Có thể vĩnh viễn không tích nước thủy điện Sông Tranh 2
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước cùng đoàn công tác vừa có cuộc kiểm tra và làm việc với cơ quan chức năng, địa phương về vấn đề động đất tại Thủy điện Sông Tranh 2 (H.Bắc Trà My, Quảng Nam), ngay sau khi có thêm trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay (4,7 độ richter) xảy ra vào lúc 14 giờ 24 phút ngày 15-11.
TS Lê Tử Sơn- chuyên gia viện Vật lý địa cầu cho biết: Trận động đất vừa qua có tâm chấn nằm ngay trong khu vực lòng hồ. Việc dịch xuống lòng hồ như vậy nên rung động đến đập ngắn hơn, gia tốc nền và trên mặt đập đều có mức độ lớn hơn các lần trước. Chấn động gây ra do động đất ở khu vực xung quanh đập ở cấp 7 thang MSK.
Để biết chính xác hơn nữa, TS Sơn cho rằng, mới đây nhất, đoàn Nga sang, họ mới kết thúc thực địa, họ sẽ mang dữ liệu về Nga xử lý và thông báo lại. Phía họ khẳng định sẽ giúp thêm thiết bị (mang tới thêm 5 trạm đo để nâng tổng số lên 10 trạm quan trắc) cũng như hợp tác nghiên cứu để áp dụng những hành quả khoa học tiến bộ nhất về động đất kích thích. Tuy nhiên việc nghiên cứu phải sau 2-3 năm mới có kết quả.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn khảo sát đường hầm thân đập
Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh: Các cơ quan chức năng đều đã vào cuộc theo yêu cầu của Thủ tướng (Bộ Công thương, Xây dựng, Hội đồng nghiệm thu, tư vấn thiết kế…). EVN vẫn nghiêm túc thực hiện việc chưa tích nước. EVN cũng đang mở lớp tập huấn người dân đối phó khi có động đất xảy ra, phối hợp chặt chẽ với tỉnh để đầu tư kinh phí sửa chữa nhà cửa của dân và công trinh xây dựng bị ảnh hưởng do động đất. Ngoài ra cũng đang đo đạc hơn 200ha đất để cấp cho những hộ chưa đủ đất sản xuất cho người dân.
Ông Nguyễn Đức Hải- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định, các cấp chính quyền và người dân lo lắng, bất an vì phạm vi động đất ngày một lớn, không chỉ khu vực thủy điện mà còn cho người dân khu vực khác. “An toàn đập giờ đây chỉ là một phần của vấn đề, quan trọng hơn là an toàn của hàng nghìn ngôi nhà dân. Hàng loạt căn nhà đang nứt dần ra, tối dân cũng không dám ngủ trong nhà nữa. Thủ tướng cũng nói trước Quốc hội, đập an toàn nhưng an toàn cho dân phải là trên hết. Đề nghị nhanh chóng nghiên cứu để có kết luận, an dân. Ngoài ra cần ứng kinh phí ngay để khắc phục những công trình nhà ở, trường học. Tết đến rồi, thiếu gạo phải cấp gạo, không được để cho dân đói.
Ông Trịnh Đình Dũng trả lời phỏng vấn trên thân đập
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng chưa cho tích nước, có thể không cho vĩnh viễn hoặc đến lúc người dân yên tâm hay chỉ tích đến mức độ nào đó phải tính toán thêm. Ngoài ra, yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện lắp ráp, sửa chữa thiết bị quan trắc liên quan đến an toàn đập mà các nhà tư vấn Thụy Sỹ đã nêu. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Viện Vật lý địa cầu (Bộ KH-CN) khẩn trương mời chuyên gia nước ngoài đến đánh giá toàn diện an toàn đập. Tư vấn trong nước đã tiến bộ rất nhiều nhưng kinh nghiệm xử lý công trình có sự cố, dự báo, nhận định tương lai vẫn còn hạn chế.
“Khu vực Sông Tranh 2 này động đất như thế nào, mức cực đại là bao nhiêu. Hiện tôi cũng chưa có ý định nào về việc tích nước nên tôi nhắc lại có thể là vĩnh viễn không tích nước, vấn đề an toàn là số một. Khi đó, chỉ cần một đường thông để nước thoát bình thường, không cần làm cửa xả đáy. Tiếp tục thành lập đoàn nghiên cứu, phối hợp với chủ đầu tư vì đây là một nhiệm vụ, khi nào hoàn thành thì thôi” - ông Dũng khẳng định.
Do ảnh hưởng các trận động đất vừa qua, BQL dự án Thủy điện 3 quyết định hỗ trợ sửa chữa nhà dân hư hỏng trên 800 căn trong đợt 1 là 2,53 tỷ đồng. Dự kiến sửa chữa hoàn thành tháng 11-2012. Thống nhất phương án bê tông hóa 3km đường bê tông nội bộ khu tái định cư; thảm mới 20km đường tỉnh lộ 616 và hiện huyện đang hoàn thành thủ tục để nhanh chóng giải ngân thực hiện. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp hỗ trợ khắc phục hư hỏng, bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt 1,2 tỷ đồng.
Theo ConganND-M