CPTPP ấn định thời điểm hiệu lực: Bước ngoặt lớn với Vành đai Thái Bình Dương

Thanh Sơn 31/10/2018 15:06

(Baonghean) - Với việc Canada, quốc gia thành viên thứ 6 hoàn tất việc phê chuẩn ngày 29/10, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức có hiệu lực từ cuối tháng 12 tới. Đây là một cột mốc với thương mại tự do, kết nối khu vực và cả an ninh chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương ở tương lai.

Bộ trưởng Đa dạng hóa thương mại quốc tế của Canada Jim Carr trao cho Cao ủy New Zealand tại Canada Daniel Mellsop thông báo về việc phê chuẩn CPTPP. Ảnh: Cbc.ca
Đầu giờ chiều ngày 29/10, Bộ trưởng Đa dạng hóa thương mại quốc tế của Canada Jim Carr đã có cuộc gặp với ông Daniel Mellsop, Cao ủy New Zealand tại Canada để thông báo về việc Canada chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là động thái mang tính thủ tục để New Zealand - quốc gia chịu trách nhiệm theo dõi và ghi chép tiến trình hiệp định, ghi nhận một cột mốc mới của thỏa thuận đa phương này. Bộ trưởng Jim Carr cho biết Canada đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để phê chuẩn và thực hiện CPTPP. Là quốc gia thứ 6 phê chuẩn CPTPP (sau Nhật Bản, Mexico, Singapore, Australia và New Zealand), Canada sẽ nằm trong nhóm các quốc gia thành viên đầu tiên được hưởng những lợi ích của CPTPP khi thỏa thuận được thực thi. Như vậy, CPTPP sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 12, tức 60 ngày sau khi được 6 nước thành viên phê chuẩn.


Quyết tâm đối đầu chủ nghĩa bảo hộ

CPTPP ra đời trong một bối cảnh hỗn loạn của môi trường địa chính trị toàn cầu. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa biệt lập và các phong trào dân túy đặc biệt tại Mỹ khiến các cam kết chung của thế giới lần lượt bị phá bỏ. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - phiên bản tiền nhiệm của CPTPP mà Mỹ từng là nhân tố dẫn đầu cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Thế giới ngỡ ngàng, hụt hẫng trước sự sụp đổ quá nhanh của những lời hứa với thương mại tự do, của các cam kết chiến lược, nhường chỗ cho sự cứng rắn, thực dụng trong mọi mối quan hệ. 10 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kết thúc sự tham gia của Mỹ vào TPP tại Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng, 11 thành viên còn lại tham gia đàm phán nhất trí tiếp tục hành trình ủng hộ một khu vực thương mại tự do và mở như đã vạch ra, bất chấp thiếu hụt đối tác lớn nhất là Mỹ.

Và chỉ mất 5 tháng làm việc, tới tháng 3 vừa qua, 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương còn lại, đã ký kết một hiệp định mới nhằm tiếp tục lộ trình xóa bỏ các rào cản thuế quan trong khu vực. Thỏa thuận mới, được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được đánh giá là "hướng đi" đúng đắn cho một nền thương mại tiến bộ, cởi mở và công bằng trong thế kỷ 21, nơi không có mối đe dọa của các cuộc chiến tranh thương mại. Việc lễ ký kết CPTPP diễn ra gần như cùng thời điểm Tổng thống Mỹ quyết định áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ các đối tác càng khiến dư luận xem sự kiện này là một thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, vốn đang trở thành rào cản đối với tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Về mặt hình thức, CPTPP đánh dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của 11 quốc gia thành viên nhằm hồi sinh TPP. Thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump - người luôn đổ lỗi cho thương mại tự do là nguyên nhân khiến người dân Mỹ mất việc làm, tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP khi mới lên nhậm chức, đã xuất hiện những hoài nghi rằng TPP sẽ không thể đứng vững nếu không có quốc gia có sức ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại vẫn nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận này với quyết tâm cao. Việc tái đàm phán và sắp xếp lại các điều khoản trong thỏa thuận CPTPP mới khi không còn Mỹ diễn ra thuận lợi, nhanh chóng chứng tỏ các thành viên còn lại đủ kiên nhẫn để theo đuổi xu hướng tự do hóa thương mại và đa phương hóa quan hệ kinh tế bất chấp những lời chỉ trích nặng nề từ phong trào dân túy và bảo hộ.

Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định CPTPP là một thành tựu lịch sử giúp tạo ra những quy tắc tự do và công bằng trong thế kỷ 21 ở châu Á - Thái Bình Dương. CPTPP không chỉ mang lại lợi ích cho các nước thành viên, mà còn tạo động lực mới cho sự hợp tác và liên kết kinh tế - thương mại của khu vực. Với CPTPP, giờ đây các nước thành viên đã có công cụ hữu hiệu để thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực. Những nỗ lực hồi sinh TPP, cho ra đời một CPTPP đầy tiềm năng đang tạo ra cho các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương những cơ hội lớn để tiếp tục dẫn dắt nhịp độ tăng trưởng kinh tế-thương mại toàn cầu.

Còn đó những dấu hỏi

Với vị trí nằm trên 3 châu lục và định vị trong Vành đai Thái Bình Dương, CPTPP đang mang trong mình nhiều tiềm năng. Đây được coi là một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường lên tới 463 triệu dân và tổng sản phẩm GDP vào khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu. “Sức hút” của CPTPP thậm chí còn lớn hơn sau khi “xếp lại” một số điều khoản của TPP, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong khu vực. Nhiều nền kinh tế lớn tại Thái Bình Dương như Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) và mới đây nhất là Thái Lan đã cân nhắc những lợi ích của việc gia nhập CPTPP. Ngoài ra, Anh cũng đã nhiều lần thể hiện ý muốn tham gia hiệp định sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Chính sự hấp dẫn đó cũng đang góp phần mở ra khả năng quay trở lại CPTPP của nước Mỹ.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tiễn bối cảnh thế giới đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả thực sự mà CPTPP mang lại, khi mà chỉ còn 2 tháng nữa thỏa thuận này chính thức có hiệu lực. Trên thực tế, việc Mỹ rút khỏi TPP - tiền thân của CPTPP, đã khiến tiềm năng kinh tế của các nước tham gia hiệp định này bị giảm sút. Sự tham gia của Mỹ trong TPP sẽ giúp tổng xuất khẩu của 12 nước thành viên đạt khoảng 26,6% thương mại toàn cầu, trong đó có khoảng 11,4% đến từ thương mại nội khối, song việc thiếu vắng Mỹ đã khiến tổng xuất khẩu của 11 nước còn lại giảm còn 15,2% thương mại toàn cầu và 2,3% đến từ nội khối. Không chỉ vậy, việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan theo như các cam kết sẽ khiến áp lực cạnh tranh gia tăng giữa các nước thành viên, buộc các nước thành viên nói chung và doanh nghiệp nói riêng phải chuyển đổi, tái cơ cấu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu không làm được điều này, nhiều doanh nghiệp nhất là ở những nước đang phát triển có nguy cơ thất bại trên chính thị trường nội địa, bị giải thể hoặc phá sản. Hệ quả là một bộ phận người lao động bị mất việc làm và khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng bị nới rộng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Canada Justin Trudeau là 2 lãnh đạo tích cực thúc đẩy CPTPP. Ảnh: Quartz
Ngoài ra, với tính chất là một thỏa thuận tự do thương mại thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao và nhiều nội dung ràng buộc rộng và khắt khe, các thành viên tham gia được dự báo gặp không ít khó khăn trong quá trình thực thi, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân túy đang nổi lên. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bị kẹt ở vị trí trung lập và vòng đàm phán Doha trải qua một thập kỷ hoàn toàn bế tắc. Nhiều thành viên dù lạc quan nhưng cũng phải khẳng định thách thức lớn nhất trong thời gian tới chính là năng lực thực thi CPTTP.

Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, mục tiêu cao nhất khi TPP được khởi xướng là việc tạo dựng một không gian địa chính trị mới tại châu Á Thái Bình Dương thông qua một hiệp định thương mại tự do đa phương. Trong đó, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama với tư cách là người lĩnh xướng TPP muốn hiệp định này trở thành trụ cột trong Chính sách Xoay trục sang châu Á Thái Bình Dương của mình, giúp Mỹ đương đầu với sự nổi lên về kinh tế, quốc phòng và quyền lực mềm của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc chính quyền đương nhiệm của ông Donald Trump chọn cách đối đầu trực diện với Trung Quốc bằng các lệnh áp thuế, vai trò của CPTPP sẽ phai nhạt nhiều. Đó sẽ là công cụ thứ cấp để răn đe và kiềm chế Trung Quốc, trong khi mục đích thương mại cũng không còn rõ ràng. Tổng thống Trump vẫn “thích” các hiệp định thương mại tự do song phương hơn, bởi đó là nơi nước Mỹ có nhiều lợi thế hơn trong đàm phán./.

Mới nhất

x
CPTPP ấn định thời điểm hiệu lực: Bước ngoặt lớn với Vành đai Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO