Cô gái mồ côi rửa bát thuê để theo đuổi giấc mơ giảng đường

10/06/2017 14:56

(Baonghean.vn) - Mồ côi cha từ năm 9 tuổi, phải giúp mẹ phải làm nghề bốc vác kiếm sống qua ngày nhưng Đinh Thị Phương Linh chưa bao giờ từ bỏ ước mơ mà mình đã chọn. Ước mơ được tới giảng đường.

Những tháng ngày sóng gió

Gặp chị khi trời đã đứng bóng, nắng đổ rát mặt đường với từng đợt gió Tây Nam như muốn hong khô người phụ nữ trạc 40. Những ngày nắng nóng cao điểm đổ lên thành Vinh, chị Nguyễn Thị Mùi (Hưng Tây, Hưng Nguyên) vẫn ngồi đó với hy vọng có người gọi bốc xếp hàng hóa, chuyển vật liệu xây dựng để có thêm tiền trang trải cho 3 người con ăn học.

Bên kia đường, là cái quán cơm bình dân, mỗi khi quán có thêm nhiều người đến chị lại đưa ánh mắt đầy lo lắng nhìn sang. Bởi đó là nơi con gái chị - Đinh Thị Phương Linh đang rửa bát thuê để kiếm tiền trang trải tiền học phí, đỡ phần nào gánh nặng cho mẹ khi em sớm mồ côi bố.

Nói về con, chị xem Phương Linh là niềm an ủi của mình khi từ nhỏ em đã là một cô bé có thành tích học tập nổi bật so với bạn bè đồng trang lứa. Quay ngược thời gian khi em có đủ đầy bố mẹ, cuộc sống cũng chẳng khá hơn là bao khi bố chỉ làm thợ xây, mẹ buôn bán vặt để nuôi Linh và hai em. 5 thành viên trong gia đình phải sống trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 20 m2 với cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề. Sớm ý thức được hoàn cảnh của mình, sau những tiết học ở trường, em phải đảm đương luôn việc nhà và chăm em thay bố mẹ.

fnhgk
Chị Mùi (thứ 2 từ phải sang) phải làm cửu vạn để nuôi các con ăn học. Ảnh: Thanh Quỳnh

Vào năm Linh tròn 7 tuổi, khi em út chỉ mới cất tiếng khóc chào đời 6 tháng, bố em đã quyết định đi xuất khẩu lao động sang Nga với hy vọng có thể vực dậy nền kinh tế gia đình. Thế nhưng, chỉ 2 năm sau đó, nơi đất khách quê người bố em đã bị tai nạn lao động và mất.

Ngày tiễn bố đi, em và mẹ đã hy vọng về một tương lai gia đình không còn đói nghèo đeo bám. Em không ngờ ngày đón bố về em chỉ còn được nhìn mặt bố qua tấm kính nhỏ trên chiếc quan tài vô tri vô giác. Cũng từ đó, em hiểu rằng mình sẽ phải mạnh mẽ hơn, chăm chỉ hơn khi đã mất đi chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất.

Sau ngày bố mất, mẹ em phải đi làm cửu vạn, ngày có việc thì thu nhập trên dưới 200.000 đồng. Nhưng người đông, việc ít nên số tiền mẹ em kiếm được ngày càng hạn hẹp. Thấy cuộc sống khó khăn, lại là chị cả trong gia đình nên em đã quyết định đi rửa bát thuê và dọn nhà theo giờ sau những buổi học ở trường.

dfhttuj
Em Đinh Thị Phương Linh bên góc học tập của mình. Ảnh: Thanh Quỳnh

Chiếc xe đạp cọc cạch là người bạn đồng hành cùng em trên quãng đường hơn 10 cây số từ nhà tới chỗ làm suốt thời gian qua. Có những khi thủng xăm hay hư hỏng Linh buộc phải dắt bộ cả quãng đường dài. Tiền kiếm được cũng chỉ đủ em đóng học phí và giúp các em có thêm một chút để mua thêm quyển vở, chiếc bút.

Em tâm sự, vì gia đình thuộc diện cận nghèo nên em được miễn giảm ½ học phí. Đó cũng là một niềm động viên lớn để em để tiếp tục con đường mơ ước của mình: Đường đến với cánh cửa trường đại học.

Ước mơ giảng đường

Thấm thoắt đã gần 10 năm kể từ ngày bố mất, Phương Linh giờ đây đã trở thành cô gái 17 tuổi trưởng thành và mạnh mẽ. Em còn là niềm tự hào của mẹ và hai em khi nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi trường. Đặc biệt, với năng khiếu nổi trội về khối A, số điểm em đạt được cho 3 môn học Toán, Lý, Hóa luôn đạt tổng kết trên 8 điểm. Riêng môn Hóa, em luôn là người thuộc tốp dẫn đầu trong lớp.

Trong căn nhà nhỏ của gia đình nằm lẩn khuất sau con kênh của xóm Chợ Già, hằng đêm ánh sáng của chiếc đèn sợi đốt Linh dùng để học bài chưa đêm nào ngừng nghỉ trước 1 giờ sáng. Những ngày ôn thi, có những đêm em thức trắng chỉ với một gói mỳ lót dạ. Bởi ban ngày phải lo toan gánh nặng cơm áo gạo tiền nên chỉ về ban đêm em mới được dành trọn tâm huyết cho niềm đam mê học tập của mình.

shyrtu
Phương Linh cùng hai em bên di ảnh của người cha đã mất. Ảnh: Thanh Quỳnh

Dù biết cánh cửa đại học không phải là con đường duy nhất để có được thành công trong cuộc sống, nhưng trong em luôn cháy bỏng ước mơ trở thành sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương. Với em, đó là luôn là niềm động lực lớn lao, là mong muốn chưa hề ngừng nghỉ kề từ mùa thu cách đây nhiều năm khi được mẹ dẫn tới trường.

Nói về bản thân mình, em luôn cho rằng nếu không có những khó khăn, thiệt thòi mà mình đã trải qua thì sẽ không có một Phương Linh mạnh mẽ như ngày hôm nay và không có một Phương Linh biết trân trọng những gì mình đang có. Em luôn coi mọi niềm vui, hạnh phúc, thành công mà mình đạt được ngoài sự nỗ lực phấn đấu của bản thân còn có những giọt mồ hôi nhọc nhằn của người mẹ đã đã hy sinh cả tuổi xuân của mình để nuôi em khôn lớn.

DFHu
Ngoài giờ học trên lớp, Phương Linh là người thay mẹ chăm sóc hai em nhỏ ở nhà. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cùng với mẹ, người em trân quý nhất còn có cô giáo chủ nhiệm đã đồng hành, san sẻ với em trong suốt 4 năm học cấp hai. Chia sẻ với chúng tôi, cô Lê Thị Kiều Anh (trường THCS Hưng Tây) vẫn ấn tượng mạnh mẽ với cô lớp trưởng mẫu mực trong nhiều năm liền của lớp. Đó là một cô gái có bề ngoài hiền lành nhưng rất cá tính. Em luôn vạch sẵn những mục tiêu đề ra cho mỗi kỳ học và thực hiện chúng theo một kế hoạch nghiêm chỉnh. Cho tới tận bây giờ, cô luôn theo sát và san sẻ những khó khăn mà em phải đối mặt trong cuộc sống. Và cô luôn có một niềm tin vững chắc dành cho Linh: rằng em sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Chia tay em khi đất trời xứ Nghệ vẫn còn nắng bỏng rát. Giờ này, rất có thể Linh đang nhọc nhằn rửa từng cái bát, hối hả chạy tới lui phục vụ khách hàng trong quán cơm để góp nhặt từng mong có thêm tiền tiếp tục con đường mà mình đã chọn. Dẫu biết rằng con đường ấy sẽ không dễ dàng nhưng trên hết, đó là con đường đã giúp em sống trọn với đam mê của tuổi trẻ và tiếp thêm nghị lực vượt qua những chông gai của cuộc đời.

Thanh Quỳnh

Mới nhất

x
Cô gái mồ côi rửa bát thuê để theo đuổi giấc mơ giảng đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO