Công tác tuyên giáo thích ứng với thực tiễn ở những vùng đặc thù

Ngân Hạnh 28/07/2023 10:57

(Baonghean.vn) - Trước những thách thức đặt ra trong tình hình mới, hệ thống chính trị cơ sở và đội ngũ cán bộ tuyên giáo đang nỗ lực để kịp thời thích ứng với thực tiễn, làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. 

Khi già làng làm tuyên giáo

Là một trong những già làng uy tín của bản Cầu Tám (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn), ông Vi Thái Bình dù là người dân tộc Thái nhưng thông thạo tiếng của nhiều dân tộc khác. Theo ông, trong giao tiếp với bà con, dù nhiều người hiểu tiếng phổ thông, nhưng khi nói chuyện bằng tiếng của đồng bào, câu chuyện sẽ trở nên dễ đồng cảm và chia sẻ hơn. Trong những câu chuyện kể hay những buổi sinh hoạt bản làng, ông Vi Thái Bình đều khéo léo truyền tải những thông tin về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương làm tốt công tác định hướng tư tưởng, tuyên truyền thông tin nhanh chóng, đầy đủ đến bà con dân tộc thiểu số.

Ảnh 1.jpg
Già làng Vi Thái Bình được người dân bản Cầu Tám (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) tin tưởng và quý trọng. Ảnh: CSCC

Huyện Kỳ Sơn cách xa trung tâm của tỉnh, dân số hơn 82.000 người thì trong đó 94% là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn về kinh tế, trình độ dân trí không đồng đều. Với đặc thù riêng của huyện, công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như hoạt động nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn huyện có những đặc điểm riêng biệt trong khâu tổ chức thực hiện.

Ngoài tổ chức thông tin qua các kỳ sinh hoạt của chi bộ, sinh hoạt chi hội, chi đoàn, phát hành tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh cơ sở, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn cũng rất chú trọng kênh thông tin qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Theo ông Lữ Quang Hưng - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn, đội ngũ già làng, trưởng bản chính là “cánh tay nối dài”, đưa thông tin đến bà con một cách nhanh chóng và tin cậy.

Ảnh 3.jpg
Các già làng, trưởng bản chính là “cánh tay nối dài”, đưa thông tin đến bà con một cách nhanh chóng và tin cậy. Ảnh: CSCC

Cũng theo đồng chí Lữ Quang Hưng, để làm tốt công tác tuyên truyền ở vùng đặc thù như huyện miền núi Kỳ Sơn, cần có nhiều cách làm phù hợp với thực tiễn đời sống. Đối với những bản vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận thông tin qua sóng truyền thanh hay internet, Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường kết hợp với Đoàn Thanh niên, sử dụng loa kéo tuyên truyền đến từng thôn bản, từng hộ dân. Bên cạnh đó, để ngăn chặn, phản bác các tin giả, thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội, trong các cuộc họp thôn, bản, các báo cáo viên cũng phân tích, chỉ ra cho bà con những cách thức, chiêu trò mà đối tượng xấu tạo ra thông tin giả mạo, từ đó góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc.

Đối thoại sâu, định hướng dư luận thường xuyên

Vừa qua, UBND huyện Diễn Châu đã có buổi đối thoại với 10 hộ dân của xã Diễn Thọ chưa ký hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh Khu công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1. Tại đây, đồng chí Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện đã trực tiếp trả lời, giải thích các vướng mắc của người dân. Đây là một trong số nhiều cuộc đối thoại được tổ chức thường xuyên, kịp thời với mục đích lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng thời cơ quan chức năng giải thích, trả lời những băn khoăn của người dân, từ đó từng bước tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.

Ảnh 2.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Diễn Châu định hướng thông tin tuyên truyền với Đảng ủy cơ sở. Ảnh: CSCC

Đồng chí Chu Hồng Phi - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Diễn Châu cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện Diễn Châu đã triển khai có hiệu quả công tác đối thoại với cán bộ đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, khi có vấn đề dư luận quan tâm hay xuất hiện những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, lãnh đạo cấp ủy và chính quyền từ huyện đến xã đã kịp thời đối thoại với nhân dân để giải quyết vướng mắc ngay từ đầu. Gần đây nhất, vướng mắc trong thi công cao tốc Bắc –Nam đoạn qua địa bàn huyện, lãnh đạo huyện đã trực tiếp về đối thoại với dân để trao đổi, góp phần tháo gỡ vướng mắc, kịp thời ổn định tình hình ngay tại cơ sở, từng bước tạo đồng thuận trong nhân dân, để dự án triển khai thuận lợi, bảo đảm đúng tiến độ.

b2cd46da33efe0b1b9fe.jpg
Các báo cáo viên được định hướng một số nội dung trọng tâm trong công tác tuyên truyền. Ảnh: CSCC

Trong khi đó, trước năm 2018, Quỳnh Lưu từng là điểm "nóng" về an ninh trật tự, là tâm điểm chống phá của các đối tượng phản động. Đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện đã đi vào ổn định. Kết quả đó có sự vào cuộc tích cực của Ban Thường vụ Huyện ủy trong chỉ đạo làm tốt công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách bài bản, đồng bộ. Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh Lưu luôn chú trọng nắm bắt thông tin, các luồng dư luận xã hội trên không gian mạng, thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng phát tán những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xấu, độc vi phạm pháp luật trên không gian mạng để có hướng xử lý kịp thời.

Thời gian qua, huyện Quỳnh Lưu phát hiện và xử lý 8 trường hợp đối với các hành vi đăng tin sai sự thật, thiếu căn cứ, có dấu hiệu xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự cá nhân; có nội dung nhạy cảm ảnh hưởng đến dư luận trên địa bàn, đồng thời yêu cầu bóc gỡ thông tin và xử lý hành chính gần 50 triệu đồng. Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh Lưu cũng nỗ lực chuyển tải kịp thời các thông tin chính thống liên quan những vụ việc nóng được dư luận quan tâm để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, đồng thời cảnh giác trước âm mưu kích động của các đối tượng cực đoan và thế lực thù địch.

bna_hnbcv_4.JPG
Đồng chí Phạm Ngọc Cảnh – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy. Ảnh: Ngân Hạnh

Theo đồng chí Phạm Ngọc Cảnh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thời gian qua đã có nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh làm rất tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đồng thời, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều giải pháp tuyên truyền đã được triển khai thiết thực, có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, từng đặc điểm khu vực, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Việc ứng dụng Internet ngày càng phổ biến, bên cạnh nhiều thông tin bổ ích được cập nhật nhanh chóng, có những thông tin xấu độc, tin giả nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và xây dựng đất nước. Đó là những thách thức đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó những cán bộ làm công tác tuyên giáo là lực lượng nòng cốt. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp đã tăng cường bám sát cơ sở, đúc rút kinh nghiệm, vững vàng bản lĩnh, trí tuệ, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh, xây dựng môi trường chính trị ổn định, phục vụ phát triển của quê hương.

Công tác tuyên giáo thích ứng với thực tiễn ở những vùng đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO