Sĩ tử 2K6 trở về trước sẽ thi ra sao?

Đình Tuệ 17/05/2023 19:30

Năm 2025, các thí sinh 2K7 học theo Chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu thi THPT xét tuyển vào đại học. Vậy sĩ tử 2K6 trở về trước sẽ thi ra sao?

Học sinh Hà Nội thi vào lớp 10 năm học 2022 - 2023. Ảnh: INT

Kiến thức không quá chênh lệch

Những ngày qua, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội dấy lên những thông tin liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Bắt đầu từ năm 2025, các thí sinh sinh năm 2007 học theo Chương trình GDPT 2018 sẽ tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học (ĐH). Vậy những học sinh sinh năm 2006 trở về trước đang học theo Chương trình GDPT 2006 sẽ học và ôn luyện ra sao để có thể dự thi để xét tuyển vào ĐH?

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, dự kiến phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được công bố khá sớm. Trong đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ rõ lộ trình để hoàn thiện từng bước để đánh giá lứa thí sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 cho đến lứa học sinh học đầy đủ theo chương trình mới.

Thứ hai, việc công bố chuẩn đầu ra của chương trình mới cũng được Bộ GD&ĐT công bố rất sớm từ năm 2018. Các thí sinh, các nhà quản lý, các đơn vị tuyển sinh ở các bậc học sau cũng hình dung được kết quả đầu ra cần đạt của thí sinh của mình. Điều này giúp tránh được những lúng túng trong các lần đổi mới trước đó.

Thứ ba, hiện nay thí sinh có 2 quyền lợi gồm: Giấy chứng nhận đã học hết chương trình lớp 12; Bằng tốt nghiệp THPT do các Sở GD&ĐT cung cấp. Thí sinh có thể học tập suốt đời và chuyển tiếp học ở vùng khác, tùy vào điều kiện hoàn cảnh và nhu cầu mà thí sinh có thể sử dụng hai chứng chỉ này một cách linh hoạt.

Với những em sinh năm 2006 và thí sinh tự do muốn tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 để xét tuyển vào ĐH đương nhiên sẽ đối mặt với một số khó khăn nhất định. Do đó, các em sẽ phải có các giải pháp phù hợp để thích ứng giữa hai kỳ thi. Căn cứ vào dự thảo phương án thi THPT năm 2025, ta có thể thấy tính linh hoạt khi sẽ góp phần giảm nhẹ những áp lực cho các thí sinh học theo Chương trình GDPT 2006.

Điều này được thể hiện ở việc công bố chuẩn đầu ra mang tính lâu dài nên gần như không có sự chênh lệch về kiến thức. Thí sinh lo lắng rằng, các kiến thức mình học theo chương trình cũ mà thi theo chương trình mới sẽ bị hụt, điều này sẽ không xảy ra. Nhìn vào chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018 thì không có sự khác nhau về kiến thức. Nội dung thi vẫn không có nhiều thay đổi, có chăng chỉ thay đổi về phương thức thi.

Ví dụ, thí sinh học theo Chương trình GDPT 2018 sẽ lựa chọn học các nhóm môn để tham gia thi tốt nghiệp THPT. Với dự thảo phương án thi từ năm 2025 sẽ có sự phân cấp, phân quyền rất rõ. Bộ GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm cho 4 môn bắt buộc, những môn lựa chọn sẽ phân quyền cho các Sở GD&ĐT. Thí sinh có cơ hội tiếp cận chương trình dễ dàng hơn.

Cơ hội dành cho học sinh học theo Chương trình GDPT 2006 và 2018 là ngang nhau. Ảnh minh họa

Cơ hội ngang nhau

Cũng theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, hiện nay các trường đại học được tự chủ tuyển sinh nên thời hạn sử dụng các văn bằng, chứng chỉ liên quan để xét tuyển cũng nhiều hơn. Ở Đại học Bách khoa Hà Nội cho phép một lần thi, thí sinh có thể sử dụng xét tuyển trong 2 năm. Tức là, phương thức tuyển sinh đang được đa dạng hóa và đồng bộ với nhau để tạo thêm cơ hội học tập cho các em.

“Nếu xét về mặt tiểu tiết, ví dụ trong môn Khoa học tự nhiên, một số ký hiệu tên gọi cũng thay đổi theo tiêu chuẩn quốc tế, còn Chương trình GDPT 2006 thì phiên âm theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Điều này có thể làm thí sinh bỡ ngỡ dẫn đến một chút lo lắng.

Thí sinh hãy yên tâm rằng, trong đề thi tốt nghiệp THPT đều có phần giải thích về tên gọi mới và cũ của chất đó để các em nắm bắt. Về mặt tâm lý, đương nhiên những em thi lại sẽ có tâm trạng khác so với thí sinh thi lần đầu. Tuy nhiên, các trường đại học vẫn tuyển sinh làm nhiều đợt dưới nhiều phương thức nên cơ hội cho các thí sinh là rất lớn. Các em đều có quyền học tập suốt đời, nhưng nếu muốn thành công thì phải có chiến lược học tập đúng đắn”, vị chuyên gia giải thích.

Cô Mai Thị Lừng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc, Nam Định) cho rằng, với những thí sinh năm trước thi không đỗ mà năm sau có nguyện vọng và làm đơn thì nhà trường sẽ tạo điều kiện để các em đến trường ôn tập. Còn những em không có nhu cầu ôn mà chỉ đăng ký dự thi theo đối tượng thí sinh tự do thì nhà trường vẫn hỗ trợ theo hướng dẫn từ Sở GD&ĐT tỉnh. Thực tế những năm gần đây, tỉ lệ học sinh của trường thi đỗ tốt nghiệp THPT là rất cao.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Sĩ tử 2K6 trở về trước sẽ thi ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO