịch', tức là thương hiệu càng lớn thì lỗi lầm càng lớn và phải bị xử lý càng nặng. “Ông chủ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất”, ông Quốc nói.
Theo Báo Tiền phong
TIN LIÊN QUAN |
---|