Công đoàn Nghệ An đồng hành, chăm lo Tết cho người lao động

Minh Quân 11/01/2024 15:21

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh các doanh nghiệp ở Nghệ An vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, các cấp công đoàn ở Nghệ An đã tích cực vào cuộc để đồng hành cùng công nhân, lao động, đặc biệt khi mà Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần. 

Nhiều lao động thất nghiệp, giảm sút thu nhập

Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An để làm thủ tục đăng kí bảo hiểm thất nghiệp, anh Võ Duy Cường trú ở xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) cho biết, anh nguyên là công nhân một công ty sản xuất bao bì trên địa bàn huyện Nghi Lộc.

Mấy năm gần đây, do kinh tế khó khăn nên công ty phải thực hiện phương án giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Do thu nhập giảm mạnh nên anh Cường quyết định chấm dứt hợp đồng lao động ngay trong những ngày cuối năm 2023 và cũng đã đi tìm việc làm mới ở một số doanh nghiệp nhưng vẫn chưa tìm thấy chỗ phù hợp.

Những năm gần đây, con số lao động đến Trung tâm làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh. Như năm 2023, toàn tỉnh có 23.149 người nộp hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, tăng 12,68% so với năm 2022 (20.543 người).

Ông Lê Hải Dương – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An

bna-dang-ky-bao-hiem-that-nghiep-tai-ttdvvl-7477.jpg
Lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Phần lớn lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là lao động phổ thông, từng làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử… Trong bối cảnh phải chịu áp lực chi phí sản xuất do giá xăng dầu biến động, thiếu đơn hàng do tình hình châu Âu bất ổn..., các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, dẫn đến nhiều lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp. Đáng chú ý, trong số này, lao động làm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 10.910 người, tăng 37,9% so với năm 2022 (7.910 người).

Bên cạnh những lao động lâm vào cảnh thất nghiệp, một số lao động dù vẫn giữ được việc làm nhưng thu nhập sụt giảm đáng kể. Chị Lê Thị Bình trú ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) – công nhân của một công ty may xuất khẩu ở Khu công nghiệp Bắc Vinh cho biết, chị bị sụt giảm thu nhập do từ tháng 10/2023 đến nay, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân chỉ làm việc 4 ngày/tuần. “Việc ít, thu nhập giảm, cuộc sống của gia đình tôi hết sức chật vật do phải tằn tiện chi tiêu. Bây giờ, chỉ mong công ty sớm có đơn hàng để công nhân có việc làm ổn định như trước”, chị Bình chia sẻ.

Thông tin từ các cơ quan liên quan như Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, năm 2023, thu nhập người lao động trong các doanh nghiệp bình quân 6.000.000 - 6.300.000 đồng/người/tháng, trong khi bình quân cả nước là 7 triệu đồng/tháng, còn ở các doanh nghiệp thuộc các vùng trọng điểm kinh tế là trên 8 triệu đồng/tháng.

Còn theo kết quả khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vào cuối năm 2023, mức thưởng Tết của người lao động dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tới giảm so với Tết Nguyên đán Quý Mão. Theo đó, tiền thưởng bình quân các doanh nghiệp thưởng cho người lao động Tết Nguyên đán Giáp Thìn là 3,58 triệu đồng/người, giảm 15% so với Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Nỗ lực hỗ trợ lao động

Trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng tìm kiếm việc làm, duy trì ổn định, cơ bản đảm bảo việc làm, các chế độ lương, thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận.

Ví như tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Mareep đóng trên địa bàn xã Diễn Thịnh (Diễn Châu), đại diện Công đoàn Công ty cho biết, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chung của thế giới, các đơn hàng đều giảm.

Tuy nhiên, xác định lao động là huyết mạch, thay vì cắt giảm lao động, công ty chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho công nhân lao động, đồng thời thực hiện cải tiến liên tục nhằm tăng năng suất, tiết giảm chi phí. Vì thế, thu nhập của công nhân lao động công ty những tháng cuối năm 2023 vẫn được duy trì ổn định, công nhân yên tâm gắn bó với công ty, góp phần duy trì hoạt động của doanh nghiệp và thu nhập ổn định cho bản thân.

Ông Hà Huy Đồng – Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Diễn Châu cho biết: “Vào những tháng cuối năm 2023, Thường trực Liên đoàn Lao động huyện đã tổ chức các buổi công tác tại các công đoàn cơ sở, đặc biệt là tập trung vào các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, để nắm bắt tình hình quan hệ lao động, việc trả lương, thưởng cho người lao động dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. Qua nắm bắt tình hình thì các doanh nghiệp hoạt động ổn định, không có tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể liên quan đến vấn đề lương, thưởng Tết, nợ bảo hiểm xã hội… Liên đoàn Lao động huyện cũng đã yêu cầu các công đoàn cơ sở tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đặc biệt, tập trung thực hiện hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm, đảm bảo đúng thời gian, đúng quy định, không để sót đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ”.

chuong-trinh-tet-sum-vay-2024-duoc-to-chuc-som-tai-mot-doanh-nghiep-fdi-tren-dia-ban-huyen-dien-chau-8830.jpg
Chương trình "Tết sum vầy" được tổ chức sớm tại một doanh nghiệp FDI trên địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: Minh Quân

Công đoàn Khu kinh tế đã đề nghị các doanh nghiệp thông tin sớm và đầy đủ để người lao động biết rõ về kế hoạch, thời điểm trả lương, trả thưởng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán… Đặc biệt, cần đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động, dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

bà Hoàng Thị Hương – Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam

Hiện nay, các công đoàn ngành, liên đoàn lao động các huyện, thành, thị đang tích cực chuẩn bị nhiều hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động, động viên kịp thời những đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Theo kế hoạch, Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam sẽ tổ chức chương trình “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ” tại Công viên Khu Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cho đoàn viên, người lao động; hỗ trợ, tặng quà cho hơn 1.100 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn hoạt động của Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam và xã hội hóa.

bna-cd-kkt-dong-nam-trao-qua-cho-cn-hoan-canh-kho-kham-8451.jpg
Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hoàng Yến.

Còn ở huyện Diễn Châu, chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” năm 2024 đã được tổ chức sớm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Wooin Vina và sắp tới sẽ được tổ chức tại 5 công ty khác là: Công ty trách nhiệm hữu hạn Viet Glory, Công ty Cổ phần Nam Thuận Nghệ An, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mareep, Công ty May Việt Hàn, Công ty đá Nhật Huy, với sự tham gia của hơn 11 ngàn công nhân lao động…

Thường trực Liên Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết; chủ động triển khai các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, người lao động và doanh nghiệp cần cùng nhau cảm thông, chia sẻ, vượt qua khó khăn để tiếp tục đồng hành, nắm bắt cơ hội trong năm mới 2024.

Bà Nguyễn Thị Thu Nhi – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Mới nhất

x
Công đoàn Nghệ An đồng hành, chăm lo Tết cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO