Công điện về ứng phó áp thấp và mưa lớn ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An tối ngày 29/7/2020 có công điện số 02/CĐ-BCH PCTT&TKCN về việc ứng phó với áp thấp và mưa lớn.
Nội dung công điện nêu rõ, theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, một vùng áp thấp đang hoạt động ở khu vực miền Trung Philippines.
Mưa lũ hoành hành ở Kỳ Sơn vào tháng 8/2018. Ảnh tư liệu Duy Khánh |
Dự báo trong 24h tới, vùng áp thấp di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ngoài ra, theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đầu tháng 8/2020 có khả năng xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Để chủ động đối phó với diễn biễn của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ và mưa lớn diện rộng, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị Chủ tịch, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các Sở: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Du Lịch, Thông tin và Truyền Thông; Giám đốc các công ty Thủy lợi, Thủy điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quantriển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm túc các nội dung công điện số 05/CĐ-TW ngày 29/7/2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và công văn số 84/CV.PCTT-VP ngày 29/7/2020 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An về việc ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất.
2. Đối với tuyến biển: Thường xuyên cập nhật thông tin của áp thấp, theo dõi chặt chẽ số lượng tàu thuyền, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh.
3. Các huyện đồng bằng và miền núi: Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh; tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối, đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, Đài Thông tin duyên hải Bến Thủy và các phương tiện thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của áp thấp và mưa lớn để các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.
5. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.