'Con chiến mã' của cha tôi
(Baonghean.vn) - Một thầy giáo cũ về chơi có hỏi cha tôi "Chiếc xe đạp Thống nhất cũ, không chuông, không phanh, không chắn bùn... đã theo ông suốt cả cuộc đời dạy học nay còn không ?". Câu hỏi làm tôi hối hận hơn bởi trong những năm gian khó, cách đây gần 20 năm, tôi đã bán chiếc xe đạp ấy để trang trải cuộc sống mà không nghĩ đó là kỷ vật vô giá, đã cùng ông trèo đèo, lội suối, rong ruổi trong suốt quãng đường đời trai trẻ.
Bánh xe đạp cũ thuở nào của cha tôi như bắt đầu chầm chậm quay đều trong ký ức về những ngày tuổi thơ tươi đẹp.
Ảnh minh họa |
Chiếc xe hơn tôi gần chục tuổi, nó được gắn biển số như xe máy bây giờ. Nó đã bôn ba trên khắp miền quê xứ Nghệ, theo ông lên công tác ở vùng non xanh nước thẳm ở huyện miền núi Tân Kỳ vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, cùng trên mọi dặm đường vào thành phố Vinh khi ông là giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh, rồi lại trèo đèo, lội suối lên Trường Sư phạm Miền núi vào những thời điểm gian khó nhất của đất nước sau thời kỳ hậu chiến: "Năm tám mươi, gạo lên tám mươi; dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ"...
Tôi đã ngồi sau chiếc xe ấy từ Yên Thành vào Vinh trong những ngày gió Lào quạt rát mặt, nắng như đổ lửa, nơi ông ở là một căn phòng nhỏ trong căn nhà tranh khu tập thể Trường Đại học Sư phạm Vinh. Những lúc rảnh rỗi, tôi lại được ngồi sau xe để khám phá thành phố đầy đổ nát sau chiến tranh, tôi biết được Phà Bến Thủy, Trường Thi, rạp hát Cửa Đông... từ thưở đó.
Ông lại chuyển công tác lên Trường Sư phạm Miền núi. Cứ mỗi buổi chiều thứ 7, cả 3 anh em tôi ra đầu ngõ đón cha về, trời chiều chập choạng, thấy bóng dáng cao gầy trên chiếc xe chỉ còn những bộ phận cơ bản nhất nhưng chiếc xe đạp cũ lại rất hữu dụng, chở theo sau nó là những thanh gỗ nhỏ để đóng đồ gia dụng, là vừng, ngô, lạc, những lương thực ông tranh thủ tăng gia sản xuất được để cứu đói cho cả nhà. Mỗi lần ông về bàn chân đầy đất, nứt nẻ cả tuần không rửa của tôi lại được chà sát, rửa ráy sạch sẽ hơn. Ông lần giở từng trang vở để kiểm tra bài cũ và giao bài mới, viết chính tả từng bài, từng bài một...
Sáng thứ 2, khi tôi tỉnh dậy để đến trường thì cha đã tạm biệt mẹ và anh em chúng tôi khi chúng tôi còn ngon giấc với hành trình gần 50 km để kịp giờ dạy học.
Trong cơn lũ lụt lịch sử năm 1978, nước tràn về ngập ngang ô cửa sổ, nhà chỉ có ông bà nội và mấy mẹ con, không biết bằng cách nào ông cùng "con chiến mã" băng dòng nước lũ về nhà...
Suốt một quãng thời gian tuổi thơ của anh em chúng tôi gắn liền với những kỷ niệm buồn vui với những vòng xe của cha tôi, vòng quay của chiếc xe ấy cứ xoay đều mặc cho những khó khăn phía trước.
Suốt cả phần đời dạy học sau này, chiếc xe vẫn là người bạn chung thủy, khi ông đã là Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng một trường THPT của huyện lúa Yên Thành, chiếc xe vẫn là người bạn trung thành - mà bây giờ gặp lại nhiều phụ huynh và học trò cũ vẫn còn nhắc về hình dáng độc đáo, thiếu nhiều bộ phận của nó, và vẫn với hình dáng cao gầy trên chiếc xe đạp cũ, chuyên cần, bám trường, bám lớp làm thay đổi diện mạo một ngôi trường từ nhà tranh vách đất thành "ngói hóa", chất lượng được xếp tốp đầu về chất lượng của vùng đất học rộng lớn.
Ảnh minh họa |
Sau này, ông chuyển giao lại chiếc xe đó, nó đã làm bạn với tôi một thời gian khá dài, nhưng rồi chiếc xe của ngày xưa cũ ấy nữa đã rời xa về với người khác... Trên những con đường tôi đã đi qua, có sướng khổ buồn vui, có những sum họp, biệt ly, những nụ cười và nước mắt, nhưng đã bớt đi nhiều gập gềnh và chông chênh vì cha tôi và "con chiến mã" đã đi trước đó, đã nhặt bớt những nhọc nhằn để bước chân tôi và các em tôi bước đi dễ dàng hơn trên con đường đời.
Thời gian trôi qua nhanh, trên đầu cha tôi tóc đã bạc, và đến lượt anh em chúng tôi tóc cũng đã điểm bạc. Trong tôi vẫn luôn khắc khoải câu hỏi: "Con chiến mã" ấy đang ở phương trời nào? Vẫn rong ruổi trên thiên lý, vạn lý, hay đã "mỏi gối chồn chân"?...
Chu Tú Toàn
TIN LIÊN QUAN