Công điện khẩn về khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và chủ động ứng phó mưa lũ

PV 21/07/2018 10:20

(Baonghean.vn) - Hồi 10h ngày hôm nay (21/7), Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có công điện khẩn số 12/CĐ.UBND về khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và chủ động ứng phó mưa lũ.

Nội dung công điện như sau:

Do ảnh hưởng của đợt Áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là cơn bão số 3, từ ngày 13/7 ngày 19/7/2018, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa rất to, lượng mưa đo được phổ biến từ 300 - 600mm, gây ngập úng, lũ quét, lũ lụt trên lưu vực sông Cả và nhiều địa bàn. Trong những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt trên diện rộng.

Thực hiện nghiêm Công điện số số 931/CĐ-TTg ngày 20/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, để tập trung khắc phục nhanh hậu quả và chủ động ứng phó với bão và mưa lũ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố, thị xã, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Giám đốc các Công ty Thủy lợi, Điện lực; Thủy điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Tiếp tục chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua; triển khai các phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn trong thời gian tới.

- Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, gia đình chính sách, neo đơn. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị mất nhà cửa hoặc phải di dời. Tổ chức hỗ trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men cho nhân dân các vùng còn bị chia cắt, không để người dân bị đói.

Ngày 19/7, do nước lũ dâng cao, một căn nhà bếp của người dân ở bản Hợp Thành, xã Xá Lượng, huyện Kỳ Sơn bị sạt lở phải di dời khẩn cấp. Ảnh tư liệu

- Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ trên địa bàn để giúp dân khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà cửa, cây cối; nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây trồng, bố trí các loại giống phù hợp để gieo trồng lại những diện tích đã bị mất.

- Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn Giao thông tại những khu vực bị sạt lở, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu... để đảm bảo an toàn; không để người dân đi vớt củi, đánh bắt cá trên sông khi đang có lũ, bất cẩn để xảy ra tai nạn đáng tiếc.

- Phát động toàn dân, các tổ chức đoàn thể các cấp cùng tham gia dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường, khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan.

- Sửa chữa các công trình bị hư hỏng như: công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác để sớm ổn định đời sống cho nhân dân.

- Triển khai đánh giá, thống kê thiệt hại để chủ động hỗ trợ và khắc phục hậu quả và báo cáo với các cơ quan có liên quan theo quy định.

2. Các Thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh theo nhiệm vụ được phân công, tiếp tục đi xuống các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

Trong khi đó, các nhà máy thủy điện tiếp tục xả lũ càng khiến mực nước dâng cao hơn. Ảnh: Đào Thọ
Nhà máy thủy điện bản Ang xả lũ ngày 19/7/2018. Ảnh: Đào Thọ

3. Các Công ty Thủy điện, Thủy lợi: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi và liên hồ chứa thủy điện đảm bảo quy trình và an toàn cho hạ du và an toàn công trình; Tập trung vận hành tối đa công suất các trạm bơm, các cống để tiêu úng nhanh nhất.

4. Các sở: Nông nghiệp và PTNT, Giao thông Vận tải, Công Thương, Điện lực Nghệ An, Y tế và các Sở, Ban, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình, tập trung chỉ đạo đảm bảo giao thông; đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt; chỉ đạo bơm tiêu úng kịp thời, khôi phục sản xuất nông nghiệp; phòng chống dịch bệnh cho các vùng bị thiệt hại.

5. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh tiếp tục duy trì lực lượng sẵn sàng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, tổ chức cứu trợ khi có yêu cầu.

6. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ theo dõi sát tình hình thời tiết, mưa lũ sau bão, thông tin kịp thời để nhân dân biết và phòng tránh.

7. Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các phương tiện thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền về khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

8. Thường trực 24/24h, thường xuyên báo cáo kết quả khắc phục thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra về UBND tỉnh qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh biết để kịp thời xử lý./.

Công điện khẩn về khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và chủ động ứng phó mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO