Cơn "khát" chữ của các em nhỏ làng chài

25/09/2012 16:20

Cơn gió chiều thu se lạnh, những cơn mưa ở thượng nguồn sông Lam đổ về làm nước sông đỏ ngầu, cuộn sóng, chúng tôi tìm đến làng chài xã Đặng Sơn – Đô Lương. Người dân nơi đây đang tất bật ngược xuôi người chở cát, giăng câu buông lưới, vớt củi từ thượng nguồn trôi về. Đi dọc bờ sông, bỗng gặp một em nhỏ đang dùng bát chắt từng bát nước từ một cái hố nhỏ vào chiếc can bênh cạnh để dùng cho sinh hoạt. Nước sông mùa này ngầu đục, bà con xóm chài phải đào hố nhỏ dọc mép sông để lấy nước thẩm thấu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Chuyện trò với em, chúng tôi càng nhận thấy những thiệt thòi mà trẻ em làng chài đang gánh chịu.

(Baonghean.vn) - Cơn gió chiều thu se lạnh, những cơn mưa ở thượng nguồn sông Lam đổ về làm nước sông đỏ ngầu, cuộn sóng, chúng tôi tìm đến làng chài xã Đặng Sơn – Đô Lương. Người dân nơi đây đang tất bật ngược xuôi người chở cát, giăng câu buông lưới, vớt củi từ thượng nguồn trôi về. Đi dọc bờ sông, bỗng gặp một em nhỏ đang dùng bát chắt từng bát nước từ một cái hố nhỏ vào chiếc can bênh cạnh để dùng cho sinh hoạt. Nước sông mùa này ngầu đục, bà con xóm chài phải đào hố nhỏ dọc mép sông để lấy nước thẩm thấu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Chuyện trò với em, chúng tôi càng nhận thấy những thiệt thòi mà trẻ em làng chài đang gánh chịu.

Chúng tôi tiến lại gần “giếng” nước. Gặp người lạ, cô bé có vẻ hơi ngại ngần nên chỉ nhoẻn miệng cười thay cho lời chào hỏi. Em tên là Trần Thị An, ở xóm 6 xã Đặng Sơn ( Đô Lương). Năm nay 14 tuổi nhưng trông An khá già dặn với nước da ngăm đen và mái tóc dài xoăn tít. An cho biết: “Đây là nguồn nước dùng để ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Những ngày mưa lũ, nước sông dâng cao người dân làng chài phải vào làng trong xin nước, khi nước rút phải đào giếng như thế này, chỉ cần chắt nước trong vài tiếng đồng hồ cũng dùng được 3, 4 ngày”. Cái “giếng” mà An nói thực ra chỉ là một hố cát nhỏ, mạch nước từ trong lòng đất nhỉ ra từng ít một. “Em học lớp mấy rồi”- tôi hỏi để em bớt đi phần nào sự ngần ngại. Nhưng An vẫn cúi đầu xuống, nhanh tay múc từng bát nước đổ vào can như cố tình tránh cái nhìn của tôi, cuối cùng mới đáp lại, giọng lí nhí: “Em học lớp 7 ạ!”. Tôi hỏi tiếp: “Lớp em cô giáo nào chủ nhiệm? Mấy hôm trước mưa lũ nước sông dâng cao, lớp em có phải nghỉ học không?” Câu hỏi của tôi dường như đã động chạm đến nỗi buồn của cô bé. An vẫn cúi đầu, giọng nói chùng xuống, vẻ ngập ngừng: “Tính đúng ra là em đang học lớp 7 nhưng mà em bỏ học lâu rồi. Em chỉ được học hết lớp 5 thôi. Em muốn đi học lắm nhưng nhà nghèo, không có tiền đóng góp. Em phải ở nhà đi giăng lưới bắt cá cùng với cha mẹ”. Giọng nói nhỏ nhẹ, đượm buồn của em bé làng chài khiến chúng tôi không thể không chạnh lòng.



Trần Thị An lấy nước từ chiếc “giếng” bên mép sông

Rồi An cho biết thêm, trẻ em làng chài luôn mang niềm khao khát được cắp sách đến trường để học cái chữ, để sau này thoát được cảnh sông nước lênh đênh. Bởi toàn bộ xóm chài với hàng chục hộ dân nhưng chỉ có vài em được học lên cấp 2, còn lại phải nghỉ học đỡ đần bố mẹ trong việc mưu sinh hàng ngày. Lớn lên chút nữa, khi đủ tuổi lao động, các em lại vào miền Nam kiếm sống. Vì thế, khát vọng đến trường của các em xóm chài vẫn còn rất đỗi xa xôi. An đưa tay gạt mồ hôi, ánh mắt ngây thơ bắt đầu ngân ngấn nước. Thấy có người lạ đến, mẹ An vừa đi bán cá về liền đến bên cạnh tiếp chuyên với khách. Người phụ nữ trạc tuổi 40, khuôn mặt khắc khổ chia sẻ: “Chúng tôi vất vả nhiều nên quen rồi, chỉ tội các cháu không được đến trường học chữ thì thiệt thòi lắm. Cha mẹ nào chẳng muốn cho con đến trường nhưng tiền không có, mỗi ngày kiếm được vài ba chục nghìn đồng không đủ tiền mua gạo, mua thuốc, lấy đâu ra cho các con theo học”. Nói xong, chị giục An xách nước về để còn đi buông lưới cùng bố. Trước lúc quay đi, mẹ của bé An còn nán lại nói với chúng tôi: “Chị gái nó (tức bé An) sinh năm 1990, giờ đã lấy chồng và sinh được 2 con rồi. Người làng chài không được học hành nhiều nên lấy chồng, lấy vợ sớm lắm”. Lúc này, người chị gái của An bước ra từ mui thuyền dắt theo 2 đứa bé rảo bước theo hướng ngôi làng phía trước mặt...

Rời xóm chài khi ánh chiều đã trải dài xuống dòng sông, những đứa trẻ con xóm chài đang trần mình trên cát, bóng An nhỏ dần rồi mất hút... Có lẽ, với người dân xóm chài việc đói ăn, thiếu mặc không làm họ chạnh lòng bằng việc “đói” chữ, nó trở thành niềm khao khát cháy bỏng của bao thế hệ trẻ em lớn lên trong cảnh “gạo chợ, nước sông”.


NGUYỄN LÊ (Xóm 11, Thái Sơn, Đô Lương)

Mới nhất
x
Cơn "khát" chữ của các em nhỏ làng chài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO