Coco Chanel: Từ trẻ mồ côi đến biểu tượng quyền lực giới thời trang

Theo Huyền Trang (ngoisao.net)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
Trước khi xây dựng đế chế thời trang, Coco Chanel từng trải qua nhiều biến cố từ tuổi thơ tại trại trẻ mồ côi đến ca sĩ quán rượu.

Sau sự ra đi của mẹ, Gabrielle Bonheur Chanel (tên thật của Coco Chanel) bị bố gửi vào trại trẻ mồ côi. Tại đây, bà được dạy nghề may, nền tảng đầu tiên phát triển sự nghiệp lừng lẫy nhiều năm sau đó. Cuộc sống bó hẹp trong khuôn viên trại khiến cô gái trẻ Gabrielle luôn tò mò, háo hức tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Càng lớn, Gabrielle càng xinh đẹp. Gịong hát hay và nhan sắc giúp bà nổi bật hơn những đứa trẻ cùng trại. Lợi thế này khiến cô gái mới lớn nuôi mộng làm ca sĩ.

Năm 18 tuổi, Gabrielle rời trại trẻ, bắt đầu thực hiện ước mơ ấp ủ. Sự nghiệp ca hát của bà khởi đầu từ quán rượu vùng Vichy và Moulins nước Pháp với nghệ danh Coco. Tuy nhiên, ước mơ của cô gái trẻ chẳng mấy chốc vỡ vụn bởi thực tế xô bồ. Cô thường xuyên chứng kiến cảnh rượu chè say khướt, sự cười đùa trêu chọc của đám háo sắc, cạm bẫy xã hội... Chẳng bao lâu sau Gabrielle từ bỏ ca hát.

Dừng lại sự nghiệp từng tha thiết theo đuổi, Gabrielle sống cuộc đời không mục tiêu đến khi gặp Etienne Balsan, một thợ may người Pháp. Cuộc gặp gỡ định mệnh lái số mệnh của Coco theo hướng khác. Bà bắt đầu manh nha ý tưởng kinh doanh thời trang nữ. Sau đó, bà có mối quan hệ tình cảm với một người đàn ông giàu có. Nhận thấy tài năng thiên bẩm của Coco, cả bạn trai lẫn Etienne đều hết lòng hỗ trợ, đầu tư tiền vào sự nghiệp thiết kế của bà.

Coco Chanel: Từ trẻ mồ côi đến biểu tượng quyền lực giới thời trang ảnh 1

Nhan sắc của Coco khiến nhiều đàn ông say mê. Ảnh: The Times.

Coco bắt đầu kinh doanh với cửa hàng mũ Chanel tại phố Rue Cambon của Paris. Công việc ngày càng phát triển, Coco mở tiếp hai cửa hàng và thuê nhân công. Lúc này, bà kinh doanh thêm trang phục do mình thiết kế. Những sản phẩm của Coco được phái đẹp chú ý. Điều này giúp bà có động lực theo đuổi niềm đam mê mới. 

Không dừng lại ở sáng tạo đơn thuần, Coco bắt đầu phá cách. Bà quan niệm: "Người phụ nữ cần hai yếu tố là sang trọng và kiêu hãnh". Do vậy, những mẫu thiết kế của bà làm nổi bật đường nét nữ tính thanh lịch, trở thành sản phẩm được nhiều phụ nữ ao ước. 

Thiết kế mẫu váy ngắn lộ mắt cá chân và quần cho phụ nữ của Coco góp phần làm thay đổi quan niệm thời trang thế kỷ 19. Chúng mang lại cho phái đẹp sự tự tin, thoải mái và tự do. Sau đó, hàng loạt sản phẩm đình đám khác ra đời. Trong đó, bộ trang phục áo khác không cổ và chiếc váy bên trong trang trí đẹp mắt đã làm nên thương hiệu Coco Chanel, nhờ biết kết hợp yếu tố thoải mái trong trang phục nam và nét truyền thống trong váy nữ. Thiết kế mới của bà đã giúp giải thoát phụ nữ khỏi những chiếc áo ngực thắt eo.

Cá tính của Coco còn thể hiện qua màu sắc trang phục. Theo đó, bà chọn màu đen, trước rất phổ biến trong tang lễ vào bộ sưu tập trang phục ngày thường - Little Black Dress. Nhà thiết kế tài ba đã chứng minh trang phục gợi màu sắc đau thương có thể trở nên thanh lịch và nâng tầm nhan sắc của phụ nữ. Bên cạnh đó, bà còn là người tạo trang phục cho nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng. Những tiếp xúc trong quá trình làm việc khiến bà nảy sinh tình cảm với nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ piano người Nga, Igor Stravinsky.

Không chỉ là nhà thiết kế được ưa chuộng, Coco nổi danh với dòng nước hoa đầu tay - Chanel No. 5 đặt theo tên mình. Bà nhìn nhận: "Phụ nữ không dùng nước hoa là không có tương lai", do đó nước hoa đối với Coco là biểu tượng sắc đẹp, là ấn tượng không thể quên. 

Việc kinh doanh hương thơm gặp thuận lợi khi nhiều doanh nhân hậu thuẫn cho sự phát triển của dòng nước hoa mới, trong đó có gia đình Wertheimer, tên tuổi lớn ngành mỹ phẩm của Pháp. Công ty nhà Wertheimer nhập về lượng Chanel No. 5 tương đương 70% lợi nhuận của Coco trong nhiều năm. Sáng chế nước hoa đầu tay mang đến cho nhà thiết kế khoản tiền khổng lồ nhưng cũng gặp không ít vụ kiện kinh tế rắc rối.

Coco Chanel: Từ trẻ mồ côi đến biểu tượng quyền lực giới thời trang ảnh 2

Coco táo bạo sử dụng màu đen trong thiết kế trang phục thường ngày. Ảnh: Style and Design.

Đang trên đà phát triển, công ty của Coco gặp khó khăn vì tình hình chung của thế giới. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau đó Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ khiến bà phải đóng cửa công ty, sa thải công nhân và ngừng hoạt động chuỗi cửa hàng Chanel. Trong thời gian chiến tranh, Coco quen và yêu một sĩ quan quân đội người Đức. Mối quan hệ này khiến bà chịu nhiều điều tiếng từ xã hội, thậm chí có người coi Coco là người phản bội tổ quốc. Áp lực dư luận khiến nhà thiết kế người Pháp rời Paris và lưu vong đến Thụy Sĩ.

Tin tức về Coco không xuất hiện cho đến năm 1953. Bà một lần nữa quay lại với giấc mơ làm nhà thiết kế thời trang ở tuổi 70. Mẫu trang phục Chanel ra mắt trong thời gian này bị giới chuyên gia bình luận gay gắt, nhưng lại chiếm được cảm tình của phụ nữ khắp thế giới nhờ thiết kế nữ tính, thanh lịch và tính ứng dụng cao. Sự nghiệp của một trong những nhà thiết kế lớn tuổi nhất giới thời trang thăng hoa những năm sau đó. Thương hiệu Chanel dần có chỗ đứng trên thị trường thời trang xa xỉ. 

Ngày 10/1/1971, Coco Chanel qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Trong tang lễ, hàng trăm người trong trang phục do bà thiết kế đã tập hợp và khóc thương cho người phụ nữ "hồng nhan bạc mệnh".

Coco chưa từng kết hôn. Cuộc đời nhiều thăng trầm của bà là nguồn cảm hứng ra đời vở nhạc kịch Coco trên sân khấu Broadway của Mỹ. Tác phẩm nhận bảy đề cử giải Tony Award cùng hai giải Thiết kế trang phục xuất sắc và Nam diễn viên xuất sắc.

Hàng thập kỷ trôi qua, nhiều thế hệ CEO đã dẫn dắt Chanel trở thành một trong những thương hiệu xa xỉ, biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp của thế giới. Hiện Chanel do gia đình Wertheimer sở hữu và điều hành bởi CEO Alain Wertheimer.

tin mới