Cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam viết tâm thư gây bão mạng
Trước những phàn nàn, than vãn của bạn bè, người thân về tình trạng trễ chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam, cơ trưởng 9x Nguyễn Quang Đạt của hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines đã quyết định viết một “bức tâm thư” trên trang Facebook cá nhân. Thông qua đó, Quang Đạt mong mọi người sẽ thấu hiểu và có cái nhìn cảm thông hơn với phi hành đoàn.
Trong “bức tâm thư” với tựa đề “Công bằng đi các bạn, chúng tớ cũng cố gắng lắm rồi”, cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam Quang Đạt mở đầu bằng việc trả lời câu hỏi “Tại sao các chuyến bay hay bị delay?”.
Đã từng bay tới rất nhiều sân bay lớn của châu Á như Hong Kong, Bangkok, Singapore…nhưng Quang Đạt cảm thấy “thực sự căng thẳng” đối với những chuyến bay đến TP.HCM.
“Đáp được xuống rồi, đôi khi chờ đường lăn, chờ bãi đậu để được vào cũng mất 10 đến 15 phút. Vậy tổng cộng là nếu một chuyến bay không may mắn, chỉ vì đường đông đã có thể trễ tới 30 đến 45 phút. Một ngày, một máy bay phục vụ khoảng 6 đến 8 chuyến, chỉ cần một nửa trong đó bị tắc đường là những chuyến cuối ngày đã có thể trễ tới 2 tiếng”.
Theo đó, anh phân tích thời gian chờ giữa các chuyến khá sát nhau. Chỉ có như vậy, mọi người mới mua được vé máy bay với giá rẻ nhất thế giới.
Về việc tại sao không giãn cách thời gian giữa các chuyến bay, cơ trưởng tiếp tục lý giải: “Để có giá rẻ, một máy bay phải làm sao thực hiện được nhiều chuyến nhất mỗi ngày. Phi công và tiếp viên hàng không thậm chí còn không được nghỉ ngơi phút nào sau khi hạ cánh”.
Nguyễn Quang Đạt, sinh năm 1991, đang là cơ trưởng của hãng hàng không Jetstar Pacific |
Chỉ sau vài giờ đầu tiên đăng tải, tâm thư của cơ trưởng 9x đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng khi đạt gần 2.000 lượt chia sẻ với hơn 400 bình luận. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ hành động lên tiếng của Quang Đạt, cũng có không ít người cho rằng đây chỉ là những "lời biện hộ".
“Đạt hoàn toàn tôn trọng và vẫn tiếp nhận những ý kiến không đồng tình của mọi người. Vì mình viết ra như vậy chính là muốn trải lòng, muốn gần với hành khách hơn chứ không phải để gây tranh cãi”, anh khẳng định.
Cũng theo lời anh, công việc của các phi công và tiếp viên không chỉ đơn giản là làm tốt trách nhiệm chuẩn bị lập trình máy bay, nạp nhiên liệu và kiểm tra các hệ thống máy hay tươi cười chào khách. Trước mỗi chuyến bay, mọi người chỉ có đúng 30 phút để thu dọn, nhặt sạch tất cả rác mà hành khách bỏ lại trên máy bay.
Tuy nhiên, không phải hành khách nào cũng hiểu cho người làm nghề. Quang Đạt tâm sự, điều khiến anh cảm thấy buồn nhất chính là sau khi hạ cánh, anh đại diện phi hành đoàn phát ngôn để giải thích rất cụ thể nhưng mọi người vẫn lắc đầu hỏi tiếp viên một câu: “Sao không để cơ trưởng Tây bay mà để người Việt bay xong không hạ cánh được?”.
Quang Đạt cho biết, không chỉ riêng bản thân anh mà tất cả đồng nghiệp luôn đặt sự an toàn của hành khách trên mỗi chuyến bay là mục tiêu quan trọng nhất. Có lần khi vừa cất cánh được 10 phút thì hệ thống báo lỗi, Quang Đạt liền quay đầu về sân bay để kiểm tra dù anh biết lỗi hệ thống báo là rất nhỏ và có thể bỏ qua để bay tiếp. "Nhưng điều gì cũng có thể xảy ra, mình không thể chủ quan với tính mạng của mọi người được”, anh tâm sự.
Không chỉ riêng bản thân Đạt mà tất cả phi hành đoàn luôn đặt sự an toàn của hành khách trên mỗi chuyến bay là quan trọng nhất. |
Song, Quang Đạt cũng thẳng thắn nêu quan điểm của mình khi cho rằng nếu tình trạng các chuyến bay liên tục bị delay cứ tiếp diễn thì sẽ là vấn đề lớn thật sự.
“Toàn bộ các hãng hàng không đều muốn chú trọng đến chất lượng khi làm dịch vụ, nhưng hạ tầng của mình chưa đáp ứng được yêu cầu cao như vậy. Thực tế, tỉ lệ đúng giờ của các chuyến bay ở Việt Nam đạt 80%, phải nói là rất cao so với thế giới rồi. Tụi mình sẽ cố gắng hết sức và mong mọi người có thể hiểu và thông cảm hơn sau bài viết này”, Đạt nói.
Theo Thanh niên
TIN LIÊN QUAN |
---|