Con Cuông: Mô hình mới, hiệu quả mới

08/01/2014 12:35

(Baonghean) - Tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn ở huyện Con Cuông đang thí điểm mô hình cán bộ, công chức UBND xã kiêm Bí thư chi bộ thôn, bản. Mô hình bước đầu tạo những chuyển biến tích cực, người dân đồng thuận, hệ thống chính trị cơ sở được kiện toàn, từng bước đi vào hoạt động, nền nếp, có hiệu quả.

Nằm cạnh cầu Nà Cọ trên tuyến đường 48C nối từ huyện Tương Dương sang Quỳ Hợp, Tung Poọng là một trong những bản khó khăn, yếu kém nhất nhì xã nghèo Bình Chuẩn, huyện Con Cuông. Bản có 55 hộ với 222 nhân khẩu thì đã có đến 34 hộ nghèo. Trong nhiều năm liền, ở Tung Poọng chỉ có 3 đảng viên đều là người thân trong một gia đình gồm 2 vợ chồng và một người chú ruột. Sinh hoạt chi bộ diễn ra thất thường, chất lượng sinh hoạt thấp dẫn đến những hệ quả khác như đội ngũ cán bộ trong bản làm việc không hiệu quả, trì trệ, các kế hoạch sản xuất không được thực hiện kịp thời. Đặc biệt, trong nhiều năm liền, trong bản không phát triển được thêm đảng viên mới nào, các tổ chức đoàn thể hoạt động rời rạc, kém hiệu quả và Tung Pọong trở thành một trong những bản yếu kém nhất của xã Bình Chuẩn.

Ông Ngân Đình Phòng (giữa), Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng công an xã Lạng Khê cùng Ban cán sự bản Huồi Mác tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Ông Ngân Đình Phòng (giữa), Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng công an xã Lạng Khê cùng Ban cán sự bản Huồi Mác tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Cuối tháng 6/2013, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông ra quyết định điều động nhân sự, đưa các cán bộ gồm chị Phan Thị Xuân, cán bộ Văn phòng – Thống kê UBND xã, Kha Văn Minh, Trưởng công an xã, Lộc Văn Tám, cán bộ địa chính xã, Vi Cảnh Hùng, cán bộ Văn hóa xã về sinh hoạt chi bộ tại bản Tung Poọng. Chị Phan Thị Xuân được cử làm Bí thư chi bộ bản. Quyết định này khiến ban cán sự bản và người dân trong bản Tung Poọng băn khoăn, thắc mắc. Họ cho rằng, chị Xuân là người dân tộc Kinh, lại ở dưới xuôi lên, trong khi Tung Pọong là bản có 100% người dân tộc Thái sinh sống; bí thư chi bộ bản nên là người địa phương thì mới hiểu hết được tình hình và phong tục, tập quán của người dân hơn…

Ấy thế nhưng cả chị Xuân và những đảng viên được cử về sinh hoạt tại bản Tung Poọng đều không nản lòng. Công việc đầu tiên của chị Xuân khi nhận nhiệm vụ Bí thư chi bộ bản Tung Poọng là tổ chức họp dân và đề nghị bầu lại chức danh Trưởng bản. Anh Kha Văn Giáp (32 tuổi), người có năng lực và xông xáo nhất được bầu làm Trưởng bản. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh cũng được kiện toàn lại và đi vào sinh hoạt định kỳ, có chế độ báo cáo. Ban cán sự bản cũng bắt đầu triển khai nghiêm túc các công văn, giấy tờ từ cấp trên quán triệt xuống. Sinh hoạt chi bộ đi vào nề nếp, các đảng viên là những cán bộ xã được phân công phụ trách bám bản, bám dân, cùng nhau tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đốc thúc sản xuất theo đề án của xã, huyện.

Chị Xuân đã cùng với các đảng viên khác phối hợp với Ban cán sự bản huy động người dân làm được đoạn đường cấp phối từ Quốc lộ 48 vào trung tâm bản, kêu gọi nhà máy đường vào khảo sát trồng mía nguyên liệu và xin hỗ trợ dự án chăn nuôi lợn sinh sản để làm mô hình cho bà con thoát nghèo. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tung Poọng có sự thay đổi khá căn bản, toàn diện. Từ chỗ băn khoăn, lo lắng vì Bí thư chi bộ là người dưới xuôi lên, người dân Tung Poọng đã rất tin tưởng, yêu quý nữ cán bộ trẻ và năng động Phan Thị Xuân. Anh Kha Văn Thảo - Bí thư Đảng ủy xã Bình Chuẩn cho biết, cuối năm 2013, Tung Pọong là một trong những bản đầu tiên hoàn thành các nghĩa vụ với địa phương, điều mà trong nhiều năm qua, bản này không làm được. Bản được UBND xã tặng giấy khen, một số trưởng các tổ chức đoàn thể trong bản cũng được tuyên dương vì có thành tích xuất sắc.

Còn tại bản Huồi Mác trước đây vốn là “điểm nóng” ma túy của xã Lạng Khê nói riêng, huyện Con Cuông nói chung. Đây là khu vực giáp ranh với Khe Bố của huyện Tương Dương, là khu vực tấp nập, trên bến, dưới thuyền của ngã 3 sông Lam và khe Thơi nên có rất nhiều điểm phức tạp về ma túy, nhiều người dân trong bản nghiện ma túy, có lúc cao điểm, Huồi Mác có tới gần 30 người nghiện hút… Đến những năm 2009 – 2010, khi bắt đầu xóa bỏ được điểm nóng về ma túy thì UBND xã Lạng Khê tiếp tục có những bước chỉ đạo mạnh mẽ để giúp Huồi Mác vượt qua hệ lụy của cơn bão này.

Nhận thấy khâu yếu kém nhất ở Huổi Mác là chất lượng cán bộ, đảng viên, tháng 12/2012, ông Hà Đình Kiệu, Ban kiểm tra Đảng ủy xã Lạng Khê được giao nhiệm vụ về làm Bí thư chi bộ bản Huồi Mác. Tháng 10/2013, Đảng ủy xã tiếp tục phân công đồng chí Ngân Đình Phòng, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã và 2 đảng viên có uy tín khác về trực tiếp sinh hoạt tại chi bộ Huồi Mác. Sau khi nhận nhiệm vụ, các đảng viên được phân công đã tích cực bám bản, thực hiện đúng các quy trình, quy định về lịch sinh hoạt chi bộ, triển khai đến từng hộ dân về nội dung các loại văn bản, giấy tờ mới. Các tổ chức đoàn thể khác cũng được chấn chỉnh, đi vào nề nếp…

Nhờ sự nỗ lực của các đảng viên cắm bản và của ban cán sự xóm cũng như các đoàn thể mới được kiện toàn, Huồi Mác đã từng bước đổi thay. Bà Lô Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Lạng Khê cho biết, Huồi Mác đang có những bước chuyển mình rõ rệt. Cái được lớn nhất của Huồi Mác khi phân công cán bộ xã về cắm bản, kiêm nhiệm chức danh Bí thư chi bộ là sự tin tưởng, đồng thuận của người dân và sự chuyển biến một cách thực sự của các tổ chức đảng, đoàn thể trong bản. Đến nay, Huồi Mác là một trong những bản dẫn đầu về các phong trào xây dựng nông thôn mới, dự án cải tạo đất sản xuất, biến các diện tích đất hoang hóa xung quanh Khe Thơi trở thành ruộng nước cùng với hệ thống nước tự chảy cũng được triển khai.

Bên cạnh đó, nhận thức của bà con về tác hại của ma túy, về HIV ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ người nghiện mới giảm xuống, người dân chăm lo làm ăn,… Huồi Mác và Tung Pọong là hai bản khó khăn điển hình, cũng là hai điểm ghi dấu ấn rõ nét từ chủ trương đưa cán bộ, công chức xã về kiêm nhiệm vị trí bí thư chi bộ ở các bản yếu kém, khó khăn. Sắp tới, UBND xã Thạch Ngàn cũng sẽ tăng cường một cán bộ kiêm vị trí bí thư chi bộ ở bản yếu kém Kẻ Gia.

Đồng chí Nguyễn Văn Chất, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Con Cuông cho biết, trước đây Con Cuông đã thực hiện chủ trương đưa cán bộ xã về sinh hoạt ở các chi bộ thôn bản sau khi có chủ trương xóa bỏ chi bộ UBND xã. Đến năm 2012, huyện tiếp tục thí điểm việc cán bộ, công chức xã kiêm nhiệm chức bí thư chi bộ thôn, bản ở khối 6, Thị trấn Con Cuông, ở xã Lạng Khê và xã Bình Chuẩn và đạt được những hiệu quả rõ rệt. Bởi cán bộ, công chức xã là những người được đào tạo cơ bản, nắm rõ các quy trình, các thủ tục hành chính vì vậy khi giữ chức vụ bí thư chi bộ thôn, bản, họ đã làm rất tốt việc kiện toàn các tổ chức chính trị tại chỗ; các công văn, giấy tờ, thủ tục được triển khai bài bản, có hiệu quả cao, các thông tin, chủ trương từ cấp trên được tiếp thu và triển khai một cách kịp thời. Đặc biệt, sự xuất hiện của các cán bộ xã đã hạn chế được tính chất cục bộ, địa phương trong các hoạt động ở cơ sở. Việc phát triển đảng viên cũng được thực hiện bài bản và hiệu quả hơn, ví như ở bản Tung Pọong, sau gần 1 năm đã có 3 quần chúng ưu tú người dân tộc thiểu số chuẩn bị chờ làm lễ kết nạp vào Đảng, 4 người được đi học cảm tình Đảng.

Từ những thành công bước đầu, thời gian tới, mô hình cán bộ xã kiêm nhiệm ở các địa phương khó khăn sẽ tiếp tục được thí điểm và triển khai ở một số thôn bản, một số đơn vị yếu kém. Ngoài việc giúp cơ sở từng bước chuyển biến theo hướng tích cực hơn thì đây còn là một cách đào tạo cán bộ hay, cần được nghiên cứu và nhân rộng.

Nguyên Khoa

Con Cuông: Mô hình mới, hiệu quả mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO