Còn nhiều vướng mắc

25/04/2013 18:16

(Baonghean) - Chủ trương xã hội hóa việc xây dựng, quản lý và vận hành các công trình nước sạch đã có từ nhiều năm. Tuy nhiên, do còn một số vướng mắc nên kết quả thực hiện chưa được như mong đợi.

Nhân Thành nằm cách trung tâm huyện lỵ Yên Thành gần 10km, là xã thuộc vùng chiêm trũng, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, ngoài khó khăn về cuộc sống mưu sinh, họ còn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Về mùa khô hạn, người dân chỉ trông chờ vào nguồn nước tưới từ hệ thống nông giang chảy từ huyện Đô Lương về, nếu nguồn này không mở, cả xã hầu như phải chịu khát. Về mùa mưa, Nhân Thành là cái rốn đựng nước, từ các nơi đổ về mang theo bùn rác gây ngập úng, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt... Thế nhưng, từ khi Nhà máy nước Nhân Thành hoàn thành và đi vào sử dụng cuối năm 2010 với công suất thiết kế 1.500 m3/ngày đêm thì cảnh thiếu nước của người dân đã không còn nữa.

Nhà máy nước Nhân  Thành là công trình nước sạch tập trung được lồng ghép bằng nhiều nguồn vốn khác nhau; tổng chi phí xây dựng là 19,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và VSMT hỗ trợ là 11 tỷ đồng, ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương hỗ trợ 4,7 tỷ đồng, người dân và địa phương đóng góp 4,1 tỷ đồng. Hiện tại, nhà máy đang cung cấp nước cho 1750 hộ với hơn 5.500 người, học sinh 2 trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, trụ sở chính quyền và trạm y tế xã. Bà Bùi Văn Chung, ở xóm 8, xã Nhân Thành cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thường sử dụng nguồn nước từ ao đầm để sinh hoạt. Từ ngày sử dụng nước sạch từ nhà máy, số người mắc bệnh đường ruột và đường hô hấp giảm hẳn”.



Nhà máy nước sạch tại xã Nhân Thành, Yên Thành.

Hiện nay, nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về NS&VSMT chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách Nhà nước, việc huy động đóng góp trong nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Công tác huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư các công trình nước sạch trong những năm qua trên địa bàn tỉnh còn rất ít. Ông Nguyễn Ích Xuân, cán bộ truyền thông, Trung tâm NS&VSMT, cho biết: Mặc dù đã có chủ trương của Nhà nước là xã hội hóa công tác đầu tư, vận hành các công trình nước sạch sinh hoạt tập trung, nhưng trên địa bàn tỉnh ta thực sự chưa thực hiện được nhiều. Đến nay, chưa có một tổ chức, cá nhân nào đầu tư vốn để xây dựng nhà máy nước, mà chỉ là tham gia góp vốn, hoặc người dân tự đầu tư xây dựng các công trình nhỏ lẻ như bể nước mưa, khoan giếng.

Chỉ tính năm 2012, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong tỉnh là hơn 104 tỷ đồng với 17 dự án cấp nước sạch tập trung... Trong đó, nguồn vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 23,7 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách của tỉnh 12 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, quỹ quay vòng của Hội Phụ nữ 24 tỷ đồng và nguồn vốn huy động từ nhân dân là hơn 45 tỷ đồng. Trong 45 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, thì phần lớn là do một bộ phận con em xa quê hỗ trợ cho địa phương mà chưa phải là sự đầu tư lâu dài.

Để huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 2/11/2009 về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, vận hành các công trình nước sạch tập trung. Tuy nhiên, những chính sách này thiếu sức hút, nên các doanh nghiệp, cá nhân chưa đầu tư. Hơn nữa, mâu thuẫn trong cân đối thu chi do mức sử dụng nước thấp, trong khi mức thất thoát cao, phát sinh nhiều nhân công nên áp dụng mô hình doanh nghiệp quản lý đang còn vướng mắc.

Một khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành các công trình nước sạch do chi phí ban đầu lớn, thu hồi vốn chậm, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt. Khi triển khai các công trình nước sạch thường liên quan đến nhiều bên (chính quyền địa phương, chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, người dân…), nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên thì các công trình rất khó hoàn thành. Công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi gặp khó khăn. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về vai trò của nước sạch nên thiếu hợp tác, ủng hộ, hoặc có biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần có chủ trương nhân rộng và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư, quản lý, vận hành các công trình nước sạch hoạt động hiệu quả hơn; đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa, cụ thể là quy định mức hỗ trợ đầu tư và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn nông thôn tỉnh đối với các tổ chức, cá nhân để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước.


Bài, ảnh: Phạm Bằng

Mới nhất
x
Còn nhiều vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO