Công tác chống lao được duy trì 100% tại các địa phương ở Nghệ An
(Baonghean) - Thời gian qua, Bệnh viện Phổi Nghệ An không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB); hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm Hô hấp khu vực Bắc miền Trung. Là đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lao tỉnh, Bệnh viện triển khai các giải pháp đồng bộ, nhờ đó, các chỉ số hoạt động phòng, chống lao của Nghệ An đều được Chương trình Chống lao Quốc gia đánh giá cao.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, với các tên gọi khác nhau nhưng dù trong hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ của Bệnh viện Phổi Nghệ An luôn nỗ lực hết mình; thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân. Là đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lao tỉnh, những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo và sự đoàn kết quyết tâm của cán bộ, viên chức, Bệnh viện Phổi Nghệ An gặt hái được nhiều thành công đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống lao và bệnh phổi trên địa bàn tỉnh; với các chỉ số được đánh giá cao từ Dự án Phòng, chống lao Quốc gia.
Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa điều trị Lao Phổi, Bệnh viện Phổi Nghệ An. Ảnh: PV |
Năm 2018 là cột mốc đáng nhớ khi Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Phổi Nghệ An; cùng với đó, Bệnh viện triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược. Bệnh viện đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, đề ra lộ trình phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đơn vị. Theo đó, Bệnh viện đã tập trung phát triển các yếu tố “xương sống” - con người, trang thiết bị và cơ sở vật chất.
Hàng năm Bệnh viện lập kế hoạch và gửi cán bộ đi đào tạo các chuyên khoa sâu, từng chuyên khoa mũi nhọn để đảm bảo nguồn nhân lực vừa đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng về trình độ chuyên môn. Đồng thời, thường xuyên tổ chức lớp đào tạo tại chỗ cập nhật kiến thức, nâng cao tay nghề cho cán bộ, y, bác sỹ.
Điều dưỡng viên kiểm tra chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân tại Khoa Điều trị lao HIV. Ảnh: PV |
Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng được Bệnh viện đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng các khoa, phòng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng lớn của người dân. Bệnh viện đầu tư trang thiết bị y tế tiên tiến phục vụ chẩn đoán và điều trị, bằng nhiều nguồn vốn, như: Chương trình chống lao Quốc gia, các dự án phi chính phủ, vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác…để sớm đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà hiện nay. Đến nay, Bệnh viện sở hữu nhiều trang thiết bị hiện đại như: Máy CT16 lát cắt, Máy X-Q kỹ thuật số từ nguồn vốn xã hội hóa; hệ thống xét nghiệm lao tiên tiến (máy xét nghiệm Gene - Xpert, máy nuôi cấy Mgit - Bactex 960); hệ thống máy thở xâm nhập, không xâm nhập; máy nội soi ống mềm, máy sinh hóa tự động…
Đặc biệt, Bệnh viện là đơn vị đi đầu trong chuyên ngành lao và bệnh phổi triển khai kỹ thuật lọc máu nhân tạo cấp cứu - được xem là bước tiến lớn trong phát triển kỹ thuật tại bệnh viện.
Kỹ thuật viên đọc kết quả soi đờm tại Phòng xét nghiệm, Bệnh viện Phổi Nghệ An. Ảnh: PV |
Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, chất lượng KCB tại Bệnh viện ngày càng được nâng cao; đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người dân trong và ngoài tỉnh. Mục tiêu của Bệnh viện Phổi Nghệ An là xây dựng bệnh viện chuyên khoa, với quy mô 410 giường bệnh, 23 khoa, phòng, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, phát triển kỹ thuật chuyên khoa sâu về hô hấp; có đủ nhân lực, có trên 50% số bác sỹ, dược sỹ có trình độ sau đại học; chất lượng KCB đạt từ mức 4 trở lên theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của Bộ Y tế; đáp ứng nhu cầu KCB lao và các bệnh về phổi cho nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận; Hướng tới phát triển thành Trung tâm Hô hấp khu vực Bắc miền Trung.
Thực hiện kỹ thuật CT Scanner cho bệnh nhân. Ảnh: PV |
Cùng với nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, điều trị; trở thành địa chỉ y tế uy tín, tin cậy trong chăm sóc sức khỏe người dân, đến nay, Bệnh viện đã đáp ứng các yếu tố tiên quyết và cần thiết để triển khai có hiệu quả chương trình chống lao của tỉnh về thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 - cơ bản chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác chống lao hiện nay ở tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Cơ sở vật chất ở các tuyến còn thiếu, hoạt động phối hợp trong các đơn vị y tế chưa đồng bộ, công tác kiểm tra, giám sát còn nhiều bất cập; một bộ phận người dân vẫn còn mặc cảm và kỳ thị với bệnh lao, sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội với chương trình chống lao chưa thường xuyên; các đơn vị y tế công lập và tư nhân phối hợp trong phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân lao ở cơ sở còn chưa hiệu quả, dẫn đến vấn đề lao kháng thuốc và siêu kháng thuốc diễn biến ngày càng phức tạp, khiến cho việc điều trị trở nên ngày càng khó khăn; công tác sàng lọc cho những người tiếp xúc với bệnh nhân lao tại cộng đồng chưa được thực hiện tốt; tác động của đại dịch HIV/AIDS cũng làm gia tăng gánh nặng cho bệnh nhân lao...
Cán bộ y tế tư vấn điều trị dự phòng lao cho trẻ bằng thuốc INH tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Do vậy công tác phòng, chống lao cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành Y tế Nghệ An là lực lượng nòng cốt, mà Bệnh viện Phổi Nghệ An là lực lượng tiên phong. Để thực hiện hiệu quả chiến lược phòng, chống lao trên địa bàn Nghệ An, Bệnh viện đã và đang tiếp tục xây dựng phương án, có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển cụ thể và thiết thực để tham mưu cho Sở Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện tốt các mục tiêu, chiến lược phòng, chống lao đến năm 2020 và đến năm 2030 cơ bản chất dứt bệnh lao.