Cử nhân thất nghiệp: Chờ lời giải từ tân Bộ trưởng Giáo dục
Các chuyên gia, nhà giáo mong muốn tân Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ có sự đột phá để giải bài toán cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp gia tăng.
Chất lượng giáo dục đại học (ĐH) có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao dân trí, quyết định đến nguồn nhân lực của quốc gia.
Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng các trường ĐH, CĐ ở nước ta phát triển với tốc độ nhanh chóng (với hơn 440 trường) nhưng lại chưa chú trọng đến đào tạo chất lượng, chương trình giảng dạy còn dàn trải thiếu thực tế khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm.
Đứng trước những bất cập ở hệ thống giáo dục ĐH, các chuyên gia, nhà giáo bày tỏ mong muốn trên cương vị mới, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ có những quyết sách đúng đắn nhằm vực dậy và tạo sự đột phá cho chất lượng giáo dục ĐH.
Người dân mong đợi tân Bộ trưởng Giáo dục sẽ giải được bài toán cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp gia tăng (ảnh minh họa) |
Hệ thống trường cộng đồng không cấp văn bằng cần được phát triển
Là chuyên gia nghiên cứu về giáo dục cho mọi người, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, mặc dù nước ta có hơn 440 trường ĐH, CĐ được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhiều đối tượng trong xã hội nhưng hệ thống giáo dục đào tạo từ xa chưa được phát triển.
Chính vì vậy, mong rằng, trên cương vị mới, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ có những quyết sách, giải pháp để phát triển thống giáo dục từ xa để những công nhân, nông dân, các cụ già không đến trường được vẫn có thể tự học tập ở nhà.
Ngoài ra, nước ta cần phải có một hệ thống trường cộng đồng đào tạo sau trung học để bất cứ một người lao động nào vẫn có thể nâng cao trình độ được. Hệ thống trường này không nhất thiết là đào tạo rồi sau đó cấp cho họ văn bằng mà mục tiêu vẫn là cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người dân. Ví dụ như một người đã tốt nghiệp trung cấp nghề cơ khí nhưng vẫn có thể học thêm một số kiến thức, kỹ năng công nghệ mới ở các trường cộng đồng. Hay những công nhân đã tốt nghiệp THPT nhưng hiện đang sản xuất ở trong nhà máy, xí nghiệp thì có thể học thêm để bổ sung trình độ, kỹ năng về ngành nghề mà họ đang làm để công việc hiệu quả hơn.
Nhật Bản là một nước rất coi trọng đến phát triển giáo dục cho cộng đồng nên nước này đã thành lập khoảng 180 trường nhằm đào tạo cho tất cả người dân không đỗ ĐH nhưng lại rất muốn hiểu biết thêm về kiến thức, kỹ năng ngành nghề nào đó mà họ đang theo đuổi.
Nếu mỗi địa phương ở nước ta có một trung tâm đại học cộng đồng hoặc công dân thì rất tốt cho việc phát triển đào tạo nguồn nhân lực ở các ngành nghề phù hợp với mỗi địa phương.
Sắp xếp lại hệ thống trường ĐH, CĐ
Hiện nay, nước ta có khoảng 350 trường ĐH, CĐ công lập. Hình thức hoạt động của các trường này vẫn là trông chờ vào sự “bao cấp” về nguồn ngân sách của Nhà nước nên chất lượng đào tạo còn yếu kém, chưa có sự bứt phá trong giảng dạy.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam |
Nhằm thay đổi mô hình hoạt động để thúc đẩy chất lượng đào tạo, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, trên cương vị Bộ trưởng Giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ nên tạo sự đột phá trong quản lý, sắp xếp lại hệ thống trường ĐH, CĐ trên cả nước.
Theo đó, hệ thống giáo dục ĐH hiện nay phải là hệ thống trường tự chủ, có thể độc lập quyết định mọi vấn đề về tuyển sinh, tài chính, giảng viên… Các trường ĐH bị bó hẹp hay không phát huy được tính tự chủ sẽ không thể phát triển. Song song với quyền được tự chủ thì các trường phải tự chịu trách nhiệm trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội.
Đối với việc quản lý chất lượng đào tạo, GS.TS Phạm Tất Dong kiến nghị với tư lệnh ngành Giáo dục là cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo ở các trường ĐH, CĐ. Trường nào đào tạo yếu kém thì Bộ GD-ĐT có thể cho giải thể hoặc hạ bậc đào tạo.
Bởi vì hiện nay, nước ta có nhiều trường không xứng tầm bậc ĐH, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Mục tiêu đào tạo của họ dường như không phải là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội mà là kinh doanh giáo dục, thu càng nhiều học phí của sinh viên càng tốt và bị lợi nhuận làm “lu mờ” cam kết đào tạo.
Nhiều học sinh tâm sự rằng, mặc dù các em chưa đăng ký hay xét tuyển ĐH, CĐ nhưng đã nhận được giấy mời vào học, chẳng cần thi hay xét tuyển gì của nhiều trường.
Hệ lụy của vấn đề trên là nhiều trường ĐH đào tạo ra những lứa sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm hoặc phải làm trái ngành nghề. Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước chỉ là lãng phí tiền bạc của biết bao gia đình sinh viên chứ không đạt hiệu quả gì.
Ngoài việc quản lý chất lượng đào tạo thì ngành Giáo dục cần sắp xếp, phân loại lại các trường ĐH.
Hiện nay, chúng ta đang phân loại các trường ĐH theo dạng tốp đầu, tốp giữa và tốp dưới. Cách phân loại như vậy không sát với thực tế đào tạo nguồn lực. Thay vì phân loại theo hình thức trên, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, hệ thống các trường ĐH nên được chia theo nhóm trường trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực cao cấp cho các ngành và ĐH địa phương đào tạo nhân lực ở mọi ngành nghề cho chính nơi đó.
Còn những trường ĐH nào không đảm bảo các tiêu chí đào tạo theo 2 nhóm trường trên thì Bộ GD-ĐT nên cương quyết hạ bậc đào tạo của họ xuống. Như vậy, hệ thống đào tạo ĐH sẽ giảm về số lượng để tập trung vào nâng cao chất lượng./.
Theo VOV