Con sẽ an toàn khi ở trong tim…

Cách đây ít ngày, khi tiếng trống trường của năm học mới vẫn rộn ràng khắp nơi thì một cánh cổng trường sập xuống cướp đi mạng sống của ba thiên thần.

Và cũng trong những ngày đầu năm học mới, có ba thiên thần mãi mãi ở lại tuổi tiểu học trong một khe suối, sau buổi học.

Lại mới đây, có cánh quạt trần rơi xuống gây tai nạn cho một học sinh lớp 2. Mới đây nhất, tim tôi lại nghẹt đi khi thấy có bức tường đơn sụp đổ và một thiên thần nữa lại ra đi…

Và rồi, sau cây phượng vĩ gây tử vong cho đứa trẻ là hàng loạt cây phượng cổ thụ bị đốn ngã ngay trong mùa hoa rực rỡ, sau cánh cổng trường, bức tường sập đổ hay cánh quạt trần rơi xuống thì những thứ liên quan khác mới được kiểm tra. Kiểm tra có vẻ như rất quyết liệt khi đâu đó đã có sự đã rồi.

Chỉ mạng sống của con trẻ là ra đi, mãi mãi không bao giờ còn nụ cười thiên thần ấy nữa.

Những thiên thần của tôi ơi, hẳn nếu có cõi nào khác mà các con đang ở đó, hẳn nơi đó là những ánh nhìn ngơ ngác. Ngơ ngác khi không hiểu vì sao mình mãi mãi không gặp lại ba mẹ, anh chị, bè bạn,… như mọi ngày. Ngơ ngác khi không thể hiểu rằng, vì sao cuộc sống này lại mong manh thế.

Còn người lớn, sẽ có những người lớn như tôi, cảm thấy tim đau, lòng bất lực. Cảm thấy ngoài kia, sự an toàn cho những đứa trẻ, bằng tuổi con mình, và cả chính con mình ở nơi này, nơi nọ vẫn đang bị ngủ quên mà chẳng ai cần phải để tâm đánh thức?

Có rất nhiều kế hoạch được vạch ra bài bản, 5 năm, 10 năm… nhưng giữ an toàn cho một thế hệ – hẳn là việc quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trồng người, tưởng như là lớn lao nhất thì rất nhiều nơi vẫn luôn đối phó, bị động như thế.

Tôi nhớ tới một cậu bạn cũ. Bạn là kiến trúc sư, chuyên thẩm định chất lượng công trình ở các trường học. Có trường chất lượng tốt, có trường chất lượng rất tệ. Sau mỗi lần công tác ở các trường, phong bì được gửi tự nhiên như lẽ đương nhiên, tất yếu. Bạn tôi về sau bị ám ảnh tới mức dù đã chuyển việc đã rất lâu, nhắc lại quãng thời gian ấy vẫn không khỏi bức xúc. Khi tôi gửi con vào trường mẫu giáo, tiểu học… bạn nói trường làng, trường điểm, hay gì không quan trọng bằng việc đầu tiên bạn phải đi kiểm tra thật kỹ lưỡng tất cả sự an toàn của cơ sở vật chất trong nhà trường.

Một bức tường không thể có mắt, cánh quạt cũng không thể có mắt, cây phượng, cành cây dĩ nhiên cũng không có mắt. Nhưng người lớn có chuyên môn hoặc chỉ cần có sự để tâm thôi cũng đủ để tinh mắt nhận ra đâu là sự an toàn cho con trẻ. Cũng như một cây phượng được kiểm tra cũng không thể bất tình lình gãy cành, trốc gốc. Đừng đòi hỏi học sinh có ý thức ngoan, tránh những bức tường, cái cây vô tri… khi mà hàng trăm, hàng nghìn người lớn mỗi ngày đều ngang qua đó vẫn thờ ơ. Nếu mọi việc – nhất là những việc liên quan đến trẻ con – những thân phận yếu ớt ít có khả năng chống đỡ, bảo vệ chính mình – được làm từ sự để tâm, từ trái tim yêu thương của người lớn thì mọi tai họa không dễ dàng xảy ra đến thế.

Chợt nhớ tới dạo còn là đứa trẻ trong khu tập thể, chúng tôi vẫn thường rất ghét bác Khang. Bác Khang là y sỹ, ấn tượng lớn nhất là bác cầm kim tiêm chọc thẳng vào người khác khiến bọn trẻ con chỉ nhìn nghe bác cao giọng là phát sợ. Bác Khang lại là người vẫn hay để ý bọn trẻ con. Sau giờ tan tầm, những bố mẹ bận lúi húi cơm nước, bác Khang vẫn thường lượn lờ đi bộ khắp khu tập thể. Khi chúng tôi đang nhặng xị đuổi nhau trên đống cát lớn, nghe bác quát lên: “Ai cho chúng mày trèo lên đó? Xuống ngay, lún cát bây giờ”. Lúc đang vui vẻ nhảy lên, nhảy xuống cái xe công nông đang đậu lại nghe bác quát: “Ơ hay cái bọn này, không sợ vấp té dập mặt à?”. Buổi trưa trốn mẹ đi bắt cá lia thia, lại vẫn gặp bác Khang: “Có về ngay không thì bảo, chết đuối trôi ra sông giờ”…

Bác Khang hay quát, hay để ý, đến mức đám trẻ con thấy bác từ xa đã chào và phải ngay lập tức nghĩ xem mình đang làm gì sai không. Dần dần, kể cả khi không có bác Khang, chúng tôi cũng tự mình biết tránh xa những trò chơi nguy hiểm. Cứ thế cho đến tận khi chúng tôi cùng nhau lớn, biết rằng ông “hung thần” kia là thần bảo vệ cho đám trẻ ranh trong khu tập thể, có trái tim dịu dàng vô cùng sau những lời nạt nộ.

Song song với kỹ năng bơi lội, tôi vẫn luôn dạy con mình kỹ năng quan sát. Quan sát không chỉ để con mở rộng hiểu biết non nớt của mình mà quan trọng nhất là có thể tránh hiểm họa nào đó nhỡ xảy ra. Con không bao giờ được tự ý chạy qua đường nơi không có vạch và có đèn báo hiệu dành cho người đi bộ bật lên, không được đứng cạnh bên một bức tường cũ, cánh cổng cũ, hay một cây cổ thụ trong hoặc sau cơn mưa…

“Mẹ ơi, ở đâu con mới được an toàn?” – đó là tên một cuốn sách bán chạy – đủ để thấy người lớn vẫn lo âu về sự an toàn của con trẻ như thế nào, cũng là câu hỏi ngây thơ một đứa trẻ hỏi mẹ. Giá như, vẫn là chuyện của giá như, trước con nít, hết thảy người lớn có thể mang trái tim người mẹ.