Cơ hội nâng chất lượng dạy, học toàn diện

Mỹ Hà 10/03/2018 10:29

(Baonghean) - Từ ngày 10 - 13/3, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2017 - 2018, khu vực phía Bắc sẽ chính thức được khai mạc tại Thành phố Vinh.

Chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban tổ chức cuộc thi về ý nghĩa và công tác chuẩn bị của đơn vị chủ nhà Nghệ An.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng các tác giả đạt giải cao tại Cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp tỉnh năm học 2017 - 2018. Ảnh: Mỹ Hà
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng các tác giả đạt giải cao tại Cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp tỉnh năm học 2017 - 2018. Ảnh: Mỹ Hà

P.V: Thưa đồng chí, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học mặc dù chỉ mới được triển khai trong hơn 5 năm trở lại đây, nhưng có sức lan tỏa và có ý nghĩa hết sức thiết thực trong công tác dạy và học. Tại Nghệ An, những năm qua, cuộc thi này đã được triển khai như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học bắt đầu được phát động trong toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà từ năm học 2011 – 2012. Mặc dù đây là một lĩnh vực mới, khó và đòi hỏi rất nhiều tính sáng tạo nhưng chỉ sau 5 năm triển khai nhanh chóng trở thành một phong trào được đông đảo các trường THCS và THPT trong toàn tỉnh hưởng ứng, là nơi khơi nguồn cho nhiều sáng tạo khoa học kỹ thuật và tạo được nhiều dấu ấn thiết thực ở các cuộc thi cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Từ hoạt động này, mỗi năm có hàng nghìn sản phẩm, dự án khoa học được học sinh trong toàn tỉnh thực hiện. Riêng trong năm học 2017 – 2018, sau hơn 5 tháng phát động cuộc thi đã lựa chọn được 241 dự án của 85 đơn vị trong toàn tỉnh về tham dự vòng chung kết và là năm có số lượng dự án tham dự đông nhất. Đa số các dự án dự thi thể hiện được nhiều ý tưởng khoa học mới lạ; có kỹ năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khá hoàn chỉnh; nhiều dự án mang tính thực tiễn, có tính khả thi cao, tạo sự đam mê trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng bài học vào thực tiễn và tạo sân chơi bổ ích cho học sinh THCS, THPT toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, có nhiều đề tài tiếp cận những vấn đề lớn có tính khái quát hoặc cần những kỹ thuật cao ở phòng thí nghiệm các trường đại học, viện nghiên cứu... Từ đó, giúp rèn luyện năng lực NCKH của các em và cho thấy sự kết nối giữa trường phổ thông với các trường đại học. Nhiều đề tài khoa học và phần trình bày của nhiều em đã chú ý tới việc vận dụng kiến thức học được trên lớp, kiến thức thực tiễn diễn ra trong cuộc sống thực tiễn vào NCKH. Đó là những dự án khoa học thực sự rất có ý nghĩa trong đời sống thực tiễn, được nghiên cứu từ những trăn trở, khám phá qua kinh nghiệm dân gian, qua mong muốn cải tiến công việc, cuộc sống, học tập hàng ngày của các em học sinh.

Thí nghiệm về đề tài xử lý rác thải của học sinh Trường THPT Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà
Thí nghiệm về đề tài xử lý rác thải của học sinh Trường THPT Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà
Thành công của cuộc thi năm nay cũng là cơ sở để năm học 2017 - 2018, Nghệ An chọn được 18 dự án xuất sắc tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia. Đây cũng là năm đoàn Nghệ An có số lượng dự thi nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó có 14 dự án thuộc bậc THPT và 4 dự án bậc THCS, nhiều dự án do học sinh khu vực khó khăn, vùng núi cao, học sinh là người dân tộc thiểu số chủ trì và thực hiện.
P.V:Một vinh dự và cũng là một thách thức cho Nghệ An khi năm nay được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm đơn vị đăng cai cho Cuộc thi KHKT quốc gia. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã triển khai như thế nào để cuộc thi diễn ra thuận lợi và tốt đẹp?
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Năm nay là lần đầu tiên Nghệ An được giao nhiệm vụ đăng cai Cuộc thi KHKT quốc gia học sinh trung học, khu vực phía Bắc. Mặc dù về số lượng đơn vị tham dự không lớn như Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc cách đây 2 năm, nhưng nhiệm vụ của đơn vị chủ nhà khá nặng nề, bởi ngoài gần 1.000 cán bộ, học sinh, giáo viên tham dự thì còn một số lượng máy móc rất lớn.

Do vậy, thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và các cấp, các ngành liên quan và Sở Giáo dục và Đào tạo luôn nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình và trách nhiệm. Chính vì lẽ đó, dù công việc khá bộn bề nhưng đến thời điểm này công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất.

Về vị trí các địa điểm tổ chức khai mạc, tổ chức trưng bày, hội thảo, giao lưu cho học sinh được bố trí ở vị trí hợp lý nhằm thuận tiện nhất cho các đoàn. Ban tổ chức cũng đã chủ động giới thiệu nơi ăn, chốn ở, cử các tình nguyện viên cho các đoàn để tạo điều kiện tốt nhất cho các đoàn trong suốt thời gian tham dự cuộc thi.

Dự án Máy bắt sâu bọ thông minh của học sinh huyện Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà
Dự án Máy bắt sâu bọ thông minh của học sinh huyện Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh công tác chuẩn bị chung cho cuộc thi, lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành liên quan cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với 18 dự án của học sinh Nghệ An tham gia cuộc thi năm nay. Cụ thể, sau cuộc thi cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và các trường học cần quan tâm đến các dự án để tiếp tục hoàn thiện. Sở cũng tổ chức làm việc với các nhà trường để nghe đề xuất về chuyên môn, về kinh phí trong quá trình triển khai. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, sở đã đề xuất với tỉnh để có nguồn kinh phí hỗ trợ. Được UBND tỉnh cho phép, sở mời các nhà khoa học, các chuyên gia để góp ý, hướng dẫn, tư vấn thêm cho các em để các em hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tiếp tục lựa chọn những dự án xuất sắc tham dự cuộc thi KHKT quốc tế. Vì vậy, trong quá trình chỉ đạo, chúng tôi cũng yêu cầu các trường cần chuẩn bị phương án thuyết trình bằng tiếng Anh để các em chủ động nếu có cơ hội được tiếp tục lọt vào vòng trong.
P.V: Được biết, kỳ thi năm nay, ngoài số lượng dự án dự thi đông đảo hơn so với những năm trước, cuộc thi cũng có nhiều nét mới trong công tác tổ chức?
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Năm 2017 – 2018, Cuộc thi KHKT quốc gia tổ chức tại Nghệ An có sự tham gia của 34 đoàn đến từ các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở ra và một số trường đại học có đào tạo bậc học phổ thông (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Vinh). Năm nay, với 249 dự án ở 21 lĩnh vực, số dự án tham dự cũng đông hơn các năm trước và nhiều lĩnh vực có số dự án rất đông, tính cạnh tranh cao như Khoa học xã hội và hành vi (43 dự án), Kỹ thuật cơ khí (42 dự án), Hệ thống nhúng (28 dự án), Y sinh và Khoa học sức khỏe (19 dự án).
Năm 2018, cuộc thi cũng có nhiều nét mới trong công tác tổ chức, đặc biệt là trong công tác chấm thi. Đó là, năm nay việc tổ chức điều động Ban giám khảo được bố trí một cách khách quan nhất để đánh giá được chính xác các sản phẩm tham dự.

Dự kiến, Ban tổ chức cũng sẽ điều động nhiều nhà khoa học uy tín và thành phần ban giám khảo phía Bắc và phía Nam và được hoán đổi với nhau giữa hai vùng để đảm bảo khách quan. Quá trình chấm thi, các tác giả bắt thăm để đánh giá dự án (hoàn toàn ngẫu nhiên và hoàn toàn độc lập).

Ban Giám khảo chấm điểm cho các dự án tại cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh năm học 2017 - 2018. Ảnh: Mỹ Hà
Ban Giám khảo chấm điểm cho các dự án tại cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh năm học 2017 - 2018. Ảnh: Mỹ Hà

P.V: Thưa đồng chí, cuộc thi này có ý nghĩa như thế nào trong công tác dạy và học hiện nay?

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Đổi mới căn bản giáo dục và toàn diện theo định hướng phát triển năng lực học sinh là một định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và của ngành Giáo dục hiện nay. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh và cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là một trong những hình thức để đa dạng hóa phương thức tổ chức dạy học trong nhà trường và thông qua hoạt động này học sinh tự phát hiện vấn đề trong thực tiễn, tự tìm cách giải quyết vấn đề, qua đó, hình thành, phát triển năng lực nghiên cứu khoa học.

Việc tổ chức cuộc thi quốc gia trên địa bàn tỉnh là cơ hội để học sinh Nghệ An được tiếp cận với hoạt động này rộng rãi hơn, sâu sắc hơn. Cuộc thi cũng góp phần tích cực đối với đội ngũ thầy, cô giáo ở các nhà trường trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng kiến thức vào việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống, từ đó, nâng cao chất lượng của các nhà trường. Đây cũng là một dịp để toàn ngành được tăng cường giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, là dịp để quảng bá hình ảnh Nghệ An đến với đông đảo bạn bè trong cả nước.
P.V:Xin cảm ơn đồng chí!

Mới nhất
x
Cơ hội nâng chất lượng dạy, học toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO