Công tác kiểm soát và điều tra hậu khủng bố liên hoàn vẫn tiếp tục
(Baonghean.vn) - Những thông tin mới nhất hậu khủng bố liên hoàn tại Paris, Pháp vào ngày 13/11. Các lực lượng an ninh đang tăng cường điều tra và kiểm soát tại toàn vùng Ile-de-France và biên giới.
(Thông tin cập nhật theo giờ Việt Nam)
Đến thời điểm hiện tại, 1 trong số 8 nghi phạm khủng bố đã được nhận diện. Đó là một người đàn ông Pháp khoảng 30 tuổi mà cơ quan tình báo Pháp đã nắm được các thông tin cơ bản. Đối tượng này bị nhận diện nhờ vào các dấu vết tại nhà hát Bataclan.
23h57: Le Monde khẳng định theo nguồn tin của cảnh sát, các cuộc điều tra và bắt giữ đang tiến hành ở Bỉ có liên quan đến chuỗi tấn công tối 13/11 tại Paris.
Vé đỗ xe đã được tìm thấy trong một chiếc xe ô tô bị phát hiện ở Paris với biển số của Bỉ. Lần theo dấu vết này, các điều tra viên đã tìm đến thành phố Molenbeek ở nước bạn.
Cảnh sát điều tra hy vọng có thể lần ra dấu vết của “nhóm thứ 2” - đã tẩu thoát bằng một ô tô khác vào đêm 13/11.
23h45: Theo tờ La Voix du Nord, một cuộc tập trung diễn ra từ lúc 15h (giờ địa phương, khoảng 21h ở Việt Nam) ngày 14/11 tại quảng trường République ở Lille, theo lời kêu gọi của Liên đoàn vì nhân quyền vào buổi sáng cùng ngày. Bắt đầu một cách hoà bình, 15 phút sau, một nhóm cực đoan đã chen ngang vào sự kiện bằng pháo và khói.
Biểu tình tại Lille vào chiều 14/11 (giờ Pháp). Ảnh: Le Monde |
23h35: Tắc đường kéo dài 7km từ Gruson cho đến biên giới giáp Bỉ sau khi một hệ thống kiểm soát được dựng lên.
Tắc đường gần biên giới giáp Bỉ. Ảnh: Le Monde |
23h20: Một người đàn ông Pháp 41 tuổi bị bắt giữ ở sân bay Gatwick (Anh) vì “có hành xử đáng ngờ”: ông này đã ném vào thùng rác một túi chứa các vật dụng cá nhân mà “có khả năng là một vũ khí”. Cảnh sát ở Sussex (Anh) giữ thái độ thận trọng và khẳng định vẫn chưa biết liệu “vũ khí” bị tình nghi có hoạt động bình thường hay không.
Hiện túi đồ đó đã được gửi đến kiểm tra ở phòng thí nghiệm.
23h15: Qatar lên án “bằng thái độ kiên quyết nhất” những hành vi tấn công “ghê tởm” nhắm vào Paris tối 13/11.
23h00: Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông báo rằng các trường học sẽ mở cửa trở lại vào thứ Hai ngày 16/11.
22h30: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bernard Cazeneuve nhấn mạnh các biện pháp tăng cường an ninh đã được triển khai: Các lực lượng cơ động được điều động tiếp viện cho lực lượng an ninh công cộng để đảm bảo mức độ an ninh nghiêm ngặt ở Paris. Đặc biệt là trong các phương tiện công cộng, các trục giao thông chính và trong nội đô.
“1.500 quân nhân đảm trách bảo vệ cho các địa điểm đặc biệt trọng yếu và đi tuần trong trung tâm Paris”.
Ông cũng nói về sự thận trọng của Tổng thống và Thủ tướng về những tuyên bố trong khi quá trình điều tra vẫn đang được tiến hành. Những thông tin đã được xác nhận sẽ được Công tố viên thông báo trong cuộc họp báo lúc 19h.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve. Ảnh: Internet |
22h20: Nhiều người đã bị bắt giữ sau một vụ biểu tình “chống nhập cư” tại Pontivy, ở Bretagne. Theo France Bleu, vụ biểu tình được nhóm theo chủ nghĩa dân tộc Adsav khởi xướng đã diễn biến theo xu hướng bạo lực và cần đến sự can thiệp của cảnh sát.
22h16: Đại sứ quán Mỹ tại Paris đang tiến hành thống kê số lượng công dân Mỹ bị ảnh hưởng trong các vụ tấn công tối ngày 13/11. Trước đó, đã có thông báo cho biết trong số những người bị thương có nhiều công dân Mỹ.
22h10: Các nhà chức trách Hà Lan cho biết một chuyến bay tới Pháp đã được sơ tán và cho điều tra tại sân bay Schiphol, Amsterdam sau khi nhận được thư đe dọa.
21h56: Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Hội đồng An ninh Quốc gia trước khi đến dự Hội nghị G20 tại Antalya.
21h52: Bộ trưởng Bộ Tài chính Michel Sapin – người sẽ thay thế Tổng thống Hollande tham dự Hội nghị G20 tại Antalya vào ngày 15 và 16/11 tới đây cho biết:
“Bầu không khí nặng nề sẽ bao trùm Antalya. G20 sẽ đoàn kết với Pháp và sát cánh trong cuộc chiến chống khủng bố. Không đề cập đến bối cảnh như hiện nay, như thường lệ và hơn thế nữa, tôi sẽ hỗ trợ, bảo vệ và tác động đến những quy chế tài chính và thuế trước cộng đồng quốc tế”.
21h49: Các đại sứ quan Pháp tại các nước trở thành nơi tưởng nhớ các nạn nhân.
Tại các thành phố khác nhau trên thế giới, nhiều người dân đã tự tụ tập lại đến đặt hoa và nến trước các đại sứ quán của Pháp để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong tối ngày 13/11.
Trước quán bar Le Carillon, quận X hôm 14/11. Ảnh: Le Monde |
21h36: Tại quảng trường République, các nghệ sĩ graffiti bắt tay vẽ một thông điệp khổng lồ nêu lên phương châm của Paris trên những bức tường của các cửa hàng. Tại trung tâm của quảng trường, không xa nơi xảy ra vụ xả súng, một khẩu hiệu “j’être humain” (Tôi là con người) đã được dựng lên. Hàng chục người đặt nến và hoa ở phía dưới.
Các nghệ sĩ graffiti đang vẽ lên những bức tường tại quảng trường République. Ảnh: Le Monde |
21h28: Theo giáo sư Remy Nizard - bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình thuộc bệnh viện Lariboisiere đồng thời cũng là một trong những người chăm sóc cứu chữa cho các nạn nhân của các vụ tấn công, ông có cảm tưởng như đang “phẫu thuật trong chiến tranh”.
Các bác sĩ phẫu thuật cho các nạn nhân cảm thấy như đang làm việc trong chiến tranh. Ảnh: Le Monde |
21h27: Francois Moulins, công tố viên Paris cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào 19h tối ngày 14/11 (khoảng 1 giờ sáng ngày 15/11 theo giờ Việt Nam).
21h10: Các thành viên tạp chí biếm hoạ Charlie Hebdo bị sốc nhưng vẫn tập trung làm việc cho số báo mới. Khi được tờ Le Monde phỏng vấn, các thành viên của tờ Charlie Hebdo cho biết sẽ đưa ra bình luận vào chiều ngày 14/11. Trong tối ngày 13/11, một số thành viên của Charlie Hebdo đã được cảnh sát hộ tống đến nơi an toàn.
21h01: Chủ tịch đảng FN Marine Le Pen tuyên bố:
“Chúng ta đang sống trong nỗi kinh hoàng, trong bi kịch của một quốc gia, thủ đô nước Pháp đã bị tấn công một cách dã man chưa từng có”.
“Tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp và tạm thời kiểm soát biên giới. Đây là một quyết định đúng đắn. Điều thiết yếu lúc này là Pháp cần phải duy trì tình trạng kiểm soát biên giới vĩnh viễn…Nước Pháp cần thành lập các lực lượng quân sự, cảnh sát, hiến binh, tình báo và hải quan, đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ người dân của mình”.
“Pháp cần cấm các tổ chức Hồi giáo, các nhà thờ Hồi giáo cực đoan, những kẻ ngoại đạo thêu dệt sự hận thù trên đất nước của chúng ta cũng như những kẻ nhập cư bất hợp pháp. Chúng ta cần loại bỏ những kẻ khủng bố ra khỏi quốc tịch Pháp và cấm đoán sự hiện diện của chúng trên lãnh thổ của chúng ta”.
20h57: Có khoảng 100 đến 200 người đứng trước nhà hàng La Belle Equipe nằm trên đường Charonne, thuộc quận XI và cũng là nơi xảy ra một trong nhiều vụ tấn công tối 13/11.
Đám đông khoảng 100 - 200 người tập trung tại phố Charonne - một trong những điểm bị tấn công đêm 13/11. Ảnh: Le monde |
20h26: Ông Remi Feraud – người đứng đầu quận X cho biết, một trong những trợ lý của ông đã báo cáo về vụ xả súng. Do có nhà trên đường Bichat nên ông Remi đã ngay lập tức đến hiện trường.
“Những người chết nằm dài trên vỉa hè phía trước Le Petit Cambodge và Carillon. Đó là một khu vực rất sầm uất, được nhiều người biết đến và lui tới thường xuyên. Đây quả thực là một cú sốc khi chứng kiến sự tương phản đáng sợ giữa sự im lặng chết chóc và những gì thường diễn ra ở đây – nơi tôi sinh sống từ lúc còn trẻ cho đến tận giờ”.
20h22: Theo ghi nhận của phóng viên báo Le Monde, tại quận X ở Paris, nhiều người dân vẫn sinh hoạt bình thường trong các quán café, các siêu thị và các cửa hàng.
20h29: Cập nhật về tình hình các nạn nhân tại bệnh viện ở Paris:
AP-HP báo cáo, các nạn nhân chủ yếu được chữa trị tại các bệnh viện: Saint-Louis, Pitie-Salpetriere, Europeen Georges Pompidou, Henri-Mondor, Lariboisiere, Saint-Antoine và Beaujon.
Cho đến 18h (giờ Việt Nam) ngày 14/11, có 300 nạn nhân đang được chữa trị tại các bệnh viện nói trên trong đó:
- 80 người đang trong tình trạng nguy kịch.
- 177 người đang được cấp cứu.
- 43 người có liên quan (gồm nhân chứng hoặc các thân nhân người gặp nạn) đang được hỗ trợ.
- 53 người khác đã xuất viện.
20h19: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ra lệnh cho cơ quan an ninh và cơ quan tình báo của Israel cung cấp cho Pháp “sự hỗ trợ tối đa hết mức có thể” sau loạt tấn công ở Paris.
20h10: Tháp Eifffel sẽ đóng cửa cho đến khi có thông báo mới nhất.
20h03: Vì lý do an ninh, các phiên chợ Noel ở thủ đô Paris sẽ tạm đóng trong vòng ít nhất là 5 ngày. Bộ Nội vụ nghiêm cấm bán hàng và trưng bày trên các vỉa hè.
19h55: Cảnh sát bác bỏ các tin đồn về những vụ tấn công đồng thời và sau chuỗi tấn công tại Paris ở Strasbourg, Bagnolet,…
19h50: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tuyên dương các lực lượng tham gia vào hoạt động cứu hộ đêm 13/11:
“Từ tận đáy lòng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn vì sự anh hùng của họ. Toàn bộ lực lượng an ninh và cứu hộ của đất nước đang trong tình trạng báo động tối đa”.
Ông cũng cho biết một cuộc điều tra pháp lý đang được tiến hành bởi các cơ quan chức năng và lệnh giới nghiêm với lực lượng cảnh sát đã được thiết lập. Các hoạt động biểu tình bị cấm từ nay cho đến ngày 19/11.
Cảnh sát Pháp được lệnh giới nghiêm, kiểm soát chặt chẽ các địa điểm công cộng. Ảnh: Le Monde |
19h42: Người phát ngôn của cảnh sát từ chối xác nhận mối liên quan giữa đối tượng bị bắt giữ tại Đức hôm 5/11 với vụ tấn công thứ Sáu ngày 13/11 ở Paris vì lý do chưa thể xác định “đối tượng định làm gì với vũ khí mang theo”.
Đối tượng này đã bị bắt giữ với nhiều vũ khí tự động và chất nổ cất giấu trong xe của mình.
19h40: Một phút mặc niệm sẽ được dành ra trên toàn nước Pháp vào trưa thứ Hai 16/11. Quốc kỳ Pháp cũng sẽ được rủ xuống để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công.
19h38: Patrick Pelloux - một nhân viên cứu hộ khẩn cấp trực tại Samu Paris (trung tâm cứu hộ) tối 13/11 cho biết khoảng hơn 60 bác sỹ đã được điều động khẩn cấp đến hỗ trợ công tác cứu chữa ban đầu tại các hiện trường xảy ra tấn công.
Các nạn nhân của chuỗi tấn công liên hoàn được đưa chia ra chữa trị trong 50 bệnh viện của Ile-de-France. Các nhân viên cứu hộ và y tế cho biết đây thực sự là một vụ thảm sát, một cảnh tượng của chiến tranh, đặc biệt là các nạn nhân tại nhà hát Bataclan.
“Đạn bắn là loại 16.5mm với một vận tốc khá lớn và dễ dàng cho việc sát thương”, Patrick Belloux nhớ lại. Ngay cả những nhân viên cứu hộ có nhiều kinh nghiệm nhất cũng chưa từng chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy.
Lực lượng cứu hộ được huy động khẩn cấp và đặt vào tình trạng cảnh báo tối đa ở Ile-de-France. Ảnh: Le Monde |
19h25: Một số cư dân mạng xã hội phản ánh thông tin về một vụ xả súng mới đang diễn ra tại Bagnolet. Nguồn tin cảnh sát cho biết thông tin này chưa xác thực.
19h13: Việc trì hoãn Hội nghị COP21 đã được nêu ra tại cuộc họp khủng hoảng đầu tiên với Tổng thống và các thành viên nội các. Đến thời điểm này, chưa có thông tin xác thực việc COP21 sẽ bị lùi lại. Một cố vấn cấp Bộ cho biết vấn đề được ưu tiên hàng đầu hiện nay là làm sao để đảm bảo an ninh trên toàn lãnh thổ nước Pháp.
19h12: Phóng viên ảnh Georges Bartoli của tờ Le Monde đang có mặt tại chốt kiểm tra ở biên giới Pháp - Tây Ban Nha cho biết:
“Cảnh sát Pháp và Tây Ban Nha đang phối hợp tiến hành kiểm soát ở biên giới. Tình trạng ách tắc kéo dài khoảng 30km phía lãnh thổ Pháp”.
19h00: Một nguồn tin từ Đức cho biết có mối liên hệ giữa vụ bắt giữ một đối tượng nam tại Đức với chuỗi tấn công ở Paris.
Trong khi đó, nguồn tin của Le Monde cho biết một hộ chiếu mang quốc tịch Syria đã được tìm thấy gần một kẻ đánh bom liều chết ở Saint-Denis. Chủ nhân của cuốn hộ chiếu vẫn chưa được làm rõ.
Một số thông tin bên lề:
Trưa thứ Bảy ngày 14/11, Tổng thống Tunisie Beji Caid Essebi có chuyến thăm cá nhân nước Pháp và gửi lời chia buồn trực tiếp đến Tổng thống Francois Hollande. Được biết, Tunisie cũng là nạn nhân của nhiều vụ khủng bố thảm sát trong năm 2015 này.
Tổng thống Pháp (trái) đón Tổng thống Tunisia trưa 14/11. Ảnh: Le Monde |
Chủ tịch đảng hồi giáo Ennahda tại Tunisia Rached Ghannouchi thì lên tiếng chỉ trích “những tội ác khủng bố nhắm vào thường dân vô tội ở Paris”. Ông cũng khẳng định:
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chủ nghĩa khủng bố đã làm vấy bẩn hình ảnh của đạo Hồi, tạo ra những định kiến tiêu cực đối với những giá trị của đạo Hồi và đi ngược lại với tư tưởng của mọi tín ngưỡng, tôn giáo. Cần phải đương đầu với mối hiểm hoạ này bằng một quốc gia đồng thuận, đoàn kết và dân chủ”.
Giáo hoàng Francois bị “chấn động” bởi vụ tấn công liên hoàn ở Paris và lên án những hành vi tội ác của chủ nghĩa khủng bố.
“Tôi không thể hiểu nổi hành vi của những con người này. Không lời nào có thể biện minh được, dù là mục đích tôn giáo hay mục đích nhân văn. Điều này thật phi nhân tính”, Giáo hoàng nói qua một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại với kênh truyền hình TG2000.
Ông cũng khẳng định: “Tôi luôn ở ngay bên cạnh tất cả những ai đang chịu đựng sự thống khổ và cả nước Pháp - tôi yêu các bạn rất nhiều”.
Điện Elysée treo cờ để Quốc tang. Ảnh: Le Monde |
Chủ tịch Hội đồng điều hành Viện nghiên cứu về thế giới Ả Rập tại Pháp chia sẻ với phóng viên báo Le monde quan điểm cá nhân về quyết định đóng cửa các điểm văn hoá vừa được ban bố:
“Tôi không hề ngạc nhiên trước quyết định này. Tôi đồng tình cao với cách thức mà ngài Tổng thống giải quyết các vấn đề, đưa ra những biện pháp cụ thể, những lời nói rất nhân văn, rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn nên mở cửa các điểm văn hoá để chứng tỏ rằng cuộc sống thường nhật vẫn tiếp tục diễn ra và phải được đặt lên trên hết.
Ngay khi có thể, các viện văn hoá và các trường học phải được mở cửa trở lại, bởi vì đó là một trong những vũ khí đẩy lùi sự hỗn loạn - như một cách hỗ trợ cho công tác an ninh”.
Hoa và nến tưởng niệm các nạn nhân tại Quảng trường République. Ảnh: Le Monde |
Thục Anh - Chu Thanh
(Theo Le Monde)
TIN LIÊN QUAN |
---|