Cụ ông 97 tuổi vẫn viết sách và đạt giải A sách hay toàn quốc
(Baonghean.vn) - Là một trong 3 tác giả vừa đạt giải A sách hay Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ Nhất, với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tuy đã bước sang tuổi 97, ông vẫn dự định tiếp tục viết để thỏa niềm đam mê và quan trọng nhất là viết để giữ lại văn hóa cho con cháu đời sau.
“Người sửa xe đạp” viết sử
Bước sang tuổi 97, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn rất dẻo dai, minh mẫn, uyên bác với những kho tàng kiến thức lịch sử, địa lý. Ảnh: Chu Thanh |
Trở về sau lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất diễn ra vào ngày 19/4/2018, niềm vui vẫn sáng trên gương mặt của ông Tư khi 2 cuốn sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1858-1954)” vượt qua 514 đầu sách khắp cả nước để giành giải A sách hay. Nói về con đường trở thành nhà nghiên cứu của mình, ông Tư tủm tỉm trong đôi chữ “đam mê” và “cái duyên”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trao giải sách hay sách đẹp cho các tác giả đoạt giải A. Ảnh: Internet |
Sinh ra ở xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, từ nhỏ, ông Tư đã bộc lộ khả năng học tập, thơ văn hơn so với những đồng bạn cùng trang lứa. “Ngày ấy, tôi là một trong hai người đậu bằng tú tài của xã. Chữ nghĩa tiếng Pháp cũng tốt nên giúp không ít cho việc nghiên cứu về sau”, ông Tư nhớ lại. Ngay từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, ông Tư cũng tập tành viết lách với cuốn đầu tay về vị tướng Nguyễn Xí hay những tập thơ văn “Nguồn sống”, “Gì ghẻ con chồng” …
Tốt nghiệp tú tài, tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp rồi quay trở về quê hương nhưng cái nghèo cái đói bủa vây khiến ông Tư quyết định đưa vợ con vào Nam lập nghiệp vào những năm 1955. Ông Tư cười, “Cũng kinh qua nhiều nghề, từ anh nhân viên cổ cồn trắng cho đến anh thợ sửa xe đạp ngoài hè phố nhưng tôi vẫn đam mê viết lách, nghiên cứu văn hóa”.
Vào giai đoạn khó khăn, từ năm 1976 đến những năm 1982, 1983, ông Tư mở tiệm sửa xe đạp kiếm tiền nuôi gia đình. Vất vả trên những hè phố Sài Gòn thời bấy giờ nhưng cứ hễ rảnh tay ông lại tranh thủ viết lách. Ông Tư phân trần “Nó như cái nghiệp ngấm vào thân, không viết, không đọc thấy bứt rứt lắm. Mà viết được phần nào tôi lại đưa cho khách ngồi chờ sửa xe đọc, góp ý. Chỉ cần khách khen hay là tôi lại có thêm động lực để tiếp tục công việc của mình”. Vừa sửa xe, vừa viết sách, bộ lịch sử tiểu thuyết “Loạn 12 sứ quân” sau này được NXB Đồng Nai in thành 6 tập cứ thế ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Khi con cái trưởng thành, ông Tư không còn bị áp lực cơm áo gạo tiền và bắt đầu chuyên tâm vào niềm đam mê việc đọc, nghiên cứu, viết sách của mình. Và những cuốn sách về tên đường phố Sài Gòn, từ điển địa danh hành chính Nam Bộ cho đến gần đây nhất là cuốn “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1858-1954)” xuất bản năm 2017… lần lượt được ra đời.
Muốn giữ lại văn hóa cho con cháu đời sau
"Tôi muốn viết lại để nhắc nhở, gìn giữ bản sắc dân tộc cho lớp thanh niên sau này”, ông Tư tâm sự. Ảnh: Đức Anh |
Nói về cuốn “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1858-1954)”, ông Tư trầm ngâm, vốn yêu thích lịch sử nên từ những năm 1992 ông thường xuyên đến đọc, sưu tầm các tài liệu thời Pháp ở trung tâm lưu trữ tài liệu.
“Miệt mài trong vòng hơn 3 năm. Sáng sớm đạp xe đến đọc, trưa đến giờ đóng cửa thì ra ngoài ăn cơm hộp rồi trải áo mưa nằm nghỉ chờ đến 13h30 trung tâm mở cửa thì vào đọc tiếp cho đến khi đóng cửa mới về. Gặp tài liệu hay thì tôi chép lại, dài quá thì nhờ người photo thành từng bản về nhà cất giữ cẩn thận”, ông Tư kể.
Sau này, trong một lần quay trở lại trung tâm, khi hỏi tìm xem lại những tài liệu cũ thì ông mới biết những tài liệu này gần như đã không còn hoặc hư hỏng. Chính từ đây, ý tưởng viết lại một bộ tư liệu tường minh dựa trên những tài liệu ông đã nhọc công thu thập, lưu giữ nhiều năm qua về quá trình người Pháp hiện diện trên đất Nam Kỳ bắt đầu nhen nhóm hình thành.
Cuốn sách xoay quanh nội dung phản ánh không chỉ từ khi thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng năm 1858; công tác quy hoạch và quản lý hành chính tại Sài Gòn mà còn cả những mối quan hệ trước đó giữa người Pháp với nhà Nguyễn… Và ông phải mất 1 năm để hoàn thành cuốn sách.
“Là một người chuyên nghiên cứu về sử, địa của Việt Nam, khi viết ra những cuốn sách này, tôi muốn gửi lại cho hậu thế tình yêu quê hương, yêu đất nước. Thanh niên ngày nay họ có thể biết rất nhiều ca sĩ, diễn viên, địa danh nước ngoài song khi hỏi đến các danh nhân lịch sử, địa danh trong nước thì lại không biết. Trong khi Bác Hồ đã từng nói “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, nên tôi muốn viết lại để nhắc nhở, gìn giữ bản sắc dân tộc cho lớp thanh niên sau này”, ông Tư tâm sự.
Không những vậy, một niềm thôi thúc khác khiến ông viết nên cuốn sách là vì “lòng tự hào về đất nước Việt Nam”. Theo ông Tư, dõi theo khắp lịch sử các nước từ cổ chí kim, không một dân tộc nào mạnh mẽ, ý chí như dân tộc Việt Nam. “Chưa có một đất nước nào bị 1.000 năm Bắc thuộc, rồi bị thực dân Pháp đô hộ mà không bị đồng hóa. Ngược lại còn quật khởi đứng lên giành lại độc lập. Thế nên tôi luôn tự hào vì mình là người Việt Nam và mong rằng thế hệ trẻ sau này cũng có thể hiểu được điều này”, ông Tư bộc bạch.
Ở tuổi 97, ông Tư tự nhận vẫn chưa thể buông được nghiệp viết lách và vẫn sẽ viết cho đến khi "khối óc này ngừng nghỉ". Sắp tới, ông dự định nghiên cứu viết về những chế độ mà thực dân Pháp áp đặt lên dải đất miền Trung quê hương và cả ở miền Bắc./.