Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025 hạn chế việc 'khoanh bừa' và 'đoán mò'

Mỹ Hà 20/02/2024 09:55

(Baonghean.vn) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi về số môn thi, nội dung đề thi. Chính vì thế, việc Bộ Giáo dục-Đào tạo sớm công bố đề thi minh họa các môn thi sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà trường tổ chức dạy học và ôn thi phù hợp.

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 4 môn thi, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn sẽ được lựa chọn trong 9 môn gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Trong các môn thi này, môn Ngữ văn sẽ được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy, các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy.

Xung quanh đề thi minh họa theo phương án thi mới năm 2025, nhiều giáo viên ở Nghệ An bày tỏ sự đồng tình.

Cô giáo Trần Thị Thủy – giáo viên Toán - Trường THPT Nam Đàn 2: Không dễ lấy điểm tối đa môn Toán

Sau khi có đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên trường chúng tôi đã kịp thời nắm bắt, nghiên cứu và nhận thấy với môn Toán đề thi minh họa của chương trình mới có nhiều sự thay đổi so với chương trình cũ.

bna-co-giao-tran-thi-thuy-1172.jpg
Cô giáo Trần Thị Thủy. Ảnh: Mỹ Hà

Điểm nổi trội là trong đề minh họa có 3 dạng thức câu hỏi thay vì chỉ 1 dạng câu hỏi như trước đây. Với dạng 1, dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn tôi thấy khá giống như các đề của chương trình cũ. Điểm mới là ở dạng phương thức câu hỏi trắc nghiệm thứ 2 và thứ 3. Ở dạng 2, dạng trắc nghiệm đúng sai, tôi cho rằng để làm tốt thì học sinh cần phải có năng lực, kiến thức cơ bản và kỹ năng cần thiết mới lấy được điểm tối đa. Vì vậy hạn chế được học sinh học mẹo và đoán mò.

bna-gio-hoc-toan-cua-hoc-sinh-truong-thpt-nam-dan-2-8663.jpg
Giờ học Toán của học sinh Trường THPT Nam Đàn 2. Ảnh: Mỹ Hà

Với dạng 3, dạng thức câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn là dạng câu hỏi tự luận. Đối với dạng thức này học sinh phải có năng lực và kiến thức chắc chắn mới trả lời được các vấn đề. Ở phần này dù không đánh giá được khả năng trình bày của học sinh trong bài làm nhưng nó giúp học sinh không khoanh bừa đáp án, không đoán mò với các bài tập vận dụng cao. Đây cũng là điểm mới ở phần thi này.

Nhìn tổng quát đề thi minh họa của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có tính phân loại, đánh giá được năng lực, mức độ tư duy của từng học sinh. Với đề thi này có thể dùng điểm thi tốt nghiệp để các trường đại học làm cơ sở nhận xét, đánh giá tuyển sinh cho các học sinh vào các trường đại học. Hiện nay, để tiếp cận đề này thì tổ chuyên môn và tổ Toán của trường chúng tôi đã tiến hành họp bàn, phân tích, đánh giá và phân công cho các thầy cô trong tổ tiếp cận và ra đề. Dự kiến chúng tôi sẽ áp dụng trong định hướng kỳ thi đánh giá giữa kỳ và cuối học kỳ II sắp tới. Bên cạnh đó, trong các giờ học chúng tôi cũng đan xen câu hỏi để tiếp cận theo hướng ra mới của đề.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến – giáo viên Vật lý - Trường THPT Đô Lương 1: Đề thi tiếp cận xu hướng chung của các nước trên thế giới

bna-thay-giao-nguyen-van-tien-truong-thpt-do-luong-1-4638-6695.jpg
Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến - Trường THPT Đô Lương 1. Ảnh: Mỹ Hà

Đề thi minh hoạ tốt nghiệp 2025 theo nhìn nhận của tôi thì đều đã tiếp cận được với xu hướng chung của đề thi các nước tiên tiến trên thế giới, và phản ánh đúng tinh thần, mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Với riêng môn Vật lý, đề thi đã được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, tư duy, chủ yếu tập trung vào kiểm tra khả năng vận dụng vào thực tiễn của học sinh. Đề thi gồm có 3 phần:

Phần 1: gồm 18 câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn quen thuộc mà các em đã va chạm và luyện tập nhiều trong quá trình học và kiểm tra đánh giá tại trường.

Phần 2: gồm 4 câu hỏi đúng sai. Mỗi câu sẽ có 4 ý và mỗi ý phải chọn đúng hoặc sai. Cách thức này sẽ đánh giá được nhiều mức độ khác nhau của học sinh đòi hỏi các em phải có kiến thức toàn diện, năng lực xác định mới làm tốt được.

Phần 3: gồm 4 câu hỏi dạng trả lời ngắn được xây dựng gần như giống tự luận, học sinh không được cho sẵn các lựa chọn hay phương án trả lời mà phải tự suy nghĩ và đưa ra câu trả lời kết quả cuối cùng.

bna-gio-hoc-vat-ly-cua-hoc-sinh-truong-thpt-do-luong-1-2421.jpg
Giờ học Vật lý của học sinh Trường THPT Đô Lương 1. Ảnh: Mỹ Hà

Cả 2 loại hình câu hỏi phần 2 và 3 này sẽ tránh được tình trạng "khoanh bừa" và "mẹo" giúp phát huy cao độ năng lực tư duy và vận dụng của học sinh. Phát triển năng lực tư duy và vận dụng thực tiễn cũng là mục tiêu đúng đắn và lâu dài của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Sau khi có đề thi minh họa, ở Trường THPT Đô Lương 1, việc tiếp cận đã bước đầu được thực hiện ở đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường khối 11 đối với môn Vật lý. Theo nhận định của cá nhân tôi, để làm được đề thi tốt nghiệp theo chương trình mới, học sinh cần học thực chất hơn và bám sát vào chương trình giáo dục của Bộ và sự chỉ dẫn của giáo viên để hoàn thành tốt bài thi của mình.

Thầy giáo Nguyễn Minh Chiến – giáo viên Địa lý - Trường THPT Kim Liên: Đề thi Địa lý có nhiều điểm mới và lạ

So với đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí hiện nay, đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ 2025 có một số điểm mới. Cụ thể, về số lượng câu hỏi gồm 28 câu với 40 lệnh hỏi với thời gian làm bài vẫn là 50 phút.

bna-thay-giao-nguyen-minh-chien-truong-thpt-kim-lien-3995-797.jpg
Thầy giáo Nguyễn Minh Chiến - Trường THPT Kim Liên. Ảnh: Mỹ Hà

Về dạng thức câu hỏi và cách tính điểm cũng có nhiều thay đổi. Về dạng thức câu hỏi, ở dạng thức 1 - Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, (dạng thức này đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam). Trong đó, riêng môn Địa lí đã thi dạng này từ năm 2016. Trong đề thi minh họa phần I- trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn có 18 câu, điểm số 4,5/10 điểm.

Ở dạng thức 2 - Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời Đúng/Sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng “mẹo” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay. Trong đề thi phần II - trắc nghiệm đúng sai có 16 câu, mỗi câu có 4 ý, với điểm số 4,0/10 điểm.

Ở dạng thức 3 - Câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng “mẹo” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Trong đề thi Phần III- trắc nghiệm yêu cầu trả lời ngắn gồm 6 câu với 1,5/10 điểm.

bna-gio-hoc-cua-thay-giao-nguyen-minh-chien-va-cac-hoc-tro-6109.jpg
Giờ học của thầy giáo Nguyễn Minh Chiến và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Về cấp độ tư duy, theo nhận định của tôi cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện năng lực - cấp độ tư duy như sau: Với 21 câu hỏi có nội dung nhận thức Địa lí chiếm tỉ lệ 52,50%, 10 câu hỏi tìm hiểu Địa lí chiếm tỉ lệ 25%, có 9 câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, chiếm tỉ lệ 22,50%.

Một số câu hỏi trong đề minh họa môn Địa lí đã gắn liền với đời sống sản xuất, thực tiễn của tự nhiên. Tập trung vào phân hóa đánh giá, phân loại năng lực thí sinh.

Điểm mới và lạ trong đề thi là không có câu hỏi kỹ năng Atlát Địa lí và kỹ năng biểu đồ của thí sinh. Đây là những kỹ năng rất cần thiết của môn Địa lí.

Qua thực tế dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông mới, bản thân thấy phù hợp và đồng tình với việc thiết kế đề thi môn Địa lí theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.

Thời gian tới, các bộ môn cần tập huấn cách ra đề, tạo ngân hàng đề phong phú để giáo viên tham khảo hoặc sử dụng. Các trường THPT cần khẩn trương áp dụng dạng đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào kiểm tra định kỳ, khảo sát chất lượng để học sinh làm quen với cấu trúc đề, dạng câu hỏi mới này. Đổi mới phương pháp dạy học phải đi trước đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ mang lại chất lượng và kết quả cao. /.

Mới nhất

x
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025 hạn chế việc 'khoanh bừa' và 'đoán mò'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO