Kinh tế

Còn quá ít nông sản được xây dựng mã vùng trồng

Nguyễn Hải 20/06/2024 14:42

Xây dựng mã vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp các nông sản làm chủ được thị phần nội địa mà mục tiêu xa hơn là xuất khẩu, đến với thị trường quốc tế...

“Thua trên sân nhà"?

Cũng như nhiều tỉnh trên cả nước, Nghệ An có thế mạnh về nông nghiệp với những sản phẩm thế mạnh từ lĩnh vực trồng trọt đến chăn nuôi và khai thác thủy, hải sản. Từ lâu, Nghệ An là vùng nguyên liệu cây công nghiệp nổi tiếng với cây cà phê ở Phủ Quỳ nói chung; cây chè ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn; cây quế ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, cây cao su ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ; mía ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp; lạc ở các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc; dứa ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu; cam Vinh ở các huyện Quỳ Hợp, Yên Thành.

Thế nhưng, những năm gần đây, do sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nên mặc dù giữ vững quy mô sản xuất nhưng Nghệ An không còn giữ được vị thế của các sản phẩm nông sản chủ lực. Hiện nay, tại các siêu thị và quầy mua bán hoa quả, các nông sản Nghệ An còn ít.

Thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho cam Vinh. Ảnh: Quang An
Một doanh nghiệp thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho cam Vinh. Ảnh: Quang An

Một lãnh đạo công tác lâu năm tại Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Nghệ An Agrimex cho hay: Trước kia, dù nông nghiệp Nghệ An chưa phát triển nhưng các sạp bán hoa quả nổi tiếng ở TP. Vinh và các huyện lúc nào cũng có cam hoặc quýt Quỳ Hợp, bưởi hồng Quang Tiến (TX. Thái Hòa), dưa hấu Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn… Thế nhưng, nay cam Vinh gần như chỉ có vào chính vụ. Vào dịp hè này, nông sản Nghệ An chỉ còn lại ổi Đài Loan, các loại nho hoặc dưa lưới giống ngoại nhập trồng trong các nhà lưới cung cấp cho quầy bán hoa quả sạch hoặc điểm giới thiệu sản phẩm OCOP. Tuy vậy, các sản phẩm trên do thương hiệu yếu, quy mô nhỏ lẻ nên khó quảng bá để nhân rộng.

Trong khi đó, các sản phẩm hoa quả đến từ các tỉnh khác như sầu riêng, bưởi Diễn, bưởi da xanh từ Nam Bộ, quả bơ (Đắk Lắk), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), cam Cao Phong (Hòa Bình), mận Lai Châu và Sơn La, na dai (Lạng Sơn)… và hoa quả chất lượng cao nhập từ Thái Lan, Mỹ, Nhật thì rất nhiều. Vì thế, có thể nói, nông sản Nghệ An đang mất dần thị phần ngay trên "sân nhà".

z5545891305365_c683d2abe62007c97dad5220307cc568.jpg
Do không có mã vùng trồng nên quýt PQ tại vùng Phủ Quỳ nói chung và Nghĩa Đàn nói riêng không có đầu ra và giá quá rẻ, có thời điểm chỉ 1.000 đến 2.000 đồng/kg nên nhiều chủ gia trại không muốn thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Hải

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng: Trong nhiều nguyên nhân thì chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng nhất. Hiện nay, nông sản, nhất là chính vụ chúng ta sản xuất ra nhiều nhưng manh mún. Bên cạnh đó, các đề án, kế hoạch trên lĩnh vực nông nghiệp, nhất là cây ăn quả nhiều nhưng do thiếu nguồn lực và bố trí phân tán nên chưa phát huy hiệu quả, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, giống cây nhanh chóng bị thoái hóa. Tại Nghệ An, cách đây 3 năm, tỉnh có Đề án phát triển các cây, con chủ lực và Đề án phát triển cây ăn quả có múi, nhưng vì nhiều lý do chưa mang lại hiệu quả.

Một chuyên gia ở Chi cục Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An phân tích: Tiêu chuẩn của người tiêu dùng cũng thay đổi, các nông sản phải được nâng cao chất lượng và thương hiệu, nhưng nhiều nông sản đang thoái trào nên không thể cạnh tranh và người tiêu dùng nội buộc phải chuyển sang dùng các nông sản nhập khẩu…

z5545891269334_b6a3266cb90ef8f70173932d2201476e.jpg
Nông dân Quỳ Hợp thất thần khi buộc phải chặt bỏ cam mà họ dày công sức đầu tư nhưng đã bị sâu bệnh, thoái hóa. Ảnh Tư liệu: Báo Nghệ An

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng thừa nhận: Ngoại trừ cây mía, chè, dứa đang giữ được vùng nguyên liệu, còn lại các nông sản là thế mạnh của Nghệ An như lạc sen hay cao su diện tích vùng nguyên liệu đang giảm mạnh. Thực tế trên khiến chúng ta không chỉ mất dần thị trường truyền thống, mà còn khó thâm nhập được vào phân khúc thị trường quốc tế. Đơn cử, trước đây, mỗi năm vào vụ lạc là có hàng chục doanh nghiệp lớn, mỗi ngày mấy container về các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu mua gom lạc để chế biến xuất khẩu đi Trung Quốc, Ấn Độ, thì nay các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn gần như biến mất. Thay vào đó, chỉ còn doanh nghiệp tư nhân thu gom rồi chở lạc ra bán cho đại lý ở Quảng Ninh, Lạng Sơn để chế biến bán sang Trung Quốc.

Xây dựng mã vùng trồng và tem truy xuất

Tại hội thảo tập huấn về kỹ năng, kiến thức truy xuất nguồn gốc cho nông sản khu vực Bắc miền Trung mới tổ chức tại TP. Vinh, TS Trần Mạnh Tuyên - chuyên gia, cố vấn cao cấp về Công nghệ Chống giả Việt Nam chia sẻ một trải nghiệm và cũng là khảo sát trong chuyến công tác ở châu Âu: Do công tác dài ngày nên ông đến siêu thị ở Bỉ tìm mua hoa quả Việt Nam. Điều đáng tiếc là tìm khắp các kệ bày bán các loại cây trái, có sản phẩm đến từ Thái Lan, Campuchia nhưng tuyệt nhiên thời điểm đó không hề có sản phẩm nào hoa quả đến từ Việt Nam. Điều thắc mắc này khiến ông và các cộng sự đã tìm hiểu và được biết, một số sản phẩm hoa quả tươi Việt Nam chưa thể sang châu Âu vì chưa có mã vùng trồng để truy xuất. Thế nên, không loại trừ một số doanh nghiệp nước bạn có mã vùng trồng nên sẵn sàng mua hoa quả Việt Nam về rồi gia công, sau đó dán tem nhãn, mác bạn và đương nhiên giá bán cao hơn gấp nhiều lần.

Xuất phát từ thực tế trên và để tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường lớn, Quốc hội đã ban hành Luật Trồng trọt năm 2018, trong đó Điều 64 quy định về xây dựng mã vùng trồng. Trên cơ sở này, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg của phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Sau 5 năm triển khai, một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La, Lạng Sơn, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang… đã xây dựng được mã vùng trồng cho một số nông sản có thế mạnh, kèm theo đó là ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo AI để dán tem, chip điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản nên đến nay đã vào được thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, châu Mỹ,…

uploaded-quanganbna-2023_11_10-_bna-5-8189.jpeg
Một buổi livestream bán hàng trực tuyến cho cam Đồng Thành, Yên Thành do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và Chi cục Quản lý chất lượng chế biến nông, lâm, thủy sản Nghệ An hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. Ảnh Tư liệu: Báo Nghệ An

Một thách thức mới nhất đối với nông sản Việt Nam từ đầu năm 2024 là Trung Quốc, mặc dù đang là thị trường lớn và khá dễ tính, nhưng nước này đã có thông báo sẽ áp dụng chỉ nhập khẩu những hoa quả tươi có chứng nhận mã vùng trồng từ Việt Nam. Tại nhiều diễn đàn, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác nhận thông tin này và khuyến cáo các địa phương có sản phẩm hoa quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc, cần chủ động hướng dẫn bà con xây dựng hồ sơ xây dựng mã vùng trồng và dán mã truy xuất.

 ra mắt
Khai trương Văn phòng đại diện Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam sẽ cung cấp tem truy xuất cho nông sản do doanh nghiệp, HTX Nghệ An sản xuất. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Công nghệ Chống giả Việt Nam cho biết: Cấp mã vùng trồng và dán tem, chip điện tử cho các nông sản Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và hiện Chính phủ đã công khai một số sản phẩm, mã vùng trồng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Để phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản xuất khẩu, doanh nghiệp và HTX cần làm 2 bước cần và đủ là xây dựng hồ sơ mã truy xuất vùng trồng theo quy hoạch, bố trí vùng, theo dõi các chỉ số về diện tích, giám sát quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và dán tem, chip điện tử để ghi nhận, lưu trữ và quản lý thông tin sản phẩm. Các thông tin này sau khi quét sẽ được chuyển về bộ lưu giữ dữ liệu TrueData; sau đó theo từng công đoạn, cơ quan chức năng truy xuất cũng như khách hàng quét để phân biệt với các sản phẩm tương tự nhưng dán tem, nhãn giả.

Mô hình chăm sóc bảo vệ theo quy trình hữu cơ của ông Bùi Văn Trọng ở xóm Châu Thành, xã Tam Hợp, Quỳ Hợp
Mô hình chăm sóc bảo vệ theo quy trình hữu cơ là hướng đi bền vững nhưng lâu dài thì phải có mã vùng trồng và dán tem truy xuất nguồn gốc thì sản phẩm mới vào siêu thị. Trong ảnh là mô hình cam hữu cơ của anh Bùi Văn Trọng ở xóm Châu Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết: Xây dựng mã vùng trồng chủ yếu phục vụ cho hoa quả xuất khẩu và thực hiện điều kiện, tiêu chí của mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, Nghệ An đã hỗ trợ một số doanh nghiệp, HTX xây dựng hồ sơ qua đó cấp nhãn hiệu, mã QR, chứng nhận sở hữu trí tuệ cho 222 sản phẩm. Nghệ An là một trong địa phương có nhiều sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhưng chủ yếu khai thác thị trường nội địa nên các HTX, hộ dân chưa hào hứng xây dựng mã vùng trồng và truy xuất.

Hiện tại, việc hướng dẫn xây dựng mã truy xuất vùng trồng tại các địa phương được giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, tại Nghệ An do nông dân chưa thấy lợi nên chưa có đơn vị, sản phẩm nào đăng ký xây dựng mã vùng trồng. Các địa phương mới chỉ mô hình, gia trại đăng ký xây dựng vùng sản xuất, chăn nuôi theo chuẩn VietGAP, GlobalGap, mô hình sản xuất hữu cơ…

 Tu Quên
Chuyên gia bán hàng trực tuyến trên mạng TikTok đang tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX nông sản Nghệ An kỹ năng thực hiện livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Hải

Vì vậy, sắp tới, các doanh nghiệp, HTX, chủ mô hình nhà lưới chủ động tìm hiểu xây dựng mã vùng trồng đối với sản phẩm để xuất khẩu, cùng với tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thì cần sự vào cuộc, đồng hành của các doanh nghiệp và nhà khoa học, hướng dẫn cùng nông dân xây dựng mã vùng trồng. Mặt khác, để phát triển bền vững, mở rộng thị trường, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp cũng nên làm quen với đặt mua mã tem, chip điện tử để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc được dễ dàng, chống hàng giả, hàng nhái; đồng thời tăng cường kỹ năng giới thiệu, mua bán hàng trực tuyến hoặc livestream để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, mã vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại và truy xuất nguồn gốc nông sản. Mã vùng trồng đối với cây ăn quả, tối thiểu là 10 ha; đối với rau gia vị thì tùy theo diện tích thực tế của nhà lưới/nhà kính và yêu cầu của nước nhập khẩu. Các cây trồng khác, tuân theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Trong trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu có vùng đệm hoặc các yêu cầu khác về diện tích thì thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Mới nhất

x
Còn quá ít nông sản được xây dựng mã vùng trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO