Covid-19: Cuộc khủng hoảng chưa có điểm dừng

Hoàng Bách ((Theo NYT))

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean) - Tại các nước bị Covid-19 tấn công, câu hỏi đặt ra là khi nào mọi người có thể trở lại làm việc, sinh hoạt bình thường? Còn với hầu hết phần còn lại của thế giới, cơn ác mộng vẫn chưa bắt đầu.

Kịch bản xấu nhất chưa xảy ra

Một phần nỗi kinh hoàng nằm ở chỗ, nhiều quốc gia nghèo hơn sẽ không có đủ phương tiện để hành động trong đại dịch. Chẳng những vậy, khi cộng đồng quốc tế thiếu tính tổ chức và vai trò lãnh đạo trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu, thì các nước trên cũng không thể dựa vào sự giúp đỡ từ các quốc gia giàu có hơn.

Cho đến nay, trừ Iran, còn những quốc gia chịu tổn hại nặng nề nhất đều là các nước có nền kinh tế, giới khoa học và dịch vụ y tế bậc nhất thế giới; và thậm chí Iran cũng sở hữu hệ thống y tế hoạt động một cách tương đối. Điều có lẽ đang đón đợi ở phía trước là sự lây lan virus Corona xuyên khắp các quốc gia bị xung đột giày xéo, các khu trại di cư và trung tâm giam giữ nêm kín người ở những nơi như Syria hay Bangladesh, các thành phố đông đúc như Mumbai, Rio de Janeiro hay Monrovia, nơi mà giãn cách xã hội là điều bất khả thi…

Cha đưa con tới cửa tiệm tạp hóa mua đồ tại Rawalpindi, trong thời gian phong tỏa toàn quốc của Pakistan. Ảnh: AFP
Cha đưa con tới cửa tiệm tạp hóa mua đồ tại Rawalpindi, trong thời gian phong tỏa toàn quốc của Pakistan. Ảnh: AFP

Khi đó, sẽ không chỉ là thảm họa với riêng họ mà với cả phần còn lại của thế giới, do các nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn, các nền kinh tế mong manh sụp đổ, giàu nghèo càng phân tách rõ và virus không loại trừ khả năng trở lại “lợi hại gấp hai” tại các khu vực ở phía Bắc.

Cho đến nay, những khu vực dễ bị tổn thương nhất ghi nhận khá ít ca nhiễm Covid-19, một tại Yemen, rải rác tại châu Phi và Trung Đông. Nhưng đó có thể một phần là do hoạt động báo cáo không đủ độ tin cậy, hay cố ý giấu dịch. Những con số đang tăng lên, và như thế giới đã được chứng kiến, dịch Covid-19 sẽ có chiều hướng phình ra một cách đột ngột và nhanh chóng.

Một cuộc khảo sát của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho biết khó có thể dự báo đầy đủ tác động, nhưng “nếu dịch bệnh lan rộng tại các trung tâm thành thị đông đúc tại các quốc gia dễ tổn hại, thì tình hình có lẽ sẽ gần như ngoài tầm kiểm soát. Kinh tế hiện đã chững lại một cách nghiêm trọng sẽ làm gián đoạn các dòng chảy thương mại và gây thất nghiệp, tạo tổn thất ở những cấp độ khó dự báo và thật nghiệt ngã khi nghiền ngẫm”.

Lệnh phong tỏa toàn quốc tại Ấn Độ sẽ được gia hạn ít nhất đến ngày 3/5. Ảnh: AFP
Lệnh phong tỏa toàn quốc tại Ấn Độ sẽ được gia hạn ít nhất đến ngày 3/5. Ảnh: AFP

“Cuộc chiến thực sự”

Để cảm nhận rõ hơn mức độ tình hình nguy hiểm của một số quốc gia đang phát triển, hãy tính đến một trong những thiết bị y tế trọng yếu nhất được sử dụng trong điều trị Covid-19: máy trợ thở. Theo một ước tính mới đây, Mỹ có khoảng 160.000 chiếc, trong khi con số đó ở Sierra Leone là 13, Nam Sudan là 4, Cộng hòa Trung Phi là 3. Tại Venezuela, nơi 90% bệnh viện hiện đang đối diện với sự thiếu thốn, theo một báo cáo của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, chỉ có 84 giường điều trị đặc biệt, trong khi dân số là 32 triệu người.

“Bài học từ cuộc khủng hoảng này là những mắt xích yếu nhất trong chuỗi y tế toàn cầu đã đe dọa đối với sức khỏe ở khắp mọi nơi. Chúng ta không thể gánh nổi những mắt xích yếu này, và phải tăng cường các nỗ lực tại các quốc gia và các cộng đồng có chiến tranh để nâng cơ hội sống của họ”.

Chủ tịch Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) David Miliband

Tại Mỹ và châu Âu, các chính phủ và các doanh nghiệp có khả năng chi trả cho nhiều lao động mất việc tối thiểu là một phần tiền lương của họ, và những người khác cũng đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhưng hàng tỷ người tại châu Phi, Mỹ Latinh và Nam Á không có lấy chút “lưới an toàn” nào và không có tiền tiết kiệm. Liên hợp quốc (UN) đã cảnh báo, tổn thất thu nhập tại các quốc gia đang phát triển có thể vượt quá con số 220 tỷ USD.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Australia dự kiến tăng từ 5,1 lên 10% trong quý II do Covid-19. Ảnh: AFP
Tỷ lệ thất nghiệp tại Australia dự kiến tăng từ 5,1 lên 10% trong quý II do Covid-19. Ảnh: AFP

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhanh chóng đề xuất các khoản vay khẩn cấp trị giá hàng tỷ USD cho các nước nghèo hơn, dù họ cảnh báo chừng ấy sẽ chưa đủ. Các quốc gia có chính phủ tương đối ổn định, chẳng hạn Peru, đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó; trong khi các quốc gia đang bị ảnh hưởng như Haiti hay Venezuela hầu như không có sẵn biện pháp bảo vệ nào. Một số “nền độc tài” trong mắt phương Tây như Ai Cập được cho là đã tận dụng dịch bệnh để siết chặt quyền hành. Còn ở Nam Bán cầu, những tác động của đại dịch có thể được giảm nhẹ nhờ dân số trẻ, chẳng hạn tại các nước châu Phi như Niger, Angola, Chad, Mali, Uganda và Somalia, với gần một nửa dân số từ 15 tuổi trở xuống. Trong khi tại Mỹ, con số này chỉ là 19%.

Tổng Thư ký UN Antonio Guterres cùng Giáo hoàng Francis đã kêu gọi ngừng mọi xung đột toàn cầu để tập trung vào điều mà ông Guterres gọi là “cuộc chiến thực sự trong cuộc đời của chúng ta”. Tuần trước, Saudi Arabia đã thông báo ngừng bắn trong cuộc chiến chống phe nổi dậy Houthi tại Yemen, và các nhóm vũ trang đã bày tỏ khát vọng ngừng tham chiến tại Colombia, Cameroon và Philippines. Chính phủ Afghanistan và Taliban đều đang khởi động các nỗ lực nhằm ngăn virus lây lan. Còn Nga có thể sẽ cảm nhận được gánh nặng từ việc hậu thuẫn cho quân đội Syria nếu Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế nước này.

Nhưng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại đang kêu gọi các phần tử ủng hộ gia tăng nỗ lực. Các tay súng Houthi không đáp ứng đề nghị ngừng bắn của Saudi Arabia, và chiến sự đang leo thang tại nhiều khu vực Nam Sahara thuộc châu Phi…

Đo thân nhiệt của hành khách nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Juba, Nam Sudan, ngày 31/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Đo thân nhiệt của hành khách nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại sân bay quốc tế ở Juba, Nam Sudan, ngày 31/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuẩn bị cho mặt trận kế tiếp

Việc chính phủ các nước giàu trước hết tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 ngay trong phạm vi đường biên của mình là điều có thể hiểu được. Chưa từng có thứ gì như virus Corona, có thể khiến phần lớn thế giới đảo lộn chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thật đáng thất vọng khi một mối nguy đối diện với toàn bộ thế giới, có khả năng gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu, lại dẫn tới quá ít sự hợp tác quốc tế và nhận được quá ít sự lãnh đạo toàn cầu như hiện nay.

Đây là cuộc khủng hoảng mà một số nước, chẳng hạn Mỹ có thể nổi lên với vai trò lãnh đạo. Nhưng từ những thất bại trong nước, chính quyền Trump hầu như không truyền được chút cảm hứng nào cho thế giới. Phản ứng tại châu Âu cũng đầy lúng túng và chia rẽ: Chủ tịch tổ chức khoa học chủ chốt của Liên minh châu Âu hồi tuần trước đã từ chức để phản đối cách khối nước này giải quyết cuộc khủng hoảng này. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại đang bị chỉ trích nặng nề, từ những quan điểm cho rằng mối quan hệ phức tạp của họ với Trung Quốc có thể phá hoại sứ mệnh mà họ gánh trên vai.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu do Covid-19 dự kiến còn diễn biến xấu hơn hiện nay nhiều. Ảnh minh họa- Getty
Cuộc khủng hoảng toàn cầu do Covid-19 dự kiến còn diễn biến xấu hơn hiện nay nhiều. Ảnh minh họa Getty

Tình hình này khó bề thay đổi, nhất là khi dịch bệnh tiếp tục hoành hành tại Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và nhiều nước ở Bắc Bán cầu, và nhất là trong năm Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống, thì cuộc chiến chống Covid-19 càng dễ bị chính trị hóa. Nhưng sự yếu kém của Washington không nên là yếu tố ngăn trở đội ngũ chuyên gia tại các nước phát triển - bao gồm nhóm chuyên gia cố vấn, truyền thông, các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ - tập trung vào một chiến lược dành cho mặt trận kế tiếp và có thể là khốc liệt nhất trong cuộc đấu tranh chống Covid-19. Nhiều tổ chức hiện đã bắt đầu làm vậy, nhận thức rằng đây có thể sẽ là cuộc đấu định hình thời đại của chúng ta, và nếu thế giới cần đến một phản ứng toàn cầu, thì chính là ngay lúc này!

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.