Công an Nghệ An và hành trình phá án ‘chạy’ thương binh hơn 1.000 người sập bẫy

Đức Chuyên - Tiến Hùng 20/03/2018 09:45

(Baonghean.vn) -Từ nguồn tin tố giác, sau hơn 2 năm vào cuộc điều tra, thu thập chứng cứ, đồng thời truy lùng nghi can, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt được 2 kẻ cầm đầu trong đường dây ‘chạy’ thương binh liên tỉnh với hơn 1.000 người sập bẫy.

Truy bắt kẻ cầm đầu

Tháng 2/2016, Công an tỉnh Nghệ An nhận được phiếu chuyển đơn từ Cơ quan điều tra hình sự (Quân khu 4), về việc tố giác vợ chồng bà Tạ Thị Vân (sinh 1962, trú phường Hưng Bình, TP Vinh), có hành vi chiếm đoạt tài sản trong việc nhận hồ sơ “chạy” chế độ thương binh, chất độc màu da cam. Số tiền mà người dân tố cáo vợ chồng này chiếm đoạt lên đến hơn 4 tỷ đồng.

Đơn tố cáo đường dây chạy thương binh giả gửi đến các cơ quan chức năng -Ảnh: P.V
Đơn tố cáo đường dây 'chạy' thương binh giả gửi đến các cơ quan chức năng Ảnh: P.V

Vào cuộc điều tra, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra PC 44 Công an tỉnh Nghệ An nhận định đây là đường dây “chạy” thương binh liên tỉnh, có quy mô lớn, kéo dài suốt nhiều năm, nên tập trung lực lượng phá án. Sau thời gian dài thu thập chứng cứ, ngày 15/8/2016, PC 44 quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tạ Thị Vân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Vân bị cáo buộc cầm đầu đường dây “chạy” thương binh này. Tuy nhiên, lúc này Vân cùng với “cánh tay phải” của mình là Hồ Thanh Tùng đã kịp “cao chạy xa bay”.

Bản ảnh truy nã đối tượng Tạ Thị Vân -Ảnh: P.V
Bản ảnh nhận diện đối tượng truy nã Tạ Thị Vân -Ảnh: P.V

Theo điều tra viên Phan Thanh Hải, sau khi bị các “chân rết” và nạn nhân trong đường dây liên tục gây sức ép đòi tiền, từ cuối năm 2014, Tùng đã lặng lẽ rời khỏi địa phương. Đến tháng 8/2015, Vân cũng thuận tình ly hôn với chồng, sau đó nhanh chóng tẩu tán tài sản rồi bỏ trốn khỏi địa phương. 10 ngày sau khi khởi tố, Công an Nghệ An ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Tạ Thị Vân. Gần hai tháng sau, ngày 20/10/2016, Vân bị các trinh sát bắt giữ khi đang lẩn trốn ở Hà Nội.

“Suốt 2 tháng truy lùng, các trinh sát gặp không ít khó khăn”, Đại úy Phan Thanh Hải kể. Biết mình bị truy nã gắt gao, Vân không chỉ thường xuyên thay đổi số điện thoại liên lạc, mà còn không dùng một điện thoại cố định. Ngoài ra, sau khi bỏ trốn, người đàn bà này không tìm đến những người thân, họ hàng mà tự thuê nhà nghỉ, thay đổi chỗ ở liên tục từ Quảng Ninh đến Hà Nội. Trong khi đó, theo Đại úy Hải, gia đình của Vân không chịu hợp tác với cơ quan điều tra mặc dù các điều tra viên nhiều lần vận động đầu thú, cũng như cung cấp thông tin.

Cất gọn mẻ lưới

Sau khi bắt được Tạ Thị Vân, từ lời khai của kẻ cầm đầu, PC 44 tiếp tục khởi tố và ra quyết định truy nã đối với Hồ Thanh Tùng. “Lúc này thông tin về Tùng rất ít vì cả hai vợ chồng đối tượng này đều bỏ trốn từ cuối năm 2014. Những người thân còn lại cũng không mấy hợp tác”, Đại úy Hải nói và cho hay, anh không nhớ đã bao nhiêu lần phải “vào Nam ra Bắc” để truy lùng 2 kẻ cầm đầu đường dây “chạy” thương binh này.

Lệnh truy nã Hồ Thanh Tùng -Ảnh: P.V
Lệnh truy nã Hồ Thanh Tùng Ảnh: P.V

Hồ Thanh Tùng trước đây từng là thủ kho của Cửa hàng lương thực Đại Đồng (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Năm 1995, ông ta bị truy tố về tội Tham ô. Sau nhiều tháng truy lùng ở các tỉnh miền Nam nhưng vẫn không lần ra dấu vết, trong khi đó lực lượng cảnh sát truy nã cũng không hề có thông tin gì, một kế hoạch vây bắt được các điều tra viên của PC 44 vạch ra. “Ông Tùng vốn là thương binh, được hưởng chế độ chính sách hàng tháng. Đến giữa năm 2017, chúng tôi nắm được số tiền trợ cấp của ông này vẫn được chi trả đều đặn. Người nhận là em trai ông Tùng”, Đại úy Phan Thanh Hải kể.

Lúc này, cơ quan điều tra đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) tạm ngừng chi trả chế độ cho trường hợp Hồ Thanh Tùng. “Lúc đó, chúng tôi nhận định sau một thời gian không được chi trả chế độ thông qua người em trai, ông Tùng sẽ tự về quê để nhận tiền. Ngoài ra, bố mẹ ông này cũng đã rất lớn tuổi, thường xuyên đau yếu, nên khả năng ông này bí mật về quê là rất cao”, vị điều tra viên nói và cho hay, thực hiện kế hoạch này, nhiều trinh sát bí mật được cài cắm.

Hồ Thanh Tùng tại cơ quan điều tra Công an Nghệ An  Ảnh: P.V
Hồ Thanh Tùng tại cơ quan điều tra Ảnh: P.V

Đúng như dự đoán của các điều tra viên, trung tuần tháng 3/2018, Hồ Thanh Tùng bí mật về quê. Tuy nhiên, ông ta bị bắt giữ khi đang trên đường đến nhận tiền chế độ chính sách dành cho người có công. Tại công an, ông Tùng khai, trong thời gian lẩn trốn, ông làm thuê ở Vũng Tàu và liên tục thay đổi địa điểm. Để tránh bị bắt, ông ta cũng rất ít khi liên lạc với người thân và cũng không tìm đến ở nhờ nhà họ hàng. Nhưng rốt cuộc, với sự mưu trí của các trinh sát, Hồ Thanh Tùng đã sa lưới pháp luật.

Hiện nay, vụ án đang được mở rộng điều tra, cơ quan điều tra thông báo ai là nạn nhân trong đường dây chạy thương binh này thì liên hệ theo địa chỉ Văn phòng cảnh sát điều tra (PC 44, Công an tỉnh Nghệ An), Đại lộ Lê nin - xã Nghi Phú - TP Vinh - Nghệ An. Hoặc liên hệ theo số điện thoại 0932.345.256 gặp Đại úy Phan Thanh Hải - điều tra viên của vụ án.


Mới nhất

x
Công an Nghệ An và hành trình phá án ‘chạy’ thương binh hơn 1.000 người sập bẫy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO