Cô giáo người Hàn Quốc xin gia hạn thời gian làm việc vì yêu mảnh đất xứ Nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ở tuổi 61, cô giáo Noh Jong Soon vẫn luôn tràn đầy năng lượng. Nữ giáo viên cũng đã quyết định xin gia hạn thời gian làm việc tại Nghệ An vì yêu mảnh đất này và coi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình.

Một giáo viên đặc biệt

Thời điểm này năm ngoái, cô giáo Noh Jong Soon – tình nguyện viên của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đến Việt Nam và tham gia một khóa đào tạo ngắn trước khi có mặt tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc để làm công việc của một tình nguyện viên ở lĩnh vực đào tạo. Sau khi nhận công tác, 1 năm qua, đều đặn cô có mặt ở trường từ rất sớm để lên lớp với các sinh viên.

“Tôi nghĩ rằng, mình đã có một quãng thời gian thực sự hạnh phúc. Nhưng điều tôi cảm thấy vui và ý nghĩa là khi tôi thấy những nỗ lực của mình đã đem đến kết quả và năng lực tiếng Hàn của sinh viên đã được cải thiện”, cô giáo Noh Jong Soon cho biết.

Giờ học Tiếng Hàn của sinh viên Trường Cao đẳng Kỳ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (2).JPG
Cô giáo Noh Jong Soon hiện là giáo viên tiếng Hàn tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài tham gia đảm nhận công việc giảng dạy tiếng Hàn, cô giáo Noh còn dạy văn hóa Hàn Quốc, tham gia các lớp dạy định hướng cho các lao động Việt Nam dự định sang Hàn Quốc làm việc. Để phong phú thêm các bài học của mình, cô đã dành khá nhiều thời gian để đi tìm hiểu, khám phá văn hóa, phong tục, tập quán của Nghệ An cũng như nhiều tỉnh, thành khác.

Đồng nghiệp của cô Noh rất ngạc nhiên, bởi dù đã ngoài 60 tuổi nhưng chỉ sau gần 1 tháng đến nhận công tác tại thành phố Vinh, cô Noh đã có thể tự đi xe đạp điện để khám phá đền Quang Trung, quê hương Bác Hồ, các bảo tàng ở thành phố Vinh và có khá nhiều kiến thức về những địa điểm mà cô đã đặt chân tới. Một năm qua, cô cũng đã ra Sa Pa, vào Huế và đến với nhiều danh lam, thắng cảnh khác của Việt Nam.

Tình yêu của cô đã truyền sang cả chồng và các con trai đang làm việc trong lĩnh vực truyền hình ở Hàn Quốc và cả ba đã có chuyến sang thăm Nghệ An để cùng khám phá mảnh đất này. Cô Noh cũng cho biết, việc phải xa quê hương, xa chồng, xa con khiến cô nhiều khi rất nhớ nhà. Nhưng gia đình lại chính là động lực để cô gắn bó với công việc này, bởi ngày nào cô cũng nhận được lời động viên tích cực từ chồng và các con, khuyến khích cô cố gắng để thực hiện được ước mơ của mình.

Một giờ học về văn hóa Hàn Quốc của cô giáo Noh và các học trò.JPG
Một giờ học về văn hóa Hàn Quốc của cô giáo Noh và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Trước khi đến với Việt Nam, cô giáo Noh Jong Soon từng là một công chức bình thường, làm việc tại một cơ quan hành chính ở tỉnh Jeonbuk (Hàn Quốc). Tuy nhiên, ngoài công việc hàng ngày, cô thường tham gia các hoạt động tình nguyện vào những ngày cuối tuần ở các phòng tuyển dụng nhân sự. Đây cũng là cơ duyên để cô đến với vai trò tình nguyện viên của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và sau đó đăng ký tình nguyện sang Việt Nam dạy tiếng Hàn.

Cô giáo Noh Jong Soon kể thêm, việc cô đến với Nghệ An là hoàn toàn tình cờ, do sự phân công của tổ chức. Vậy nhưng, ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến, cô đã dành cho vùng đất này rất nhiều tình cảm.

“Sau khi làm việc tại Nghệ An, tôi có nhiều dịp đi công tác đến các tỉnh, thành phố khác. Thế nhưng, chỉ ở được vài ngày là tôi lại thấy nhớ công việc, nhớ thành phố Vinh và chỉ muốn được trở về, giống như về lại ngôi nhà của chính mình vậy”, cô Noh Jong Soon chia sẻ.

Mang đến năng lượng tích cực cho học trò

Đến nhận công tác tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, dù chỉ là vai trò của tình nguyện viên, nhưng lịch làm việc của cô giáo Noh Jong Soon thường kín hết tất cả các ngày trong tuần. Gần 1 năm gắn bó với các sinh viên ở đây, cô giáo Noh Jong Soon được các sinh viên và đồng nghiệp gọi bằng một cái tên rất đơn giản là cô Noh. Tuy hiểu rất ít tiếng Việt, nhưng cô giáo Noh nói rằng, cô đặc biệt thích thú mỗi khi được gọi bằng “cô”. “Chính sự yêu mến của các sinh viên đã cho tôi động lực để gắn bó với công việc này”, cô Noh tâm sự.

 Ở tuổi 61, nhưng cô giáo Noh luôn đem đến năng lượng tích cực cho các học trò (1).JPG
Ở tuổi 61, nhưng cô giáo Noh luôn đem đến năng lượng tích cực cho các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Học sinh Ngân Văn Thiết - sinh viên năm thứ 2 Khoa tiếng Hàn kể khá nhiều kỷ niệm với người giáo viên đặc biệt này. Chỉ cách đây hơn 1 tuần em và các bạn trong lớp còn đến nhà cô chơi và được cô nấu cho nhiều món ăn đặc sản của Hàn Quốc. Thỉnh thoảng, lớp còn cùng cô đi khám phá nhiều quán ăn nổi tiếng ở thành phố Vinh.

Em nghĩ rằng, điều em quý nhất ở cô chính là năng lượng tích cực mà cô luôn truyền cho các sinh viên của mình. Cá nhân em, trước đây đến từ một xã nghèo của huyện Tương Dương nên khá rụt rè. Nhưng được học với cô, giao tiếp thường xuyên với cô, em tự thấy mình mạnh dạn hơn và khả năng ngoại ngữ của mình được cải thiện rõ rệt. Cô cũng cho em nhiều lời khuyên khi biết em có nguyện vọng sang Hàn Quốc làm việc sau khi tốt nghiệp.

Học sinh Ngân Văn Thiết

Gắn bó với sinh viên và đồng nghiệp mới, cô giáo Noh Jong Soon cũng tâm sự rằng, cô nhận được nhiều điều từ công việc này. Có lẽ vì thế, nên dù là giáo viên nhiều tuổi nhất trường, nhưng cô chưa bao giờ tỏ ra mệt mỏi.

Ngược lại, chính thái độ và cách làm việc khoa học, chỉn chu và trách nhiệm của cô lại càng được đồng nghiệp trân quý và nể phục. "Nhiều người cũng hỏi vì sao tôi lại có năng lượng tích cực như vậy. Có nhiều lý do nhưng lý do quan trọng nhất chính là thái độ, suy nghĩ tích cực và cá nhân tôi muốn thay đổi bản thân mình, thay đổi công việc, làm mới mình và muốn thử sức với nhiều lĩnh vực mới. Việc được làm việc ở Việt Nam giúp tôi thiết lập nhiều mối quan hệ với bạn bè và là cơ hội để tôi kết giao với nhiều người bạn mới, với đồng nghiệp, sinh viên…”, cô Noh nói thêm.

IMG_2709.JPG
Môi trường mới, giúp cô giáo Noh có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh công việc đứng lớp của một giáo viên dạy tiếng Hàn, dạy văn hóa Hàn, mới đây cô giáo Noh Jong Soon cùng với Cơ quan Hợp tác quốc tế KOICA đã hoàn thành dự án đầu tiên do cô trực tiếp thực hiện ở trường, đó là khánh thành phòng thực hành tiếng Hàn Quốc, được đánh giá là phòng thực hành hiện đại bậc nhất cả nước, với trang thiết bị nhập khẩu 100%.

Việc đưa vào vận hành dự án này còn chính là lý do khiến cô quyết định tình nguyện ở lại với Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc thêm 1 năm nữa. Bởi lẽ, cô tin rằng, khi cô đã dành nhiều tâm huyết cho dự án, cô có thể giúp nhà trường vận hành phòng thực hành một cách hiệu quả và cho cô thêm nhiều cơ hội để hỗ trợ các sinh viên của nhà trường có thể nghe, nói, đọc, viết tiếng Hàn thành thạo.

IMG_2698.JPG
Tình yêu với Nghệ An là động lực để cô giáo Noh Jong Soon kéo dài thời gian công tác. Ảnh: Mỹ Hà

Kéo dài thời gian công tác, cô giáo Noh Jong Soon còn háo hức để chờ đợi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) đầu tiên của mình. Đó là ngày cô sẽ được mặc chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam do nhà trường trao tặng, được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhận những lời chúc ý nghĩa từ học trò và thêm một lần nữa hiểu và cảm nhận đầy đủ hơn truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người dân Việt Nam.

tin mới

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.