Còn nhiều bất cập
(Baonghean) - Nông dân chiếm hơn 70% lực lượng lao động ở tỉnh ta, nhưng số lao động nông dân được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ thấp. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Bắt đầu từ năm 2011, Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai. Qua ba năm thực hiện đã tạo nghề và cấp chứng chỉ cho 20.645 lao động nông thôn, số lao động có việc làm sau học nghề 14.773 người, đạt 71,6%; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 30% năm 2009 lên 40% năm 2012. Tuy nhiên, quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều bất cập.
Thanh Chương là một trong những huyện triển khai tốt việc dạy nghề cho nông dân và lao động ở các vùng nông thôn. Không chỉ riêng nguồn vốn từ Chương trình 1956, những năm qua huyện cũng đã tranh thủ thêm nhiều kênh khác như thông qua trạm khuyến nông, hội nông dân thông qua các chương trình lồng ghép, đào tạo tại các làng nghề, các doanh nghiệp, cơ sở SXKD... đào tạo được hơn 6000 lao động. Nhiều lớp học nghề đã gắn đào tạo và giải quyết việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Lớp đào tạo nghề làm hương ở xã Thanh Liên là một trong số đó.
Lớp học này được triển khai vào đầu năm 2012 do trung tâm dạy nghề huyện phối hợp với cơ sở hương trầm Liên Đức trong xã đào tạo. Với thời gian học 3 tháng, sau khi học xong 30 thành viên trong lớp đã được nhận vào làm việc ngay tại cơ sở. Mỗi lao động được trả lương từ 2 triệu – 2,5 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Lương, chủ cơ sở cho biết: “Trước đây người làm hương chủ yếu làm theo kiểu truyền thống nên năng suất lao động thấp, chủ yếu theo thời vụ. Nay theo kỹ thuật mới với 80% công đoạn phải làm bằng máy móc nên nếu không qua đào tạo thì không thể làm được”.
Tuy vậy, không phải lớp học nghề nào ở Thanh Chương cũng tạo được việc làm ngay cho người lao động và đa phần người lao động vẫn phải “tự thân vận động” sau khi được cấp chứng chỉ. Điều đó một phần do ngành nghề đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tiễn. Hiện tại mỗi năm Thanh Chương tổ chức được hơn 10 lớp đào tạo nghề cho nông dân nhưng đa phần trong số đó vẫn là các ngành nghề nông nghiệp như chăn nuôi, chữa bệnh gia súc, trồng hoa, mây tre đan… Những nghề này khi học xong học viên rất khó tìm được việc làm.
Ông Đinh Viết Nam - Phó Chủ tịch xã Thanh Liên cho biết: “Hiện nay rất nhiều người dân có nhu cầu được tập huấn, trang bị các kiến thức về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Nhưng do người dân không có nhiều thời gian, lại phụ thuộc nhiều vào thời vụ của từng loại cây trồng nên để tham gia một lớp học kéo dài 3 tháng là rất khó. Vì thế, để tiết kiệm kinh phí (một lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho khoảng 30 người hết khoảng 40 – 50 triệu đồng) và tăng tính hiệu quả thay vì đào tạo kéo dài nên chia nhỏ để nhiều người được tham gia. Hơn nữa, thực tế người nông dân tham gia các lớp học đều đã xấp xỉ 40, họ học là để lấy kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất trồng trọt chứ không cần học dài để lấy chứng chỉ.
Thanh niên huyện Quỳ Châu học nghề may công nghiệp. Ảnh: Ngọc Lan |
Theo ông Nguyễn Xuân Ngân – Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương thì việc đào tạo nghề như hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập: “Đối tượng được ưu tiên và được hỗ trợ trong Đề án 1956 chủ yếu lại là hộ nghèo, người tàn tật, gia đình chính sách, dân tộc thiểu số… nhưng đa phần những người này lại chưa mạnh dạn, không dám đầu tư để phát triển nghề sau khi học nên hiệu quả chưa cao. Trong Đề án 1956 cũng nói đến công tác hỗ trợ vay vốn sau khi đào tạo nghề nhưng hiện nay người dân vẫn chưa tiếp cận được”.
Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại huyện miền núi Tân Kỳ khi mà trong hai năm 2011, 2012 toàn huyện mở được 59 lớp đào tạo nghề nhưng chỉ có 11 lớp dạy nghề phi nông nghiệp, còn lại là dạy những nghề đơn thuần như trồng trọt, chăn nuôi. Vì thế hiệu quả sau đào tạo còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, sau khi học xong, nguồn vốn để hộ nghèo phát triển nghề rất khó bởi các ngân hàng chính sách chỉ ưu tiên vay vốn cho các dự án có khả năng phát triển và thu hồi vốn.
Đội ngũ giáo viên không đáp ứng được yêu cầu cũng là hạn chế trong công tác đào tạo nghề ở huyện Tân Kỳ. Như hiện tại, mặc dù tỉnh đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng trung tâm dạy nghề huyện và mua sắm cơ sở vật chất nhưng hiện tại cả trung tâm chỉ có một giáo viên dạy về nghề điện, cơ khí. Thế nên, để tổ chức một lớp học nghề ngắn hạn liên quan ngành nông nghiệp huyện phải hợp đồng thuê giáo viên ở các huyện khác về. Nhưng vì là làm hợp đồng, các lớp học chủ yếu chỉ tổ chức được vào cuối tuần nên một khóa học mất rất nhiều thời gian, đơn vị chủ quản cũng khó quản lý chất lượng giảng dạy. Dạy những ngành nghề không phù hợp nên không thu hút được người lao động. Chẳng hạn như mới đây huyện Tân Kỳ chủ trương mở lớp đào tạo nghề trồng trọt và chăn nuôi ở xã Tân Long, nhưng vì người dân ở đây chủ yếu là công nhân lâm trường, trồng cây công nghiệp nên họ từ chối, không tham gia lớp học nghề.
Đánh giá về 3 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bà Hồ Thị Châu Loan, Trưởng phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng thẳng thắn đưa ra những tồn tại, đó là: Cơ sở dạy nghề của tỉnh tuy đã mở rộng nhưng năng lực không đồng đều, Quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yếu cầu xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến cuối năm 2012 mới đạt 38%. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa theo kịp với nhu cầu xã hội, chưa đa dạng các loại nghề, kinh phí dạy nghề chủ yếu do nhà nước cấp, các học viên là lao động chính nên nhiều trường hợp đăng ký học nghề nhưng không học hoặc ngại học dài ngày. Chưa xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả để nhân rộng, một số lao động học xong không phát huy được nghề đã học; chưa gắn kết chặt chẽ giữa 3 bên: người dạy, người học và chính quyền địa phương.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn, thiết nghĩ sẽ còn rất nhiều vấn đề cần bàn. Trong đó, bên cạnh vấn đề kinh phí thì những đơn vị chủ quản cũng cần phải điều tra, nghiên cứu để xem nhu cầu thực chất của người nông dân là gì để đào tạo vừa “đúng”, vừa “trúng” tránh lãng phí, chạy theo số lượng. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn, đầu tư đồng bộ mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, trong đó quan tâm đội ngũ giáo viên dạy nghề, rà soát lại hệ thống danh mục nghề đào tạo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, từng vùng miền. Khuyến khích việc đào tạo gắn với cơ sở sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm cho người lao động sau khi được học nghề.
Mỹ Hà