Có nên thả rùa xuống hồ Gươm?
Trước thông tin xác nhận hồ Gươm không còn cụ rùa, có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không tìm một cá thể khác thay thế cá thể rùa đã mất.
Liên quan đến đề xuất thả rùa xuống hồ Gươm, PV VOV.VN đã phỏng vấn những người dân thủ đô để tìm hiểu về việc thay thế này.
Rùa là biểu tượng hồ Gươm nên cần có rùa
Tuổi thơ gắn liền với những lần đi chơi quanh hồ Gươm, cũng đã từng nhiều lần nhìn thấy cụ rùa xuất hiện, anh Trịnh Minh Hòa (Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng:
“Cái gì quá lâu rồi sẽ trở thành hoài niệm, trong khi cụ rùa là một sinh vật sống, mà sinh vật sống không thể tồn tại mãi. Do đó, phải chấp nhận quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Đối với người dân, rùa là một biểu tượng của hồ Gươm nên không thể không có rùa. Dù rùa có thể quen với người dân thủ đô nhưng người dân nơi khác về vẫn mong muốn được nhìn thấy “cụ rùa” một lần. Nên khi mà cụ rùa mất đi, hồ Gươm vẫn cần có rùa khác!”
"Đối với người dân, rùa là một biểu tượng của hồ Gươm nên không thể không có rùa". |
Chung quan điểm với anh Hòa, bác Nguyễn Quang Đại (Lò Sũ - Hoàn Kiếm - Hà Nội) chia sẻ: “Theo truyền thuyết, cụ rùa mang giá trị sâu sắc đối với người Việt nên thả rùa xuống hồ là một việc tốt. Tuy nhiên, nếu muốn thả cá thể rùa khác cần phải tìm con rùa phù hợp, không chỉ về kích thước mà cả về giống”.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc hồ Gươm bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí các sinh vật không thể tồn tại thì không nên thả bất cứ sinh vật nào xuống hồ. Nguyễn Đức Duy - sinh viên trường đại học GTVT cho biết:
“Hồ Gươm đang bị ô nhiễm, ngay bờ hồ cũng có nhiều cá chết nổi lên nên khó đảm bảo sự sống cho các sinh vật trong hồ, kể cả cụ rùa. Nhiều lần trước, cụ rùa bị thương nặng và phải huy động lực lượng chức năng cứu chữa để duy trì sự sống. Vậy nên, khi đưa cá thể rùa khác vào đây sống rất cần đảm bảo môi trường để cá thể có thể tồn tại được”.
Việc thay rùa không khác nào cá cảnh?
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ông Lê Đức Thuyên cho rằng: "Rùa hồ Gươm đã được nghiên cứu không giống các giống rùa khác, việc thả các thể khác chỉ là thay thế thôi, không còn giữ nét riêng nên việc thay này khó chấp nhận được.
Những cá thể rùa khác thả xuống thì không còn là rùa hồ Gươm nữa, chỉ là đánh lừa cảm giác của nhiều người. Trong khi việc giữ vệ sinh, cải tạo môi trường nước để sinh vật tồn tại cũng là một vấn đề cần thiết để đảm bảo môi trường sinh thái tại hồ này".
Ông Lê Đức Thuyên cho rằng việc thả rùa xuống hồ khó giữ được nét riêng và khó được người dân chấp nhận. |
Cũng không đồng tình với quan điểm thả rùa xuống hồ Gươm thay thế cụ rùa, anh Phùng Anh Tuấn, (Hoàn Kiếm, Hà Nội) người từng làm trong lĩnh vực bảo tồn cho hay:
“Khi quyết định thả rùa nên xác định mục đích thả rùa xuống là gì? Có rùa để thay thế hay thả rùa để đáp ứng nhu cầu về mặt lịch sử. Theo thông tin tôi được biết, có nhiều ý kiến đề xuất cá thể rùa ở Đồng Mô, có kích thước tương tự để thay cụ rùa nhưng nếu thay thì về mặt ý nghĩa có thể không đáp ứng được".
"Hơn nữa, nếu xác định thả rùa khác để thay thế cá thể rùa đã mất đi giống như thả cá cảnh, không đáp ứng về mặt tâm linh nào đó. Cụ rùa hồ Gươm đã sống trong tâm khảm người Việt nên việc thay thế như vậy khiến nhiều người khó chấp nhận”.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng cho rằng, việc dưới hồ có rùa hay không không quan trọng, vì hình ảnh cụ rùa đã trở thành biểu tượng, mà biểu tượng thì tồn tại mãi, in sâu trong tâm trí người Việt.
Trước đó, ngày 28/11, tại cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội, ông Võ Tiến Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội thông tin: Qua khảo sát đánh giá môi trường để tiến hành thực hiện nạo vét Hồ Gươm, đơn vị chức năng không còn thấy "cụ rùa" nào như trước đây.
Trong hồ có tất cả 4 cụ rùa, trong đó 3 cụ mất cách đây khá lâu và cá thể “cụ rùa” cuối cùng được cho rằng "đi" muộn nhất là ngày 19/1/2016?./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|