Con đường chính trị của người kế nhiệm Chủ tịch Cuba

Thành Đạt 23/01/2018 19:54

Sau khi Chủ tịch Raul Castro mãn nhiệm vào tháng 4 năm nay, người kế nhiệm ông được cho là một gương mặt trẻ từng kinh qua nhiều vị trí công tác và được nhà lãnh đạo Cuba tin tưởng.

 Chủ tịch Raul Castro nói chuyện với cấp phó Diaz-Canel (trái) tại Havana, Cuba năm 2016. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Raul Castro nói chuyện với cấp phó Diaz-Canel (trái) tại Havana, Cuba năm 2016. Ảnh: Reuters

Vào ngày 19/4 tới, Chủ tịch Cuba Raul Castro dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai và thông qua dự luật giới hạn thời gian nắm quyền cho chức vụ lãnh đạo tại quốc đảo Caribe này tối đa là 2 nhiệm kỳ 5 năm. Hiện tại, mọi sự tập trung đang đổ dồn vào Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez - người được dự đoán sẽ kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro sau khi ông rời khỏi chính trường trong vài tháng tới.

Ông Diaz-Canel sinh năm 1960 trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên và công nhân nhà máy ở miền trung Cuba. Sau khi được đào tạo để trở thành một kỹ sư điện tử, ông gia nhập Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba (FAR). Rời quân ngũ, ông Diaz-Canel chuyển sang lĩnh vực giáo dục và công tác tại Đại học Trung ương Martha Abreu. Ông trở thành lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Cộng sản (UJC) và trưởng thành từ phong trào thanh niên.

Từng là một giáo sư đại học, ông Diaz-Canel được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết sách cao nhất gồm 14 thành viên của đảng Cộng sản Cuba, kể từ năm 2003. Ông cũng có khoảng thời gian giữ chức Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Villa Clara và Holguin trước khi được giao trọng trách Bộ trưởng Giáo dục cấp cao cho tới năm 2012. Dưới sự lãnh đạo của ông Diaz-Canel trong 9 năm, tỉnh Villa Clara đã tiến hành những cải cách tích cực về văn hóa và trở thành trung tâm của phong trào nhạc rock ở Cuba.

Cũng trong năm 2012, ông Diaz-Canel được Chủ tịch Raul Castro cất nhắc làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và giữ chức vụ này cho tới năm 2013. Ở cả trên cương vị này lẫn khoảng thời gian làm Bộ trưởng Giáo dục, ông Diaz-Canel đều được biết đến với dấu ấn là một nhà cải cách nhiệt thành.

Tháng 2/2013, ông Diaz-Canel trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên sinh vào thời điểm sau cuộc Cách mạng Cuba (1953-1959) được ngồi vào vị trí phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba, đồng thời là thành viên của của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Cuba. Trong các bài phát biểu trước công chúng gần đây, ông Diaz-Canel lên tiếng ủng hộ ý tưởng tiếp nối chủ nghĩa xã hội và cách mạng tại Cuba.

 Chủ tịch Raul Castro ngồi cạnh Phó Chủ tịch Miguel Diaz-Canel tại phiên họp quốc hội ở Havana ngày 8/7/2016. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Raul Castro ngồi cạnh Phó Chủ tịch Miguel Diaz-Canel tại phiên họp quốc hội ở Havana ngày 8/7/2016. Ảnh: Reuters

Là quan chức không thuộc thế hệ lão thành cách mạng của Cuba, ông Diaz-Canel cho thấy hình ảnh một chính trị gia trẻ trung, hiện đại hơn so với các lãnh đạo từng nắm quyền nhiều năm ở quốc đảo Caribe này.

Ông Diaz-Canel được cho là thích nhạc rock ‘n’ roll mặc dù đây là thể loại nhạc bị cấm tại Cuba trong những ngày đầu sau cuộc cách mạng giành độc lập. Ông cũng thường xuyên được nhìn thấy đọc thông tin từ một máy tính bảng trong các cuộc họp của chính phủ.

Trên cương vị quan chức cấp cao, ông Diaz-Canel từng kêu gọi nới lỏng việc kiểm soát chặt chẽ truyền thông tại Cuba, ủng hộ mở cửa truyền thông và hoan nghênh việc phổ cập Internet trong bối cảnh có rất ít người dân Cuba được tiếp cận với công cụ này. Chính phủ Cuba sau đó đã cho phép cấp mạng không dây ở các khu vực công cộng trên cả nước.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Raul Castro, người ủng hộ những “nhà cách mạng chân chính không mưu cầu tìm kiếm quyền lực”, từng dành nhiều lời khen cho cấp phó của mình. Theo Chủ tịch Raul Castro, ông Diaz-Canel không phải là cán bộ mới nổi mà đã có sự nghiệp chính trị kéo dài gần 30 năm. Ông Diaz-Canel cũng từng nhiều lần được nhìn thấy ngồi cạnh nhà lãnh đạo Cuba trong các phiên họp quan trọng của đất nước.

Theo dantri.com.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Con đường chính trị của người kế nhiệm Chủ tịch Cuba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO