Con đường thành tỷ phú của ông Hoàng Kiều
Năm 5 tuổi, Hoàng Kiều chuyển vào Sài Gòn sống cùng người chú là Hoàng Thi Thơ, lúc đó là một nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Cũng nhờ sống với chú mà Hoàng Kiều được học tập đầy đủ hơn và xuất sắc vào đại học chuyên ngành khoa học.
Hoàng Kiều khá bảnh trai thời trẻ, lúc còn sống với chú Hoàng Thi. |
Đến năm 1975, Hoàng Kiều đã cùng gia đình di cư sang Los Angeles, Mỹ để bắt đầu một cuộc sống mới không hề dễ dàng. Tại đây, Hoàng Kiều ngày đó tự tin đi xin việc mọi nơi và với sự ham học hỏi của mình. Hoàng Kiều được nhận vào làm nhân viên của Abbott với mức lương chỉ 1,25 USD/giờ.
Sau đó với những đóng góp cho công ty, ông được thăng chức lên vị trí giám sát rồi dần dần lên quản lý. Cuối cùng Hoàng Kiều lên chức giám đốc phụ trách kiểm tra các mẫu huyết tương. Cũng lúc đó, ông đã được Cơ quan Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ cấp giấy chứng nhận vì phòng thí nghiệm huyết tương đạt chuẩn. Đó là bước đệm vững chắc để ông bước chân vào nghiên cứu bệnh viêm gan B.
Với châm ngôn sống "Đừng bán kiến thức của mình với giá rẻ mạt", Hoàng Kiều đã quyết định tự mình lập công ty chuyên nghiên cứu về huyết tương mang tên Rare Antibody Antigen Supply (RAAS). Sau đó, Hoàng Kiều mua thêm nhiều trung tâm khác và đến năm 1985, ông đã sở hữu 11 trung tâm huyết tương nổi tiếng trên toàn nước Mỹ.
Với mong muốn được phát triển xa hơn trên toàn cầu, Hoàng Kiều đã chọn thị trường Trung Quốc mà ít doanh nghiệp Mỹ nghĩ tới vào một thời điểm rất chính xác. Đó là khoảng thời gian ở Trung Quốc bệnh viêm gan B bùng phát khiến 300.000 mắc bệnh.
Bắt được cơ hội, ông Hoàng Kiều đã cùng trung tâm huyết học Thượng Hải mở công ty Shanghai RAAS để cung cấp loại thuốc chứa các chất chính tạo nên huyết tương mang tên AlbuRAAS cùng những loại thuốc từ huyết tương khác. Nhờ loại thuốc này mà căn bệnh viêm gan B bị đẩy lùi. Ngày nay nhu cầu sử dụng sản phẩm này của Trung Quốc ngày càng nhiều, thậm chí Shanghai RAAS còn không sản xuất kịp để phục vụ cho một tỉnh của Trung Quốc.
Đó là thị trường ở Trung Quốc, còn bên Mỹ thì Hoàng Kiều tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực sản xuất rượu vang. Vào tháng 11.2014, Hoàng Kiều cho khánh thành hãng rượu Michael Mondavi Family và mời Lý Băng Băng làm gương mặt đại diện.
Với những thành công đó, hiện tỷ phú Hoàng Kiều đang nắm giữ khối tài sản khổng lồ hơn 3,8 tỉ USD và đứng thứ 149 trong 400 tỷ phú giàu nhất thế giới.
Tỷ phú Hoàng Kiều chụp ảnh bên Lý Băng Băng, Hoàng Kiều là doanh nhân đầu tiên ấp ủ ước mơ mang cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 về tổ chức tại Việt Nam. |
Được biết, khối tài sản của ông chủ yếu đến từ công ty Shanghai RAAS với doanh thu 214 triệu USD và vốn hóa 17,7 tỷ USD. Không chỉ vậy, công ty này của ông còn được chọn vào danh sách 200 doanh nghiệp doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á và xếp thứ 20 trong danh sách những công ty sáng tạo nhất thế giới.
Không chỉ được đến là một doanh nhân tài giỏi, Hoàng Kiều còn là một nhà từ thiện tích cực. Ông đã từng lập kỷ lục đấu giá 1 triệu USD cho chai rượu vang Auction Napa Valley để làm từ thiện.
Tỉ phú Mỹ gốc Việt này vẫn nhớ tới quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hoàng Kiều thường xuyên về Việt Nam để mang công sức của mình giúp người dân bớt nghèo bớt khổ. Tỉ phú Hoàng Kiều đã từng cùng Hội Chữ thập đỏ xây dựng 5.000 căn nhà cho người nghèo.
Trước khi trở thành tỷ phú USD nhờ vụ IPO Shanghai RAAS vào năm 2014, ông Hoàng Kiều đã nổi tiếng tại Việt Nam. Ông là doanh nhân đầu tiên ấp ủ ước mơ mang cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 về tổ chức tại Việt Nam.
Ông Hoàng Kiều đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua đất đai ở Tiền Giang và dự định thâu tóm cổ phần Công ty Du lịch Tiền Giang. Tuy nhiên, tỷ phú Hoàng Kiều cũng đã nhanh chóng vỡ mộng với cuộc chơi này và bỏ cuộc do triển khai xây dựng hàng loạt các công trình gặp trục trặc và cuộc thi hoa hậu thế giới cũng chưa được cấp phép chuyển từ Nha Trang về Tiền Giang.
Kể từ cuối 2010 đến nay, ông Hoàng Kiều gần như không còn được nhắc đến với các dự án tại Việt Nam. Các hoạt động chính của doanh nhân này sau đó chủ yếu ở Thượng Hải.
Theo Motthegioi.vn