Công trình phụ mà "không phụ"
(Baonghean) - Nhà vệ sinh công cộng tại các khu, điểm du lịch là công trình “phụ mà chính”, góp phần quan trọng tác động đến đánh giá của du khách về chất lượng điểm đến, dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện toàn tỉnh mới chỉ có 79 nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
“Nỗi buồn” khó nói
Thời gian qua, hàng ngàn du khách gần xa đã tìm về các cánh đồng hoa ở Nghĩa Đàn để thưởng lãm khung cảnh nên thơ, chụp hình lưu niệm với muôn sắc hoa rực rỡ. Mới xuất hiện chưa lâu, nhưng những cánh đồng hoa hướng dương, tam giác mạch, hoa cánh bướm… đã thực sự tạo nên “cơn sốt” check-in cho du lịch Nghệ An.
Lắng nghe phản hồi của nhiều du khách ngay tại cánh đồng hoa cũng như trên mạng xã hội, vui mừng khi phần lớn đều dành những lời khen ngợi cho điểm du lịch mới này: giao thông thuận tiện, cảnh sắc đẹp, dịch vụ đa dạng… Duy chỉ có điều, không ít vị khách thẳng thắn thốt lên “nỗi buồn” mà có lẽ ai cũng gặp phải khi đến với địa điểm này, đó là thiếu nhà vệ sinh công cộng!
Nhà vệ sinh công cộng ở Quảng trường tại TP. Vinh. Ảnh: Phước Anh |
Một vị khách nam đến từ tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Cánh đồng hoa rộng mênh mông, xung quanh là lán trại giữ xe, bán nước, cho thuê trang phục… nhưng sao không ai nghĩ đến chuyện dựng một dãy nhà vệ sinh công cộng?
Một số du khách khác cho biết, họ di chuyển đường dài đến các cánh đồng hoa nên rất có nhu cầu “giải tỏa”, tuy nhiên không thấy nhà vệ sinh công cộng, khách nữ đành tìm đến khu vực nhà dân ở cách đó khá xa và phiền phức, còn khách nam thì tìm chỗ khuất để “giải quyết”!
Thiếu nhà vệ sinh công cộng không chỉ gây nên phiền hà, bực bội cho du khách mà còn là nỗi ngại ngùng, xấu hổ của nhiều hướng dẫn viên, điều hành tour… Hướng dẫn viên Phan Thế Đức chia sẻ: Mỗi lần khách hỏi nhà vệ sinh ở đâu là ngại vô cùng vì có nhà vệ sinh đâu mà chỉ, có điểm thì có nhà vệ sinh nhưng bẩn đến nỗi khách chưa vào đến nơi đã phải quay đầu. Nhiều khi chỉ vì chuyện không có nhà vệ sinh mà chuyến đi phải rút ngắn lại để đưa khách về khách sạn giải quyết!
Thống kê của Sở Du lịch cho thấy, đến nay, toàn tỉnh có 199 nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch tại các di tích, danh thắng, điểm du lịch; trong đó mới chỉ có 79 nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Chất lượng và số lượng nhà vệ sinh như hiện nay rõ ràng chưa thể đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nhà vệ sinh công cộng là do suy nghĩ, quan điểm của một số ban quản lý khu, điểm du lịch đã xem nhẹ “công trình phụ”, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt để cải thiện vấn nạn nhà vệ sinh; thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, xây dựng; thiếu nhân viên làm nhiệm vụ vệ sinh công trình hoặc có nhưng làm hời hợt… Cũng không thể không kể đến ý thức của một bộ phận người dân, du khách khi có nhà vệ sinh nhưng không sử dụng mà giải quyết ẩu ở bất kỳ nơi nào họ cho là thuận tiện!
Còn nhớ, năm 2012, trong chương trình kích cầu du lịch, Tổng cục Du lịch đã đưa ra khẩu hiệu “Ở đâu có du lịch, ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn”, tuy nhiên với du lịch Nghệ An, đến nay khẩu hiệu ấy vẫn chưa thực hiện được.
Đầu năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Vinh về xây dựng TP. Vinh văn minh đô thị năm 2017, Thành đoàn Vinh đã có đợt ra quân gắn nhà vệ sinh công cộng cho người dân tại các quán cà phê. Đợt ra quân đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên đến nay sự lan tỏa từ các mô hình thí điểm chưa cao, vấn nạn nhà vệ sinh công cộng vẫn còn rất bức thiết.
Xã hội hóa nhà vệ sinh
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và dịch vụ tại các khu, điểm tham quan, du lịch trên địa bàn; trong đó có việc xây dựng, nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách. Theo đánh giá, một số điểm tham quan có đông lượng khách như Khu Di tích Kim Liên, Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, Quảng trường Hồ Chí Minh, chùa Đại Tuệ, Khu Du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm… đã có nhà vệ sinh khá khang trang. Hầu hết các quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử đều có hạng mục xây dựng nhà vệ sinh công cộng.
Nhiều cơ sở dịch vụ, mua sắm, cửa hàng bán xăng dầu trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã quan tâm hơn trong việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình nhà vệ sinh công cộng tại các điểm tham quan, du lịch, cơ sở dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ ngày càng cao của du khách.
Một nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn cho khách du lịch ở TP. Vinh. Ảnh: Phước Anh |
Đầu tháng 12/2018, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, toàn bộ các khu du lịch trọng điểm có ít nhất 1 nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Đến năm 2025, cơ bản các khu, điểm du lịch trọng điểm, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh trở lên có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Tổng số nhà vệ sinh đạt chuẩn đến năm 2025 là 181 nhà. Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu bố trí quỹ đất để xây dựng nhà vệ sinh được quy hoạch mới theo đề án. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 42,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh là 26,7 tỷ đồng; vốn khác (nguồn vốn ngân sách huyện, xã kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa) là 16,2 tỷ đồng.
Vừa qua, Sở Du lịch Nghệ An đã phát động chương trình xã hội hóa nhà vệ sinh cho khách du lịch, nhằm phát huy nguồn sẵn có nhằm xã hội hóa nhà vệ sinh cho khách du lịch, nâng cao sự hài lòng của du khách; Phổ biến, nhân rộng những cách làm tốt, mô hình hay trong xã hội hóa xây nhà vệ sinh; Góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, thân thiện, hiếu khách của người dân, thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch.
Ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Theo kế hoạch, tới đây, Sở sẽ chủ trì chỉ đạo, phối hợp trong quá trình vận động các tổ chức tham gia phong trào trên tinh thần tự nguyện, tích cực hợp tác, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nguồn lực cho việc xây dựng và xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch; hướng dẫn in và lắp đặt logo nhận diện nhà vệ sinh được thiết kế theo mẫu quy định của Tổng cục Du lịch.
Về phía các địa phương, Sở Du lịch đề nghị phối hợp vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, bến xe, cửa hàng xăng dầu dọc trên quốc lộ và tỉnh lộ, điểm dừng chân, các điểm di tích, tham quan trên địa bàn tích cực tham gia xã hội hóa nhà vệ sinh dành cho khách du lịch…
Bên cạnh đó, Sở Du lịch còn đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan như Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Hiệp hội Du lịch, các tổ chức và doanh nghiệp… quan tâm và tích cực chung tay xã hội hóa nhà vệ sinh, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hình ảnh điểm đến, tạo sự hài lòng cho du khách gần xa.