Công điện khẩn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật

30/03/2017 17:42

(Baonghean) - Trước tình hình bệnh Dại diễn biến phức tạp như hiện nay, để tăng cường công tác phòng chống bệnh Dại, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, ngày 29/3/2017, UBND tỉnh có công điện khẩn số 05/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật. Nội dung công điện nêu rõ:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị:

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường phối hợp với chính quyền cấp xã thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống bệnh Dại trên địa bàn theo hướng dẫn tại phụ lục 15, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan Thú y và Y tế của địa phương trong phòng, chống bệnh Dại tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Nông nghiêp và PTNT.

Vi rút bệnh Dại. Ảnh minh họa
Vi rút bệnh Dại. Ảnh minh họa

- Các huyện, thành, thị có khu du lịch: Khuyến khích xây dựng vùng an toàn bệnh Dại để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, thu hút du khách tới du lịch, tham quan.

- Chỉ đạo Đài Phát thanh - Truyền hình huyện, hệ thống loa phóng thanh xã: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết chó nghi mắc bệnh Dại và các biện pháp phòng, chống. Đặc biệt tuyên truyền nhân dân giám sát, phát hiện và báo cáo chính quyền, cơ quan Thú y các trường họp chó, mèo, động vật khác nghi mắc bệnh Dại để xử lý; hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho người, ngăn ngừa tử vong do chó dại cắn, tuyệt đối không sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh Dại khi bị chó dại cắn.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức, triển khai, thực hiện nghiêm các giải pháp sau:

+ Tiến hành rà soát số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn; lập sổ quản lý chó nuôi, ghi chép đầy đủ, cụ thể từng hộ nuôi chó của từng thôn, xóm, bản; số lượng chó nuôi; ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc-xin dại. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo đạt 100% trong diện phải tiêm (mỗi năm mỗi con chó, chỉ tiêm phòng 01 mũi vắc-xin phòng bệnh dại).

+ Quy định cụ thể việc bắt, xử lý chó thả rông nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; có chế tài xử phạt đối với chủ vật nuôi không chấp hành các quy định của Luật Thú y.

+ Thành lập các tổ, đội chuyên trách để bắt, xử lý chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

+ Tăng cường giám sát, phát hiện sớm động vật bị mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại, báo cáo kịp thời với cơ quan chuyên môn để xử lý. Nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác phòng, chống bệnh Dại cho cán bộ thú y, y tế, tổ, đội bắt chó: Kỹ năng quản lý đàn chó; điều tra, giám sát bệnh; kỹ năng tuyên truyền; kỹ năng truyền thông; kỹ thuật xử lý các vết thương do động vật cào, cắn; kỹ năng bắt chó...

- Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu hình thức phê bình trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu có người chết vì bệnh Dại trên địa bàn do tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo không đạt yêu cầu theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT:

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các Sờ, Ban, Ngành chức năng, UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán chó, mèo theo quy định; ngăn chặn triệt để việc nhập lậu chó, mèo qua biên giới và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cung ứng đầy đủ vắc xin dại cho các địa phương đê tiêm phòng. Tập trung chi đạo tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo đợt 1 năm 2017 đạt tỷ lệ trên 70% tổng đàn, định kỳ tiêm phòng bổ sung cho đàn chó chưa được tiêm phòng trong vụ chính; giám sát, báo cáo kịp thời khi có chó, mèo bị bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại.

3. Sở Y tế: Đảm bảo đầy đủ số lượng vắc xin, kháng huyết thanh, thuốc phòng bệnh Dại để tiêm phòng kịp thời cho người nghi bị chó, mèo Dại cắn. Kiện toàn và mở rộng số lượng các điểm tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại phục vụ công tác điêu trị dự phòng, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là khu vực có nguy cơ cao. Phối hợp với ngành Thú y điều tra dịch tễ bệnh Dại trên đàn vật nuôi tại các địa bàn có liên quan với bệnh nhân. Xử phạt, cấm hành nghề chữa bệnh đối với những cá nhân dùng thuốc Nam chữa bệnh dại cho người khi bị chó dại cắn.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT và TH tỉnh, Báo Nghệ An: Phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ngành, đoàn thể liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh Dại, các biện pháp phòng, chống, đặc biệt ở vùng nông thôn miền núi, vùng có nguy cơ cao vê bệnh Dại.

5. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế chủ động bố trí nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh Dại trên động vật và trên người: công tác thông tin, tuyên truyền; đào tạo kỹ thuật; quản lý đàn chó; giám sát dịch bệnh; tổ chức tiêm phòng; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh...

6. Công an tỉnh: Chỉ đạo Công an các huyện hỗ trợ cơ quan Thú y và các ngành có liên quan tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại để đảm bảo an toàn cho nhân viên thực hiện nhiệm vụ và an ninh trật tự tại địa phương.

7. Các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao phối họp với ngành Nông nghiệp và PTNT, Y tế, chính quyền các cấp để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dại đạt hiệu quả cao. Đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyên công tác phòng, chông bệnh Dại tới cán bộ công nhân viên của cơ quan đơn vị về việc chấp hành các quy định pháp luật khi nuôi chó, mèo và tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình và cộng đồng.

8. Đối với chủ vật nuôi:

- Chấp hành kế hoạch tiêm phòng bệnh Dại định kỳ, tiêm bổ sung của cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Chủ vật nuôi phải lưu giữ giấy chứng nhận tiêm phòng và xuất trình giấy chứng nhận khi có yêu cầu của cơ quan kiểm tra.

- Phải thường xuyên xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Phải đăng ký việc nuôi chó với UBND câp xã; khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm và có người dắt.

- Khi phát hiện vật nuôi có các biểu hiện khác thường như: bỗng nhiên trở nên hung dữ, cào cấu, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, hàm trễ, tru lên từng hồi, cắn người hay động vật khác thì chủ vật nuôi phải cách ly và báo ngay với chính quyền địa phương hoặc Cơ quan Thú y gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Chủ nuôi chó, mèo không chấp hành các quy định của Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng, tiêu hủy chó và phải bồi thường vật chất cho người bị hại nếu để chó, mèo cắn, cào người theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ngành khẩn trương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, trình UBND tỉnh giải quyết kịp thời./.

UBND tỉnh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Công điện khẩn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO