Có những 'cuộc tình' ngắn ngủi của Tổng giám đốc ngân hàng
Vài năm trở lại đây, làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao ngân hàng diễn ra với tần suất khá dày đặc. Người ta cũng quen dần khi thấy bỗng dưng ông sếp này đang ở ngân hàng A lại thôi nhiệm và có tên ở ngân hàng B.
Ảnh Internet |
Và theo lời của một vị tổng giám đốc ngân hàng chia sẻ, làm sếp lớn ngân hàng cũng là một công việc, là một nghề. Giống như những người làm thuê khác, họ cũng có tâm lý thay đổi công việc mỗi khi không còn thấy phù hợp. Nhiều khi có tài, có tầm, có môi trường tốt thôi cũng chưa đủ, để gắn bó với ngân hàng còn phải nhờ cái duyên.
Nói như vị giám đốc ngân hàng trên thì có rất nhiều sếp ngân hàng dường như “vô duyên” với nơi mình đến hoặc vị trí mình ngồi, thế nên chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã nói lời chia tay lặng lẽ.
Như ở ngân hàng NCB là một ví dụ. Ông Đào Trọng Khanh đảm nhiệm ghế Tổng giám đốc từ ngày 11/12/2015 nhưng chỉ sau 9 tháng, ông Khanh bỗng dưng thôi nhiệm mà không rõ lý do gì.
Trước khi ông Đào Trọng Khanh làm giám đốc thì bà Trần Hải Anh giữ vị trí này từ tháng 2/2014. Sau khi ông Khanh về làm CEO, bà Hải Anh làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị. Đến tháng 12/2016, bà Hải Anh lên làm chủ tịch thay cho ông Vũ Hồng Nam.
Trước khi về NCB, ông Khanh là người quen thuộc với giới tài chính ngân hàng nhiều hơn khi là Phó chủ tịch thường trực của Maritime Bank từ năm 2012, người được xem là cánh tay phải đắc lực của chủ tịch Trần Anh Tuấn và nằm trong ban chủ trì việc sáp nhập MDB vào MaritimeBank. Trước nữa, ông Khanh từng làm việc tại các ngân hàng uy tín trên thế giới như Citi Group, Caylon Bank, Mizuho Bank và từng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, Ủy viên HĐQT của Tienphongbank (nay là TPBank).
Ở ngân hàng Techcombank, ông Murat Yuldashev cũng chỉ đảm nhiệm ghế Tổng giám đốc trong một thời gian ngắn ngủi. Bắt đầu giữ ghế CEO từ 18/4/2015, đến tháng 1/2016, ông Murat có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân và chính thức rời ngân hàng từ đầu tháng 3/2016. Tổng cộng thời gian vị sếp ngoại này ở với Techcombank cũng chỉ có 3 năm.
Ngân hàng VietABank cũng từng có các vị Tổng giám đốc ít duyên với ngân hàng. Hồi năm 2012, ông Nguyễn Duy Hiếu được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, nhưng chỉ sau 8 tháng, vào đầu tháng 8/2012 ông Hiếu lại sang làm Tổng giám đốc của ABBank. Lúc bấy giờ, ông là CEO trẻ nhất trong ngành ngân hàng. Tại ABBank, ông Hiếu ngồi trên ghế Tổng giám đốc được hơn 2 năm rồi từ nhiệm.
Giai đoạn sau này, Việt Á cũng có một CEO là ông Lê Xuân Vũ chỉ tại vị có hơn 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 11/2016.
Bên cạnh những vị Tổng giám đốc kém duyên với ngân hàng mình chọn lựa thì lại có những vị CEO ngồi trên ghế tổng giám đốc tới hơn chục năm, thậm chí là hơn 20 năm. Chẳng hạn ông Lê Văn Bé đã làm Tổng giám đốc MB tới 15 năm (từ 1995 đến 2009), rồi người kế nhiệm là ông Lê Công đảm nhiệm ghế CEO tới 7 năm, từ 2010 đến đầu năm nay .
Hay ông Nguyễn Văn Lê làm Tổng giám đốc của ngân hàng Nhơn Ái (tên cũ của SHB) từ năm 1999, đến năm 2012 ngân hàng này nhận sáp nhập Habubank ông Lê vẫn tiếp tục là CEO cho đến nay – tổng cộng 18 năm.
Ở ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình cũng có tới 17 năm, từ năm 1988 – 2015 làm Tổng giám đốc của ngân hàng. Bà Trần Thị Việt Ánh làm Tổng giám đốc của Saigonbank tới 13 năm, từ năm 2004 cho tới khi nghỉ hưu là trung tuần tháng 6 năm nay.
Nhưng làm CEO ngân hàng lâu nhất, trọn đời làm CEO thì không thể không nhắc tới bà Thái Hương, đã có 23 năm làm Tổng giám đốc Bac A Bank, từ 1994 tới nay.
Theo Cafe.f