Công nghệ Israel sắc nét trong quân đội Việt Nam
Hiện nay, Israel là một trong số các đối tác hiếm hoi ngoài Nga đang cung cấp vũ khí, trang bị cho Việt Nam.
Bên cạnh Nga - nước chiếm vị thế chủ đạo trong cơ cấu vũ khí, trang bị tác chiến chủ lực trong các quân chủng của quân đội Nhân dân Việt Nam, Israel là một trong số rất ít quốc gia phương Tây có cung cấp các loại vũ khí hiện đại cho Việt Nam.
Các loại vũ khí Israel sắc nét trong quân đội
Loại vũ khí đầu tiên có thể kể đến là các loại vũ khí cá nhân trong Quân đội Việt Nam. Trong đó, các loại súng của Israel đang có sự hiện diện đáng kể, nhằm dần dần thay thế dòng súng AK của Liên Xô.
AK-47 được đưa vào trang bị quân đội Việt Nam từ những năm 1960-1970 đã không còn đáp ứng các yêu cầu chiến tranh hiện đại. Trong hai thập niên qua, Nga gần như không cung cấp vũ khí bộ binh mới và đạn dược đi kèm cho Việt Nam, do đó, nhu cầu về một loại súng bộ binh thay thế đang dần trở nên cấp bách.
Ngay từ năm 2011, một số đơn vị quân đội Việt Nam đã được cung cấp và sử dụng thử nghiệm các loại súng bộ binh của Israel như súng trường tiến công ТАR-21 Tavor, tiểu liên Uzi, súng trung liên Negev, súng phóng lựu Matador hay súng bẻ góc CornerShot…
Các loại súng Israel đã được đánh giá rất cao nên sau đó, dự án hợp tác giữa Israel với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và hiện đại hóa vũ khí trang bị đã được tiến hành thí điểm ở nhà máy Z111, theo một hợp đồng có trị giá khoảng 170 triệu USD.
Z111 đã được Israel cung cấp giấy phép sản xuất 2 loại vũ khí là súng trường tiến công Galil ACE 32 và carbine Galil ACE 31 của công ty vũ khí IWI Ltd. của Israel.
Hệ thống tên lửa phóng loạt ACCULAR và EXTRA của Hải quân Việt Nam trong một cuộc duyệt binh. |
Những sản phẩm đầu tay của Việt Nam đã được ra mắt đầu năm 2014 và bắn thử thành công vào tháng 10 cùng năm. Hiện các vũ khí cá nhân của Israel đã được trang bị cho cả lực lượng lục quân, trinh sát đặc nhiệm, đặc công, hải quân đánh bộ của Quân đội Việt Nam…
Quân đội Việt Nam cũng đã mua sắm các loại đạn pháo phản lực chính xác cao EXTRA và ACCULAR của Công ty IMI - Israel, dùng cho các bệ phóng rocket phóng loạt cơ động LAR-160, biên chế cho Tiểu đoàn pháo-tên lửa bờ biển 685 thuộc Vùng 4 Hải quân.
Đạn rocket EXTRA do tập đoàn IMI của Israel sản xuất, là loại đạn pháo phản lực có thiết bị dẫn đường (thường là GPS), tầm bắn xa 150 km, đầu đạn 300 mm, nặng 120 kg. Còn đạn ACCULAR cỡ 160 mm, tầm bắn 40 km, trọng lượng phần chiến đấu 35 kg.
Các chuyên gia vũ khí Israel cho biết, các loại đạn pháo phản lực này có độ chính xác cao (chỉ lệch mục tiêu trong khoảng 10m). Bệ phóng của pháo phản lực này được lắp trên thùng xe tải với số lượng từ 2-16 quả. Đạn rocket loại này có thời gian cất giữ dài mà không ảnh hưởng đến độ tin cậy.
Đây là loại vũ khí cực kỳ hiệu quả khi tiêu diệt các điểm đã được trinh sát và chuẩn bị sẵn phần tử bắn. Toàn bộ binh lực đối phương, thậm chí là cả tàu đổ bộ đang thực hiện đổ quân chắc chắn sẽ không còn cơ hội sống sót khi nằm trong vùng hỏa lực của EXTRA và ACCULAR.
Việt Nam cũng đang được mua của Israel các hệ thống tên lửa phòng không tầm gần/tầm trung SPYDER, mỗi hệ thống gồm 1 xe điều khiển và 6 bệ phóng cơ động, trang bị các tên lửa Python 5 và Derby, để trang bị cho các đơn vị phòng không.
Việt Nam đã mua Hệ thống tên lửa phòng không SPYDER của Israel. |
Các tên lửa do Rafael Advanced Defense Systems chế tạo với sự hợp tác hỗ trợ từ Israel Aerospace Industries (IAI) có độ cao tác chiến từ 20-9.000 m, tầm bắn từ 1-20 km. Nếu lắp tầng đẩy phụ thì có tăng tầm bắn hạ mục tiêu đến 35km, độ cao đánh chặn đến 16km.
Các tên lửa này cho phép tiêu diệt các loại mục tiêu khí động khác nhau, trong đó có trực thăng, máy bay không người lái ở độ cao nhỏ và trung bình, nên có tác dụng tăng cường mạnh mẽ cho pháo phòng không (23 mm và 37 mm) của bộ đội phòng không Việt Nam.
Việt Nam cũng đã bắt đầu xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của mình với các hợp đồng với các công ty Rafael và Elta của Israel, để mua một số trạm radar 3D cảnh giới đường không EL/M 2106 ATAR và các đài radar EL/M-2084 MMR - vốn được dùng cho hệ thống phòng thủ tên lửa lừng danh Iron Dome (Vòm Sắt).
Các loại radar này có thể chỉ dẫn cho tên lửa đánh chặn mục tiêu đạn đạo ở cự ly 35km và ở độ cao 16 km. Các radar Israel có khả năng chống nhiễu vô cùng tốt, cũng như khả năng xây dựng mạng tích hợp xử lý thông tin khi kết nối với các radar nhận dạng địch-ta và các trạm thông tin liên lạc.
Gần đây, giới truyền thông quốc tế cho biết rằng, sau những dự án hợp tác thành công trong thời gian qua, Việt Nam đang có ý định mua sắm một số loại vũ khí khác của Israel như tên lửa chống tăng, máy bay không người lái tuần tra hàng hải…
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể bắt tay với Israel để thực hiện các dự án nâng cấp xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55 hay hợp tác với Israel trong lĩnh vực kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin tác chiến cho các loại vũ khí khác nhau trong một nền tảng hệ thống chiến đấu thống nhất.
Ngay từ 5 năm trước đây, giới truyền thông đã cho biết rằng, Việt Nam theo dõi, đánh giá sát sao hiệu quả tác chiến và tính năng chiến-kỹ thuật của máy bay không người lái Heron và Searche Mk.2 của Israel, trong biên chế một phi đội của Hải quân Ấn Độ (triển khai tại căn cứ hải quân Tamil Nadu).
Ngay từ năm 2014, quân đội Việt Nam đã mua sắm một loại máy bay không người lái của Israel là Orbiter 2 do hãng ADS (Israel) chế tạo và đã đưa vào biên chế.
Súng Galil ACE của Israel trong buổi lễ diễu binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. |
Tuy nhiên, Orbiter 2 là loại UAV rất nhỏ, có tầm hoạt động ngắn (80km), thời gian lưu không thấp (4h), trần bay tối đa 3km nên chỉ phù hợp cho nhiệm vụ trinh sát mục tiêu gần bờ và hướng dẫn hỏa lực, không thể đảm nhận nhiệm vụ tuần tra tầm xa.
Với trần bay 10km, phạm vi hoạt động 320km và thời gian hoạt động 54h, máy bay trinh sát không người lái Heron của Israel sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra tầm xa trong thời gian dài trên khu vực Biển Đông.
Một loại vũ khí khác là tên lửa chống tăng có điều khiển Spike NLOS. Do trọng lượng tên lửa lên tới 70kg nên Spike được lắp trên các phương tiện mang cơ động như ô tô, trực thăng hay khung gầm tăng-thiết giáp.
Loại tên lửa này có khả năng tiêu diệt xe tăng-thiết giáp địch ở cự ly 25 km, tức là gấp 5 lần so với các mẫu tên lửa chống tăng có điều khiển do Mỹ, châu Âu, Nga và Trung Quốc sản xuất. Đồng thời, nó còn có khả năng tấn công máy bay trực thăng bay thấp hay tàu chiến đối phương.
Trong trường hợp có được Spike NLOS, chúng ta có thể lựa chọn nền tảng để mang loại tên lửa này là xe quân sự 4x4, xe tthiết giáp chở bộ binh M113, đặc biệt là xe tăng M48 hoán cải.
Tên lửa chống tăng Spike NLOS là sự lựa chọn hoàn hảo |
Ngoài ra, Việt Nam có thể hợp tác với Israel trong lĩnh vực kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin tác chiến giữa các phương tiện chiến đấu thuộc các tiêu chuẩn khác nhau, ví dụ như kết nối các vũ khí kiểu Nga và phương Tây trong một hệ thống chỉ huy điều khiển thống nhất hay tích hợp các thiết bị khác loại trên một hệ thống vũ khí nào đó.
Trên thực tế, đây là điều tối quan trọng nếu Việt Nam muốn mua sắm thêm các vũ khí phương Tây, trong khi đang sử dụng phần lớn là vũ khí Nga, ví dụ như kết nối máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm C-295 AEW&C của Airbus với chiến hạm Gepard, máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Nga và chiến hạm Sigma của Hà Lan…
Theo Baodatviet
TIN LIÊN QUAN |
---|