Con Cuông khai thác du lịch gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững

(Baonghean) - Con Cuông được biết đến với những bước đi ấn tượng trong phát triển du lịch, tạo được dấu ấn quan trọng trên bản đồ du lịch Nghệ An. Đây là kết quả của nhiều nguyên nhân, trong đó có sự gắn kết giữa phát triển du lịch với bảo vệ và phát triển rừng.

Điểm đến hấp dẫn

Địa bàn huyện Con Cuông là trung tâm của Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát với hệ thống động - thực vật phong phú, cộng đồng dân tộc Thái và Đan Lai vẫn lưu giữ được những nét bản sắc. Hai yếu tố quan trọng này đã giúp địa phương có điều kiện để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Trên thực tế, những năm qua Con Cuông đã xây dựng được thương hiệu du lịch và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí thu hút được nhiều du khách nước ngoài.

Ảnh tư liệu
Rừng nguyên sinh ở VQP Pù Mát (Con Cuông). Ảnh tư liệu

Nói đến du lịch sinh thái ở Con Cuông, du khách gần xa đều biết đến thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, sông Giăng, đập Phà Lài và vùng lõi VQG Pù Mát. Mỗi điểm đến đều chứa đựng những nét đặc biệt và toát lên vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng như dòng sông trong xanh, con thác đổ xuống từ độ cao hàng chục mét, con đập nên thơ hay cây sa mu dầu hơn 1.000 năm tuổi…

Gần đây có thêm rừng tre đẹp, được đánh giá là không thua kém cảnh phim trường của “Thập diện mai phục” ở xã Châu Khê cũng thu hút được nhiều du khách đến thưởng ngoạn. Nói cách khác, về với núi rừng Con Cuông là về với cảnh vật nguyên sơ và tươi đẹp, về đây để có dịp được hòa mình với phong cảnh đại ngàn, gác lại những ưu phiền trong cuộc sống.

Ảnh tư liệu
Vẻ đẹp non nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát. Ảnh tư liệu: Lê Quang Dũng

Còn với du lịch cộng đồng, những điểm đến như bản Khe Rạn (Bồng Khê), bản Nưa (Yên Khê) và bản Xiềng (Môn Sơn) mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt du khách đến trải nghiệm. Nét đặc sắc về phong tục, tập quán và đời sống văn hóa của đồng bào Thái đã tạo nên sức hấp dẫn đối với những người khách đến từ miền xuôi và các thành phố lớn. Những sản vật như xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt nướng, cá mát, canh ột và rượu men lá đều mang hương vị đặc trưng của núi rừng.

Qua bàn tay chế biến khéo léo của các mẹ, các chị, những sản vật ấy trở thành “món ngon nhớ lâu”, thưởng thức một lần sẽ muốn lần sau có dịp trở lại. Rồi những làn điệu khắp, lăm, nhuôn, xuối mượt mà; tiếng khèn bè và cồng chiêng vang ngân; điệu múa sạp rộn ràng và điệu lăm vông quyến rũ mang đến những trải nghiệm thú vị về mảnh đất, tình người ở “Miền Trà Lân”.

Ảnh tư liệu
Cây sa mu dầu cổ thụ ở vùng lõi VQG Pù Mát (Con Cuông). Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó là những mặt hàng thủ công mỹ nghệ được làm ra bởi sự khéo léo và tinh tế của đồng bào vùng cao (sản phẩm dệt thổ cẩm, mây - tre đan) cũng góp phần làm nên nét đặc sắc của bản làng, mang đến những thú vị trên hành trình trải nghiệm. Đặc biệt, ghé thăm HTX Dệt thổ cẩm ở bản Xiềng (Môn Sơn), không ít du khách thực sự hứng thú khi được trải nghiệm quá trình hoàn thiện một sản phẩm. Từ khâu bật bông, xe sợi, nhuộm chỉ đến dệt vải, thêu hoa văn, mỗi công đoạn là một sự bất ngờ, mang lại bao điều thú vị ở “cuộc sống quanh ta”.

Niềm hy vọng từ một dự án

Từ tháng 4/2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động du lịch ở Nghệ An nói chung và huyện Con Cuông nói riêng phải tạm dừng hoạt động. Hiện tại, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, các hoạt động du lịch sắp sửa được khôi phục và mở cửa trở lại, các cơ sở và hộ gia đình kinh doanh du lịch đã chuẩn bị sẵn sàng.

Ảnh: Sách Nguyễn
Điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông) hấp dẫn du khách bằng nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Ảnh: Sách Nguyễn

Đồng thời, Con Cuông đang nhận được sự tiếp sức từ Dự án Phát triển Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đệm VQG Pù Mát do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SPG) tài trợ. Dự án được triển khai tại xã Môn Sơn (Con Cuông) và Tam Đình (Tương Dương) nhằm hướng tới mục tiêu trước mắt là góp phần bảo tồn đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững với phát triển du lịch sinh thái.

Tại huyện Con Cuông, Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình Phát triển du lịch sinh thái, làng nghề dệt thổ cẩm gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững được xây dựng tại bản Xiềng, xã Môn Sơn. Người dân nơi đây được tham dự các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch phục vụ du khách cho cộng đồng và tập huấn về bảo vệ, khoanh nuôi, rừng và bảo tồn, phát triển cây nhuộm màu tự nhiên.

Ảnh tư liệu: Công Kiên
 Phụ nữ dân tộc Thái bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) thực hiện công đoạn bật bông làm nguyên liệu dệt thổ cẩm. Ảnh tư liệu: Công Kiên
Ảnh tư liệu: Công Kiên
Sau khi cán, bông được vò thành từng nắm nhỏ rồi dùng dụng cụ để kéo thành sợi dài. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Lớp tập huấn đã giúp các học viên và chính quyền địa phương hiểu biết và nắm bắt thêm các nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh, phục vụ du khách khi đến tham gia các hoạt động cộng đồng tại các thôn, bản. Bà con được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, quá trình tổ chức đón tiếp và phục vụ du khách.

Chị Hà Thị Hằng, người dân bản Xiềng cho biết: “Tham gia các lớp tập huấn do Dự án tổ chức, tôi thực sự hiểu thêm nhiều vấn đề bổ ích xung quanh mô hình du lịch cộng đồng. Khi hoạt động du lịch được khôi phục, chắc chắn bản Xiềng sẽ đón tiếp và phục vụ du khách tốt hơn”.

Ảnh tư liệu: Công Kiên
Để tấm vải có màu sắc, trước khi dệt, bà con vào rừng tìm một số loài cây về nấu cho đến khi nước có màu sắc rồi nhúng cuộn sợi vào nước khoảng 30 phút, sau đó đem phơi khô. Mỗi loại cây có một màu sắc, để có nhiều màu, chị em thường dùng nhiều loại cây khác nhau hoặc pha chế để phối màu màu theo kinh nghiệm dân gian. Ảnh tư liệu: Công Kiên
Ảnh tư liệu: Công Kiên
Sợi được ngâm màu và phơi khô, đảm bảo độ săn, dai, bền và chắc sẽ được mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải theo ý muốn của người dệt. Công đoạn dệt cũng đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, nhịp nhàng của đôi chân và tinh tế của đôi mắt để làm nên những sản phẩm có đường nét nhuần nhuyễn, màu sắc hài hòa, hoa văn tinh xảo. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Đồng thời, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh cho các gia đình làm điểm homestay, nâng cấp nhà trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm thổ cẩm của làng thổ cẩm bản Xiềng. Đặc biệt, Dự án đã hỗ trợ xây dựng mô hình Bảo tồn phát triển cây nhuộm màu tự nhiên trong rừng, trồng dâu nuôi tằm cho HTX Dệt thổ cẩm ở bản Xiềng.

Trong đó, mô hình trồng dâu nuôi tằm có 10 hộ tham gia với diện tích mỗi hộ 300m2; mô hình khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn phát triển và trồng bổ sung cây cho màu dệt thổ cẩm với kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng (11 hộ tham gia/diện tích 24 ha). Hiện nay, mô hình cơ bản đã sẵn sàng đưa vào phục vụ du khách khi hoạt động du lịch được phục hồi và mở cửa trở lại.

Ảnh: Công Kiên
Du khách trải nghiệm các công đoạn dệt thổ cẩm tại bản Xiềng (Môn Sơn – Con Cuông). Ảnh: Công Kiên

“Những năm gần đây, huyện Con Cuông đã khai thác được thế mạnh để phát triển du lịch. Hy vọng với sự tiếp sức của Dự án Phát triển Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đệm VQG Pù Mát, bà con nơi đây sẽ tiếp tục phát huy được thành quả, từng bước nâng cao nguồn thu nhập và bảo vệ, phát triển rừng bền vững”.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An

tin mới

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.

Vui hội đền Chín Gian

Vui hội đền Chín Gian

(Baonghean.vn) - Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh Pú Chò Nhàng thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.