Công nhân trở về quê làm việc - Tin vui từ các cơ sở may công nghiệp

10/04/2013 15:02

(Baonghean) - Tìm việc làm tại các tỉnh phía Nam, phía Bắc, giờ đây con em nhiều vùng nông thôn tỉnh ta đã quyết định quay về quê hương,“đầu quân” tại các cơ sở, công ty, nhà máy may công nghiệp lớn của tỉnh nhà. Đây là một tin vui mở ra cơ hội về nguồn lao động đã qua đào tạo phục vụ cho các dự án, nhà máy trên địa bàn.

Chuyền may 32 nằm trong phân xưởng may của Công ty may Prex Vinh (cụm công nghiệp Lạc Sơn - Đô Lương) trở nên nhộn nhịp hơn năm trước. Đa số các em mới vào làm từ Tết nguyên đán đến nay, chưa có tay nghề cơ bản đang được công ty bố trí học việc. Trong số này, nhiều em từng là công nhân chưa hoặc đã làm việc tại các khu, cụm công nghiệp giày da, may ở miền Nam.

Mấy tháng trở về quê, em Lê Thị Hường - 25 tuổi, quê ở xóm Đình Long 2, Nam Hưng- Nam Đàn ngày nào cũng vượt gần 19km lên Công ty may Prex Vinh để học việc. Trước đây, em đã có 4 năm làm công nhân tại Công ty may giày da Hài Mỹ- thuộc KCN Bình Chuẩn, tỉnh Bình Dương. Em tâm sự: “Làm việc ở trong đó thu nhập mỗi tháng được trên 3 triệu đồng, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp, tiền ăn ca.

Chi tiêu đắt đỏ, tiền phòng trọ, điện nước ít nhất cũng mất gần 400.000 đồng/tháng. Khoản tiền điện thoại, mua sắm đồ dùng, quần áo cũng không ít. Cộng thêm tiền vé xe về quê, mỗi lần về cũng mất gần 1 triệu đồng, năm nào về 2 lần thì xem như không có đồng dư nào”. Nghe tin ở quê, nhiều bạn bè cùng trang lứa vào làm ở công ty may, Hương đã tính toán lại và trở về xin vào làm việc tại Công ty may Prex Vinh.



Công nhân làm việc tại Công ty may Prex Vinh.

Cùng trở về từ miền Nam, nhưng em Lang Thị Thu Hà- xóm 11 Tiên Kỳ-Tân Kỳ lại khác với một số em khác là đã có quá trình làm công nhân may gần 3 năm tại Công ty BonCher- Nam Gang- Đồng Nai. Tay nghề em khá vững trên các chuyền may công nghiệp. Hà tâm sự: “Trong đó thu nhập ổn định, mọi chế độ đầy đủ, được quan tâm lúc ốm đau. Em thường xuyên liên lạc với bạn bè đang may tại Prex Vinh thấy các bạn lương không cao bằng em, nhưng ở quê chi phí thấp hơn, dễ sống hơn trong đó, lại ổn định được mọi sinh hoạt và được gần nhà. Về quê tính ra em có thể và tiết kiệm được thêm 300 ngàn đồng/tháng”. Hiện nay, Hà ký hợp đồng chính thức là công nhân may của Công ty may Prex Vinh, được đóng các loại bảo hiểm, tổng thu nhập 4,8 triệu đồng/tháng, gồm lương cơ bản, phụ cấp, hỗ trợ ăn ca, xăng xe, chuyên cần.

Gần đây, cùng với Prex Vinh, thì công ty may Havina Kim Liên cũng tiếp nhận trên 140 trường hợp là con em quê hương quay về từ các khu cụm công nghiệp phía Nam, chủ yếu là người Nam Đàn (80%), Hưng Nguyên, Thanh Chương. Cũng qua tìm hiểu thì một số công ty may mặc khác như Công ty TNHH Khải Hoàn (Anh Sơn), Công ty CP may Minh Anh- Kim Liên, Công ty TNHH matrix thuộc KCN Bắc Vinh... đều tiếp nhận mới nhiều công nhân lao động là con em các địa phương tỉnh ta trở về từ các khu công nghiệp ở miền Nam. Đa số các em có hoặc chưa có tay nghề đều được quan tâm và tìm được cơ hội việc làm tại các nhà máy.

Trao đổi với bà Trần Thị Mùi- Cán bộ phụ trách tuyển dụng - Công ty may Prex Vinh, được biết: Trên thực tế công ty mới thu hút khoảng 2000/4000 lao động nông thôn. Lâu nay, công ty tích cực khâu nối tìm lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chi hội phụ nữ, thanh niên, đài truyền hình, đặc biệt là vận động con em, người thân của công nhân công ty trong và ngoài tỉnh về làm việc. Từ ra Tết đến nay, công ty tiếp nhận trên 500 hồ sơ, đa phần các em đều từ 18-33 tuổi, là con em các huyện Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương, Yên Thành trở về từ miền Nam. Các em từng làm công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung- quận Thủ Đức, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long- Hà Nội, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, làm trong các khu công nghiệp dày da , Công ty Sam Sung - Bắc Ninh...

Nhiều năm trở lại đây, con em lao động nghèo tại các vùng nông thôn tỉnh ta do điều kiện học hành không có nên cứ học hết phổ thông là tràn vào các khu công nghiệp, chế xuất ở miền Nam tìm việc. Gánh nặng mưu sinh việc làm đã khiến cho cuộc sống của nhiều bộ phận công nhân lao động xa quê rất khó khăn. Theo như nhiều lý do các em đưa ra thì rõ ràng việc rời bỏ việc làm cũ để tìm về các công ty, nhà máy ở tỉnh nhà “lợi cả đôi đường”. Với chủ trương thu hút đầu tư, phát triển CN-TTCN của tỉnh, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công ty, nhà máy mở ra (có vốn đầu tư trong và ngoài nước) thu hút hàng ngàn lao động nông thôn vào làm. Lãnh đạo phía các công ty ưu tiên nhiều nhiều giải pháp thu hút lao động qua các kênh thông tin, đào tạo nghề lại cho công nhân.

Bà Bùi Thị Ngọc- cán bộ quản lý nhân sự Công ty may Havina Kim Liên, cho hay: Một trong những cơ chế mở để thu hút lao động là chính sách kéo dài độ tuổi lao động nằm trong khung mới từ 18 - 40 tuổi, áp dụng chế độ tăng ca từ 18 lên 20 ngàn/người/bữa ăn, quyền lựa chọn món ăn, công nhân được hưởng lương 8 tiếng/ngày, tiền hỗ trợ xăng xe, nhà ở trên 200 ngàn/tháng, chuyên cần 80 ngàn đồng/tháng, thưởng thợ 50 ngàn đồng, lao động có tay nghề hưởng thêm thấp nhất 300 ngàn đồng/tháng. Đặc biệt, nhiều công ty may công nghiệp chú trọng hơn việc xây dựng bếp ăn tập thể, đảm bảo chất lượng bữa ăn ca tại chỗ cho hàng ngàn công nhân lao động như Havina Kim Liên, Công ty Cp may Minh Anh- Kim Liên và Công ty TNHH Matrix...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là các cơ chế, chính sách của các công ty trên địa bàn tỉnh ta có đảm bảo việc “giữ chân” công nhân gắn bó lâu dài với nhà máy? Em Lê Thị Ánh- xóm Tân Hùng- xã Hưng Lộc, thành phố Vinh hiện là nhân viên bán giày dép tại của shop hàng Hiền Anh - 114 Lê Hồng Phong, Thành phố Vinh. Trước đây em từng có một thời gian làm công nhân may ở Khu công nghiệp Bình Dương. Sau thời gian về quê Hiền xin vào làm việc ở Công ty TNHH Matrix, em bộc bạch: “Em vào làm ở gấu bông được 2 tháng nhưng chế độ ăn trưa chỉ 10 -12 ngàn đồng/suất, nhiều lúc không đảm bảo chất lượng, chế độ giờ giấc nghiêm ngặt quá, con em còn nhỏ nên không ở lại làm được. Bạn bè em mấy đứa đang làm ở đó kể lại 3 tháng đầu lương cao, sau đó lại bị trừ nhiều khoản”.

Hiện nay, vấn đề đảm bảo quyền lợi và quan tâm đến đời sống cho công nhân lao động là một bài toán hết sức cần thiết để công nhân có thể yên tâm với công ty. Đặc biệt, chưa kể đến chế độ ăn ca không đảm bảo chất lượng, nhiều công ty dù đã tuyển dụng gần 2 ngàn công nhân như Công ty may Prex Vinh (Đô Lương) vẫn chưa có bếp ăn đảm bảo VSATTP cho công nhân lao động, hay Công ty may Khải Hoàn hiện có gần 1 ngàn lao động nhưng chế độ thu nhập không đảm bảo, mức khoán sản phẩm và tăng ca nhiều tạo nên sức ép cho công nhân…

Thiết nghĩ, từ những khó khăn trên, các doanh nghiệp, cần có sự phối hợp tốt với chính quyền các địa phương, các cấp để giải quyết tốt các vấn đề tuyển dụng và sử dụng lao động có hiệu quả; góp phần tạo việc làm và thu hút lao động là con em tỉnh nhà trở về phục vụ quê hương.


Lương Mai

Mới nhất
x
Công nhân trở về quê làm việc - Tin vui từ các cơ sở may công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO