Có phải Việt Nam không có cầu thủ đạt tầm châu lục?

Bùi Hoa 02/09/2023 15:02

(Baonghean.vn) - Dịp đầu tháng 7/2023, trên trang chủ của Liên đoàn Bóng đá châu Á, ông Philippe Troussier thừa nhận Việt Nam hiện đã xác lập được vị thế hàng đầu khu vực Đông Nam Á nhưng chưa đạt đến tầm châu lục!

Ông thầy người Pháp khẳng định “Chúng tôi phải đi một bước nữa để đến tầm châu Á. Vấn đề của chúng tôi ở Việt Nam là chưa có bước đột phá vượt tầm khu vực!”. Bằng chứng cụ thể, sinh động nhất là ở Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, Đội tuyển Việt Nam thua 8/10 trận đấu (chỉ có một trận thắng Trung Quốc và 1 trận hòa Nhật Bản). Nguyên nhân thấy rõ là do các cầu thủ Việt Nam thiếu kinh nghiệm, kiến thức, công cụ hỗ trợ và truyền thông thi đấu tại vòng đấu quyết định này.

danh sach doi tuyen viet nam du aff cup.jpeg

Rõ ràng, những nhận xét thẳng thắn, cụ thể vừa nêu của ông thầy người Pháp là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn, tất nhiên là về môn bóng đá nam 11 người. Và đó chính là nguyên nhân, nguyên cớ để “Phù thủy trắng” được tin cậy giao nhiệm vụ bắt tay xây dựng lối chơi mới, triết lý mới cho bóng đá Việt Nam để “vượt tầm khu vực”, cụ thể là vươn tới tầm châu lục. Công việc cụ thể là tới đây tham dự và giành kết quả tốt tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á, khi cơ hội giải đấu mở rộng số đội tham dự từ 32 lên 48 đội.

Hiện tại, nhìn vào lực lượng cầu thủ Việt Nam thi đấu ở trong và ngoài nước, nhận xét của ông Troussier là “trúng” hoàn toàn. Những nhân tố đã và đang thi đấu ở nước ngoài không đủ “dữ liệu” chứng minh hay phản biện ông thầy. Quang Hải chỉ có mặt ở Giải hạng 2 Pháp và hiện đã hồi hương trong thất vọng. Văn Toàn, Công Phượng… cũng không thể có cơ hội để phát huy năng lực khi đứng cạnh các đồng nghiệp vượt trội về mọi chỉ số chuyên môn. Nên nhớ, trong khi đó, người Thái đã làm được nhiều hơn chúng ta với những thành tích cụ thể của Chanathip hay Theerathon và nhiều nhân tố khác ở giải đấu hàng đầu Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu, dù hiện tại một số cầu thủ đã đi qua đỉnh cao sự nghiệp và trở lại Thai League.

Tất nhiên, trước đây, bóng đá Việt đã nhen nhóm lên ở các mức độ khác nhau về “tầm châu lục” của các cá nhân và tập thể. Chẳng hạn, tuyển thủ Hồng Sơn từng đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á tháng 8/1998 nhờ màn trình diễn chói sáng tại Tiger Cup năm đó. Tiếp đó, bàn thắng của Thạch Bảo Khanh ghi vào lưới Singapore tại Tiger Cup 2004 được bầu chọn là bàn thắng đẹp nhất châu Á tháng 12/2004. Hậu vệ Huỳnh Quang Thanh được bình chọn vào đội hình tiêu biểu châu Á, hậu vệ phải hay nhất châu Á sau thành tích lọt đến tứ kết của Đội tuyển Việt Nam tại ASIAN Cup 2007. Trung vệ Vũ Như Thành được đề cử trong danh sách ứng viên danh hiệu Quả bóng Vàng châu Á sau khi tỏa sáng cùng Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Thủ môn Dương Hồng Sơn dịp này được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á trong chiến tích lịch sử nói trên của thầy trò ông Calistore. Đặc biệt mới đây, Quế Ngọc Hải là một trong hai cái tên ở khu vực lọt vào danh sách bình chọn đội hình 11 cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử ASIAN Cup… Nhiều người cũng chưa thể quên chuyện Văn Quyến hồi 2003 từng ghi bàn thắng duy nhất trong chiến thắng bất ngờ của Đội tuyển Việt Nam trước đội bóng hàng đầu châu lục Hàn Quốc tại Vòng loại ASIAN Cup 2004. U23 Việt Nam hồi Thường Châu 2018 và những trận thắng của bóng đá Việt Nam trước các đội bóng Trung Á, Tây Á… cũng là những dấu ấn vươn tầm không quên trong lịch sử.

Nhìn chung, những dấu ấn kể trên chỉ dừng lại ở những cá nhân xuất sắc, chỉ mang tính nhất thời, không ổn định, quyết định cho một giải đấu hay một sự bền vững, đẳng cấp cần có của một tập thể trước các đối thủ hàng đầu châu lục. Bóng đá Việt Nam vẫn gặp khó và thấp thua nhiều chỉ số khi so sánh với Thái Lan. Khi thi đấu ở Vòng loại thứ 3 World Cup, người Thái từng 2 lần đạt được, trong khi Việt Nam chỉ có một lần, dù có thành tích 1 trận thắng là điều người Thái chưa làm nổi.

Trở lại với nhận định của ông Troussier về câu chuyện “Việt Nam chưa có tài năng tầm cỡ châu lục”, để thấy có những dữ liệu sống cần được “bổ sung” cho nhận thức này như vừa nhắc lại ở trên. Và tới đây, khi Filip Nguyễn hoàn thành nhập tịch và được chính ông thầy người Pháp gọi lên tuyển chẳng hạn, thì điều ông từng khẳng định sẽ… dần sai? Sau Filip Nguyễn có thể còn nhiều tài năng khác sẽ gia nhập Đội tuyển Việt Nam như một xu hướng tất yếu mà Việt Nam là nước đi chậm, đi sau và không coi là giải pháp then chốt. Bởi công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam đang tiến triển không ngừng, tiến bộ không ngừng như bằng chứng về lứa U17, U19, U20 đang “trình làng” mới đây chẳng hạn. Bởi ngay từ đầu, chúng ta đồng quan điểm với ông thầy người Pháp rằng “xây dựng đội tuyển, sức mạnh đội tuyển dựa trên tính đoàn kết và tập thể, thay vì trông đợi vào các cá nhân”.

Để tiến tới World Cup 2026, ông Troussier đã “quy hoạch” 60-70 cái tên làm cơ sở cho quá trình tuyển chọn đội hình ưng ý nhất phục vụ cho mục tiêu nâng tầm, vượt tầm khu vực mà ông từng nói đến. Có đủ thời gian, lực lượng cho quá trình cạnh tranh tích cực, có giải pháp căn cơ, lâu dài cho quá trình phấn đấu, có thực tiễn thành công ở nhiều nước dưới tay “Phù thủy trắng”, để ông thầy giải quyết dứt điểm, trọn vẹn câu chuyện cầu thủ tầm cỡ châu lục và giải pháp sức mạnh tập thể, đoàn kết làm nên chiến thắng.

Ngẫm thật kỹ để thấy rằng, đó chính là sức mạnh truyền thống của người Việt được hun đúc từ trong lịch sử, truyền thống. Vấn đề là biết cách phát huy, nhân lên sức mạnh tiềm tàng đó trong từng cá nhân, từng trận đấu, giải đấu để thực sự nâng tầm, vượt tầm không chỉ ở lĩnh vực bóng đá…/.

Mới nhất
x
Có phải Việt Nam không có cầu thủ đạt tầm châu lục?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO