Xã hội

Còn sống - còn đi tìm đồng đội

Thành Chung 13/09/2024 15:32

Ở tuổi 71, cựu chiến binh Thái Gia Tiến (ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn) vẫn trăn trở để kết nối thông tin, thực hiện những chuyến đi tìm đồng đội đã hy sinh.

Thanh xuân gắn liền với binh nghiệp

Năm 1972, cậu học sinh 17 tuổi Thái Gia Tiến đã xung phong đăng ký nhập ngũ vào Nam tham gia chống Mỹ cứu nước. Lúc này, ông đang học dở lớp 10 trường cấp 3 huyện Anh Sơn. Biết tin cậu con trai thứ 5 đăng ký nhập ngũ, mẹ ông khá buồn bởi chỉ trước đó chừng 1 tuần, bà vừa nhận được giấy báo tử của người con trai thứ 3 (hy sinh tại chiến trường Quảng Trị vào năm 1968). Cha và chị đã phải động viên mẹ Thái Gia Tiến rất nhiều “đất nước cần, ai cũng như ai đều phải gắng sức... mẹ phải để em nó đi”.

Vào Tiểu đoàn 43B, Tỉnh đội Nghệ An, chiến sĩ Thái Gia Tiến trải qua nhiều đợt huấn luyện và đến đầu năm 1974 tham gia vào Đoàn 2069 đi B, vào chiến trường Tây Nam bộ.

Hàng ngày, cựu chiến binh Thái Gia Tiến vẫn nghiên cứu thông tin để tìm kiếm các phần mộ liệt sĩ. Ảnh Thành Chung
Hàng ngày, cựu chiến binh Thái Gia Tiến vẫn nghiên cứu thông tin để tìm kiếm các phần mộ liệt sĩ. Ảnh: Thành Chung

Ông Thái Gia Tiến kể: “Chúng tôi bắt đầu hành quân từ Nghi Lộc vào Quảng Bình bằng ô tô, rồi theo đường 20 sang Lào, rồi tiếp tục đi bộ hành quân theo đường Tây Trường Sơn... Vào đến Lộ Cái Sắn (Kiên Giang) thì mất hơn 6 tháng. Tại đây, Đoàn 2069 được phân về các đơn vị khác nhau. Tôi và 6 người khác được bổ sung về Đại đội 6 trinh sát, Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 1 U Minh, Quân khu 9. Vừa về đơn vị, chúng tôi đã gần như bước ngay vào trận đánh”.

Trận đánh đầu tiên của chiến sĩ Thái Gia Tiến diễn ra tại Vàm Cái Cao, thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng bây giờ. Đại đội được phân công đánh chiếm đồn chốt đặt ngay ở ngã ba sông Hậu. Mũi tấn công thứ yếu của Thái Gia Tiến có 3 người do đảng viên Nguyễn Đình Hồng (quê xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương) làm mũi trưởng. Hoả lực địch mạnh, mũi tấn công của Thái Gia Tiến không thể tiến lên. Trong trận đánh này, Thái Gia Tiến và 1 đồng đội khác bị thương, riêng Nguyễn Đình Hồng đã hy sinh. Thái Gia Tiến được các đồng đội yểm hộ, du kích hỗ trợ nên đã rút ra được và được đưa về tuyến sau để cứu chữa.

Chiến tranh thật sự tàn khốc. Nhưng sự tàn khốc đó không dập tắt được ngọn lửa yêu nước sục sôi trong tim người lính. Sau 1 tuần điều trị, Thái Gia Tiến tiếp tục trở về đơn vị chiến đấu. Theo bước chân tiến công, chiến sĩ trinh sát Thái Gia Tiến đã cùng đơn vị tham gia thêm 7 trận đánh lớn nhỏ khác ở Trà Vinh, Vĩnh Long... cho đến chiến thắng ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau đó 1 tháng, Thái Gia Tiến và các đồng đội lại tiếp tục tham gia giải phóng các đảo phía Nam Phú Quốc.

Năm 1977, từ hậu cứ ở thành phố Cần Thơ, Thái Gia Tiến được chuyển về an dưỡng tại Đoàn 200, Quân khu 4, đóng tại Quỳ Hợp. Đến năm 1978, được cử đi học ở Trường Quân chính quân khu, rồi được giữ lại làm trợ lý. Đây là khoảng thời gian Thiếu úy Thái Gia Tiến được quay trở lại với trường lớp để được hoàn thành chương trình học văn hoá, học chính trị và quân sự.

Từ năm 1981 đến 1987, ông Thái Gia Tiến được điều về công tác tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 441 làm công tác huấn luyện hạ sĩ, trợ lý tuyên huấn. Đến năm 1987 thì chuyển về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Anh Sơn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đến năm 1999, ông nghỉ hưu ở tuổi 45 với quân hàm thiếu tá.

Nhìn lại thời thanh xuân gắn liền với binh nghiệp của mình, ông Thái Gia Tiến cho rằng: “Tôi vào chiến trường khi tuổi xuân còn phơi phới với nhiều ước vọng. Tôi rời quân ngũ thì đã là một thương binh. Thế nhưng khoảng thời gian đó, với tôi là quãng đời tươi đẹp nhất bởi mình đã sống cống hiến cho đất nước, xứng đáng với trách nhiệm công dân. Thanh xuân của mình không hề uổng phí, nuối tiếc. Niềm hạnh phúc nữa là mình còn sống, được dân yêu, đồng đội quý. Mình may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã vĩnh viễn không về...”.

Đưa đồng đội về quê hương

Hàng tháng, hàng năm, cựu chiến binh Thái Gia Tiến vẫn lặng lẽ thực hiện những chuyến đi tìm kiếm đồng đội đã hy sinh. Ảnh Thành Chung
Hàng tháng, hàng năm, cựu chiến binh Thái Gia Tiến vẫn lặng lẽ thực hiện những chuyến đi tìm kiếm đồng đội đã hy sinh. Ảnh: Thành Chung

Về với cuộc sống đời thường, ông Thái Gia Tiến đã cùng vợ chăn nuôi, buôn bán, xây dựng kinh tế gia đình. Cùng với đó, ông cũng tích cực xây dựng các phong trào ở địa phương khi tham gia làm Thường trực Hội Cựu chiến binh xã Tường Sơn (2000-2011); Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm 12, xã Tường Sơn (2012-2022); Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm 12 (2022 – đến nay); là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Xứ Dừa xã Tường Sơn, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca xã, Trưởng ban Khuyến học và Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ xã...

Trong khoảng thời gian này, ông Thái Gia Tiến đã tích cực thực hiện công tác tìm kiếm đồng đội, đưa các liệt sĩ về với gia đình, quê hương. Ông Thái Gia Tiến kể: Tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc phải tìm kiếm những đồng đội đã mất của mình và vào năm 1991, trong một lần đến nhà gia đình giỗ liệt sĩ Nguyễn Đình Hồng (ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương). Tôi được cháu Hoàng (con trai liệt sĩ) chia sẻ: “Gia đình hiện không có một cái ảnh nào của cha để thờ”. Thấy cháu giống cha như đúc, tôi bèn lấy chiếc máy ảnh mang theo chụp lại ảnh cháu, định bụng đem về nhờ người vẽ truyền thần phác thảo, sửa sang lại để làm ảnh thờ của anh Hồng. Đêm đó, tôi đã mơ thấy anh Hồng về trách “sao chú lại lấy ảnh thằng Hoàng đưa lên bàn thờ?”... Giấc mơ đó đã khiến tôi ám ảnh, day dứt khôn nguôi về những lời hứa, nghĩa tình với đồng đội. Đây chính là động lực khởi đầu để tôi bắt đầu cuộc hành trình đi tìm đồng đội.

Người đồng đội đầu tiên mà ông Thái Gia Tiến đi tìm là liệt sĩ Đinh Viết Thoả (xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn). Liệt sĩ Thoả hy sinh trong trận đánh vào hội đồng xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông Tiến cho hay, sau khi liệt sĩ Thoả hy sinh, ông đã ghi rõ họ tên quê quán mà liệt sĩ trao lại và nhờ anh Tư Kết – Trung đội trưởng du kích đưa liệt sĩ Thoả về chôn cất.

Nhớ lại lời hứa năm xưa, ông Tiến đã từng hứa với liệt sĩ Thỏa “Nếu tao còn sống tao sẽ quay lại tìm”... Năm 1991, bằng nhiều kênh để tìm được anh Tư Kết (lúc này là Bí thư Đảng uỷ xã Lưu Nghiệp Anh). Tiếp đó, ông đã cùng em trai liệt sĩ Thỏa vào Nam thực hiện cất bốc mộ cho liệt sĩ Thoả.

Sau chuyến đi này, bản thân ông Thái Gia Tiến đã gặp gỡ, kết nối được với nhiều đồng đội, bạn chiến đấu năm xưa, nhiều cán bộ chỉ huy người miền Nam. Đây chính là điều kiện thuận lợi để sau này ông Tiến có thể đi tìm được thêm nhiều đồng đội khác đã hy sinh. Nhờ đó, từ năm 1991 đến nay, ông Thái Gia Tiến đã cùng các gia đình liệt sĩ tìm được thêm 14 liệt sĩ đã hy sinh trên các chiến trường. Gần nhất, vào năm 2023, ông Tiến đã cùng gia đình đưa liệt sĩ Lê Văn Khang (xã Thái Sơn, huyện Đô Lương) về từ Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long...

Đã có nhiều liệt sĩ được ông Thái Gia Tiến và gia đình tìm kiếm và cất bốc, quy tập về. Ảnh Thành Chung
Đã có nhiều liệt sĩ được ông Thái Gia Tiến và gia đình tìm kiếm và cất bốc, quy tập về. Ảnh: Thành Chung

Được biết, để thuận lợi hơn trong công tác tìm kiếm, quy tập liệt sĩ, bản thân ông Tiến và các cựu chiến binh đã tự thành lập một tiểu ban liên lạc cựu chiến binh Nghệ An để cùng lo công tác nghĩa tình đồng đội này; tích cực tuyên truyền, kết nối với các gia đình liệt sĩ với Chương trình giám định gen cho liệt sĩ của Nhà nước.

Ông Thái Gia Tiến chia sẻ: Hiện nay, liệt sĩ Nguyễn Đình Hồng vẫn chưa thể đưa về bởi Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng hiện có 2 ngôi mộ liệt sĩ ghi tên Hồng (không ghi họ, ngày sinh, quê quán). Hiện gia đình vẫn đang còn chờ kết quả giám định để quy tập.

Ông Thái Gia Tiến bày tỏ trăn trở: Hiện nay, vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa được tìm thấy, chưa được trả lại tên tuổi. Đây là nỗi buồn lớn. Tôi còn sống ngày nào sẽ tiếp tục đi tìm đồng đội của mình!...

Ông Thái Gia Tiến là đảng viên 46 năm tuổi Đảng; là một cán bộ xóm hết sức tâm huyết, trách nhiệm với công tác thôn xóm, phong trào, được các cấp nhiều lần khen thưởng và nhân dân tin yêu, quý mến. Là một cựu chiến binh, ông Thái Gia Tiến rất tích cực tham gia công tác nghĩa tình đồng đội, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Hàng tháng, hàng năm, ông Tiến vẫn tự bỏ tiền nhà để tự thực hiện những chuyến đi tìm kiếm như vậy. Nhân dân xã rất cảm phục trước việc làm của ông.

Ông Nguyễn Tài Quý – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tường Sơn

Mới nhất
x
Còn sống - còn đi tìm đồng đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO