Công nghệ giáo dục: “Đánh vần thì đánh, đừng đánh thầy Đại”

Phạm Xuân Cần 07/09/2018 10:52

(Baonghean.vn) - Cách đánh vần theo SGK Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại đã được dạy trong các trường thực nghiệm bốn mươi năm nay; không nên vì một nhược điểm nhỏ mà phủ nhận những ưu trội khác của phương pháp này.

Nhiều ngày qua, mạng xã hội bỗng dưng phản ứng đến mức quá ồn ào vào cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại, mặc dù nó đã được sử dụng trên dưới bốn mươi năm nay… Với hiểu biết của mình, tôi có mấy ý như sau:

Cách đánh vần tiếng việt lớp 1

Thứ nhất, đừng đánh đồng cách dạy đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại với những “cải tiến” về chữ quốc ngữ của PGS Bùi Hiền, vì đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. PGS Bùi Hiền đưa ra cách cải tiến chữ viết của ông ấy, còn GS Hồ Ngọc Đại đưa ra cách dạy đánh vần khác với cách lâu nay chúng ta vẫn biết (nhưng thực ra là không mới đối với những người nghiên cứu ngôn ngữ), cách viết thì GS Hồ Ngọc Đại vẫn giữ nguyên, không có thay đổi gì. Cứ đánh đồng những thay đổi của hai vị này là không thỏa đáng.

Thứ hai, GS Hồ Ngọc Đại đưa ra cách đánh vần theo âm, khác với cách lâu nay chúng ta đã học, đã biết là đánh vần theo chữ. Đây cũng là một cách đánh vần được cho là khoa học, gần như sát với quá trình phát minh ra cách dùng mẫu tự Latinh để ghi lại tiếng Việt của các giáo sỹ phương Tây ngày xưa. Chưa biết thì thấy lạ, chịu khó tìm hiểu tí chút thôi sẽ thấy hợp lý.

Tuy nhiên, mỗi cách đánh vần như vậy cũng có những ưu nhược điểm riêng. Không nên vì một nhược điểm nhỏ mà phủ nhận những ưu trội khác của phương pháp. Thực tế, cách đánh vần này đã được dạy trong các trường thực nghiệm bốn mươi năm nay, kể cả dạy cho các cháu học sinh dân tộc thiểu số học tiếng Việt rất hiệu quả. Một số bạn có con học theo phương pháp này đều có nhận xét tốt.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Con Cuông hân hoan chào đón lễ khai giảng. Ảnh: Mỹ Hà

Thứ ba, nhiều người dè bỉu cách dạy đánh vần có sử dụng hình vuông, tam giác gì gì đó, thực ra là chưa hiểu dụng ý của nhà sư phạm. Nếu chỉ đặt mục tiêu học xong lớp Một sẽ đọc thông, viết thạo, thì nói thật học theo phương pháp nào cũng đạt được mục tiêu đó, kể cả cách đánh vần như thời kì đầu của chữ quốc ngữ là “a, bê, cê, dê…”, chứ không phải “a, bờ, cờ, dờ…” như sau này. Thế thì tại sao người ta lại phải dạy cho các cháu theo cách: đọc từ - phân tích - đánh vần - ghép chữ làm gì?

Xin thưa, theo triết lý của các lý thuyết dạy học mới, thì người ta không dạy cho học sinh cái kết quả cuối cùng, mà người ta tổ chức cho học sinh tự tìm ra cách đi đến kết quả đó. Thầy dạy tâm lý của mình hồi đại học hay nói: Tôi không dọn cỗ cho các anh ăn, mà hướng dẫn các anh chế biến món ăn.

Theo giáo khoa của thầy Đại, với sự hướng dẫn của giáo viên các cháu sẽ tự phân tích các từ, tìm ra các âm và vần sau đó ghép lại thành chữ. Còn việc thay thế âm, chữ chưa biết bằng các hình vẽ hay là vật gì đó cũng là một cách rèn cho các cháu những tư duy đơn giản đầu tiên về phép mô hình hóa, trừu tượng hóa, khái quát hóa, khái niệm hóa…nhưng thứ mà theo các phương pháp dạy học truyền thống phải vào đại học, khi học triết học mới được tiếp cận.

Làm quen sớm với những thao tác tư duy kiểu này, các cháu sẽ tự rèn cho mình khả năng tự khám phá thế giới xung quanh, tự đọc, tự học và tự chủ trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, học sinh trường thực nghiệm ở Hà Nội rất tự tin và tự chủ ngay từ khi còn nhỏ. Tất nhiên điều đó được hun đúc và rèn tập qua nhiều môn, nhiều phương pháp dạy học khác nữa, cách đánh vần chỉ là bài học gần như đầu tiên.

Thứ tư, công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bao gồm những triết lý hiện đại sâu sắc, theo tôi, xét về mặt “kiến trúc” thì không có gì phải bàn cãi nữa, đó là một phát minh quan trọng nhất về giáo dục của Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, để xây một ngôi nhà thì ngoài phối cảnh kiến trúc ra, còn phải có thiết kế kỹ thuật và tổ chức thi công, nghĩa là cần một đội ngũ thầy và thợ lành nghề. GS Hồ Ngọc Đại có thể đã là một kiến trúc sư tài ba, nhưng đội ngũ thầy và thợ thiết kế, thi công ngôi nhà đó có thể có người thế này, thế khác, dẫn đến ngôi nhà chưa thật hoàn hảo, dù rằng mới mấy năm trước đây thôi, hàng nghìn phụ huynh đã xô đổ cổng ngôi nhà đó để nộp đơn cho con vào học.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An trao quà cho học sinh nghèo trường Tiểu học Tri Lễ 2, điểm trường Pà Khốm. Ảnh: Phương Thúy

Thứ năm, Nghị quyết 88, năm 2014 của Quốc hội đã mở đường cho việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, theo đó khuyến khích có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Lẽ ra nếu đàng hoàng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức hội đồng quốc gia thẩm định bộ giáo khoa của thầy Đại. Nếu thấy không đạt chuẩn thì tuyên bố dừng chương trình thực nghiệm của thầy. Nếu thấy đạt chuẩn thì công nhận và khuyến cáo các cơ sở giáo dục trong toàn quốc có thể lựa chọn bộ giáo khoa của thầy, bên cạnh bộ giáo khoa của Bộ. Khi đó thì trường nào muốn chọn thầy Đại, hay chọn Bộ là quyền của họ.

Thầy Đại muốn xuất bản sách của thầy ở Nhà xuất bản Giáo dục hay nhà xuất bản khác được phép xuất bản sách giáo khoa phổ thông là quyền của thầy. Và, bản thân trường thực nghiệm của thầy cũng kết thúc quá trình thực nghiệm kéo dài 40 năm để đàng hoàng, chính danh là trường dạy theo công nghệ giáo dục của chính người sáng lập!

Thế nhưng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không làm như thế. Ông Bộ trưởng, theo GS Hồ Ngọc Đại nói là lại thuê luật sư để tư vấn lách luật để tiếp tục mở rộng diện thí điểm bộ sách giáo khoa của giáo sư ra trên 40 tỉnh, với trên dưới sáu trăm ngàn học sinh. Phải chăng, họ làm như vậy là để độc quyền trong việc xuất bản, in và bán sách giáo khoa theo công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại?

Vậy nên, theo tôi, đừng vì chuyện đánh vần mà “đánh” thầy Đại. Người đáng bị roi, không phải là thầy Đại, mà là những người có trách nhiệm đang để thị trường sách giáo khoa phổ thông bị độc quyền và lợi ích nhóm biến thành một thứ sản phẩm “dùng một lần”, để móc túi phụ huynh!

Mới nhất
x
Công nghệ giáo dục: “Đánh vần thì đánh, đừng đánh thầy Đại”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO