Coi chừng hậu M&A

13/01/2013 17:18

(Baonghean) - Chưa bao giờ thị trường mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước (viết tắt theo nghĩa tiếng Anh là M&A) ở nước ta lại sôi động như bây giờ. Nhưng là sự sôi động đơn phương, bởi chủ yếu là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nước ngoài mua lại các doanh nghiệp có tên tuổi của Việt Nam.

Cụ thể là Siam Cement Group (SCG), một DN lớn nhất Thái Lan đã mua lại Prime Group, tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu của Việt Nam được thành lập từ năm 1999, nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng với mức giá 280 triệu USD (khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng).

Giữa năm 2012, NawaPlastic, Công ty nhựa Thái Lan đã mua vào hơn 9,82 triệu cổ phiếu NTP của Nhựa Tiền Phong và 5,85 triệu cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh và trở thành cổ đông lớn của cả hai doanh nghiệp sản xuất ống nhựa xây dựng hàng đầu trong nước. Wilmar là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Singapore về vốn hóa thị trường và doanh thu, đồng thời là một trong những doanh nghiệp lớn nhất châu Á trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện đã nắm 68% cổ phần của Công ty Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) và đã mua lại 49% cổ phần CTCP BOO Nước Thủ Đức từ tay Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) với giá 42,6 triệu USD.

Tập đoàn Jollibee của Philippines cũng đã bỏ ra 25 triệu USD để bắt đầu lộ trình thâu tóm toàn bộ Highlands Cofee lẫn Phở 24 của Việt Nam… và còn rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác cũng đang tìm cách thâu tóm các doanh nghiệp Việt đang sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.

Trong lúc nền kinh tế Việt Nam đang khó khăn và bước vào giai đoạn tái cơ cấu để thoát khỏi khó khăn thì việc bán doanh nghiệp cho các công ty, tập đoàn nước ngoài giúp cho các doanh nghiệp Việt giảm bớt được gánh nặng tài chính, tránh rơi vào khủng hoảng. Một số thương vụ M&A còn đem lại lợi nhuận không nhỏ cho các cổ đông trong nước. Thoạt nhìn thì thấy rõ ràng là lợi cả đôi đường. Vừa bớt được lo toan vừa có thêm tiền. Nhưng ngẫm kỹ thì thấy bất ổn cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Điều dễ nhận thấy nhất là các công đoạn sản xuất ra sản phẩm đều được thực hiện trên đất nước ta. Mặc nhiên các loại khói, bụi, chất thải trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp đều đọng lại trên mảnh đất hình chữ S này. Còn lợi nhuận thì lại thuộc về các ông chủ nước ngoài. Nhờ đó, đất nước họ vừa giàu lại vừa sạch.

Trong những năm qua, khi có thiên tai, các doanh nghiệp Việt Nam luôn mở “hầu bao” ủng hộ cho đồng bào cùng bị nạn với những khoản tiền không nhỏ, giúp họ vượt qua khó khăn. Nhưng một khi doanh nghiệp về tay nước ngoài, việc ủng hộ đó sẽ là rất khó khăn. Người ta vẫn thường nói “khác máu thì tanh lòng”, đồng bào mình chứ không phải là con em, đồng bào của họ thì dễ gì nhận được sự cảm thông, giúp đỡ. Mục tiêu tối thượng trong các hoạt động của doanh nghiệp là lợi nhuận. Họ sẽ tìm đủ mọi cách để vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên con người để nâng cao lợi nhuận. Bất chấp hậu quả ra sao. Vì khó có ai “thương người như thể thương thân”.

Nhưng nguy hiểm hơn cả là, một khi phần lớn các doanh nghiệp nằm trong tay các ông chủ nước ngoài thì nền kinh tế của đất nước sẽ phụ thuộc vào họ. Mà đã phụ thuộc về kinh tế thì rất khó tránh khỏi phụ thuộc về chính trị. Đừng cho rằng những cảnh báo đó là hão huyền và lo xa, cứ nhìn vào gương một số nước Châu Phi thì sẽ rõ. Do vậy, cần nghĩ tới những hệ lụy ở thời kỳ “hậu M&B” để mà ngăn ngừa, phòng bị. Cách hay nhất là các doanh nhân Việt nên cố kết lại với nhau để gìn giữ, bảo vệ và mở mang, phát triển các doanh nghiệp của người mình.


Duy Hương (Báo Nhân Dân)

Mới nhất
x
Coi chừng hậu M&A
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO