'Cởi trói' cho vay ngoại tệ: Doanh nghiệp, ngân hàng bắt tay thở phào!

01/06/2016 11:28

Quyết định cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ trở lại của Ngân hàng Nhà nước được thị trường ủng hộ và cho rằng sẽ làm tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, song hành đó là câu chuyện về chống đô la hóa và chảy máu ngoại tệ cũng được bàn luận đến.

Doanh nghiệp, ngân hàng bắt tay thở phào

Cứ ngỡ rằng, cơ chế dành cho một nhóm đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ đã khép lại từ ngày 1/4 vừa qua.

Trong 2 tháng, việc cho vay ngoại tệ chấm dứt khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã gặp khó khăn khi phải chuyển sang vay vốn lưu động bằng VND với lãi suất cao hơn, làm tăng giá thành sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Rất may là cánh cửa lại một lần nữa mở ra với các doanh nghiệp này. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành Thông tư 07 cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ trở lại bắt đầu từ 1/6 đến cuối năm nay.

Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng cho cả doanh nghiệp và ngân hàng bởi với tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách cho vay ngoại tệ trở lại hoàn toàn hợp lý.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng về mặt tâm lý quy định trên là sự cởi trói rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đồng tiền ngoại tệ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, việc cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vay USD trở lại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách ngân hàng cho vay USD ngắn hạn, sau đó doanh nghiệp bán lại USD cho ngân hàng lấy tiền đồng để mua nguyên liệu đầu vào phục vụ xuất khẩu.

Thêm vào đó, hiện nay các doanh nghiệp của nước ngoài được hưởng lãi suất cho vay rất thấp thì việc doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được vay ngoại tệ trở lại sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Nên nâng trần lãi suất huy động USD

Ở bất kỳ quốc gia nào, khi ban hành hay điều chỉnh một chính sách cũng có 2 mặt, phải đánh đổi, mất cái này được cái kia.

Việc mở lại cho vay ngoại tệ, đồng nghĩa với việc làm chậm lại quá trình chống đô la hóa. Việc mở lại cho vay ngoại tệ sẽ tác động làm tăng nhu cầu ngoại tệ trong thời gian tới, tạo áp lực cho tỷ giá trong những tháng cuối năm. Do đó, phía NHNN cũng phải lường đoán các kịch bản để điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất hợp lý, đảm bảo mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng.

Hai chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Cấn Văn Lực và TS. Nguyễn Trí Hiếu cùng quan điểm cho rằng NHNN nên xem xét có thể cho phép các ngân hàng thương mại huy động USD với mức lãi suất như trước kia hoặc với mức lãi suất nào đó hơn 0% còn nếu các ngân hàng cho vay thanh khoản thấp trong khi các khoản tiền gửi đều không kỳ hạn thì đây là một rủi ro tín dụng và chắc chắn sẽ làm tăng lãi suất đồng USD.

Môt số chuyên gia chia sẻ thêm, sau khi áp trần 0% đối với lãi suất huy động USD, thực tế cho thấy, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi huy động, thậm chí đâu đó có hiện tượng một số ngân hàng tìm cách “lách trần".

Chứng tỏ phần nào chính sách cần có sự điều chỉnh và xem xét nâng lãi suất huy động đối với USD để ngân hàng có thể hút vốn và tạo điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, sắp tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất đồng USD, nếu giữ lãi suất huy động ở mức 0%, câu chuyện "chảy máu ngoại tệ" một lần nữa dấy lên nhiều lo ngại.

Theo Tri Thức Trẻ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
'Cởi trói' cho vay ngoại tệ: Doanh nghiệp, ngân hàng bắt tay thở phào!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO