Cử tri đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh
(Baonghean.vn) - Quan tâm theo dõi sát sao kỳ họp HĐND tỉnh, cử tri các địa phương bày tỏ ý kiến đánh giá về chất lượng kỳ họp, các nội dung chất vấn và đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp...
Cử tri Lê Văn Trí, khối 2, thị trấn Anh Sơn: Trả lời chất vấn của lãnh đạo các ngành tuy dài nhưng vẫn thiếu các giải pháp căn cơ.
Cử tri Lê Văn Trí. |
Qua theo dõi kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, đối với giải trình của ngành Lao động Thương binh và Xã hội, tôi đồng tình cao về phương pháp điều hành của Thường trực HĐND tỉnh, ý thức, trách nhiệm cao của các vị đại biểu HĐND tỉnh. Đặc biệt là 2 vấn đề lớn mà Thường trực chọn để đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Đối với giải trình của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tôi đồng tình với đánh giá “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới”. Tuy nhiên, 7 giải pháp mà ngành Lao động đưa ra theo tôi vẫn thiếu một giải pháp căn cơ nhất, quan trọng nhất đó là tham mưu, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này triển khai các giải pháp bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
Ví dụ như cần có tiếng nói của tổ chức công đoàn (làm chỗ dựa cho người lao động trong thực hiện các thỏa ước với chủ sử dụng lao động, tham gia giải quyết vấn đề đình công, bãi công…), đảm bảo các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hay việc phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo các vấn đề liên quan an toàn thực phẩm trong các bữa ăn của công nhân. Nếu giải pháp này được thực hiện đồng bộ với 7 giải pháp ngành đưa ra ở trên thì mới giải quyết được vấn đề mà người lao động mong muốn.
Thứ hai, về phần giải trình của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, ngành nên tập trung làm rõ vì sao trong thời gian qua một số chính sách của Trung ương, của tỉnh chưa đến được với nông dân. Trách nhiệm thuộc về ai? Và giải pháp sắp tới như thế nào để thực hiện tốt các chính sách trên.
Một vấn đề nữa cử tri quan tâm là từ cuối năm 2016 đến nay sản phẩm chăn nuôi "rớt" thê thảm, nhiều hộ nông dân bán cả đàn, lẫn trang trại vẫn chưa đủ để trả nợ ngân hàng. Cử tri băn khoăn về tính dự báo của ngành và mong muốn ngành nông nghiệp sẽ đồng hành với nông dân tháo gỡ khó khăn bằng các giải pháp cụ thể, trong đó có việc dự báo chính xác biến động, nhu cầu của thị trường; tham mưu với ngành ngân hàng cho giãn nợ, khoanh nợ đối với những chủ hộ trang trang trại, gia trại để họ có khả năng trả nợ và tái đàn. Làm được như vậy thì ngành nông nghiệp mới thực sự là bà đỡ cho nông dân. Còn nói chung chung liên kết 4 nhà khi thất bại không có nhà nào đứng ra chung tay tháo gỡ mà chỉ có người nông dân chịu thiệt thòi.
Cử tri Lê Hồng Thái, Tương Dương: Chưa đánh giá rõ hạn chế của công tác đào tạo nghề
Cử tri Lê Hồng Thái. |
Về nội dung công tác đào tạo nghề, tôi thấy báo cáo chưa đánh giá hết thực trạng về công tác đào tạo nghề và sau đào tạo nghề. Theo tôi, cần nói rõ, nhấn mạnh vấn đề: Việc đào tạo nghề cho lao động thời gian qua còn nhiều hạn chế, không tuyển đủ học viên, tỷ lệ lao động có việc làm sau lao động thấp (gần như không có), nhiều nghề học viên có nhu cầu học lại không đưa vào đào tạo (trên miền núi đào tạo tạo sửa xe máy, cắt may… là không thiết thực). Việc đào tạo mang tính chất đối phó cho đủ chỉ tiêu chứ chưa gắn nhu cầu xã hội, chất lượng đào tạo thấp, học xong vẫn chưa thạo nghề. Bên cạnh đó chưa gắn đào tạo với giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, dẫn đến lãng phí ngân sách nhà nước.
Trong phần giải trình của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tôi không đồng ý với nội dung nguyên nhân giải thích trong báo cáo đó là: Một số lao động chủ yếu là các huyện miền núi không muốn đi làm ăn xa mà thích ở tại địa phương nên việc làm ít, không ổn định, thu nhập thấp; một số lao động không muốn vào làm việc tại doanh nghiệp mà thích đi lao động tự do, không hợp pháp tại một số nước như: Lào, Trung Quốc, Thái Lan... dẫn đến rủi ro lớn và thu nhập không ổn định trong khi số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh còn nhiều.
Phần giải trình còn nêu: Số lao động sau khi đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên nghiệp mong muốn được vào làm việc tại các cơ quan biên chế nhà nước mà không muốn làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bởi vì, Trung tâm đào tạo nghề huyện kém, không liên kết được, không tìm được doanh nghiệp cụ thể, không tìm đầu ra cho lao động sau đào tạo nghề. Theo tôi đánh giá nguyên nhân trong báo cáo như vậy là chủ quan.
Tôi cho rằng các đại biểu cần nói rõ thêm: Vấn đề quan tâm không phải là số lượng đào tạo được bao nhiêu, mà ở đây là vấn đề chất lượng đào tạo người học nghề ra như thế nào? Hiệu quả duy trì bền vững hay không? Về phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo tôi cần phải phân tích làm rõ việc xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất còn ít, chưa rộng rãi, chưa tương xứng với tiềm năng (trong khi vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước nhiều).
Ngành nông nghiệp cần làm rõ hơn giải pháp về giá sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân chưa đảm bảo giá cả, đầu ra thậm chí còn bị doanh nghiệp chèn ép (Ví dụ như: Chanh leo Quế Phong, Tương Dương). Trên thực tế, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chậm không phù hợp các vùng, miền. Đây là vấn đề mà ngành nông nghiệp cần phải chú trọng quan tâm trong công tác quy hoạch, định hướng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các vùng, miền.
Cử tri Nguyễn Văn Lý, khối 6, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh: Các cấp, ngành cần thực hiện lời hứa với cử tri
Cử tri Nguyễn Văn Lý. |
Về nội dung chất vấn của ngành Nông nghiệp, tôi rất đồng tình các đại biểu đặt những câu hỏi cho Giám đốc Sở NN&PTNT về trách nhiệm quản lý quy hoạch để hạn chế chồng lấn giữa các loại cây trồng, giải pháp đầu ra cho nông sản và trách nhiệm của cán bộ, công chức ngành nông nghiệp trong các lĩnh vực như thế nào?
Với nội dung chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về nội dung “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới”. Các đại biểu tập trung chất vấn yêu cầu ngành LĐ-TB&XH làm rõ những tồn tại và giải pháp để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm có hiệu quả. Mặc dù phần giải trình và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã nêu rõ kết quả, tồn tại nguyên nhân và giải pháp. Tuy nhiên, phần phân tích nguyên nhân vẫn còn chung chung.
Thực tế cho thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn theo dạng “gặp gì đào tạo nấy” mà không đánh giá được sự phù hợp với tình hình địa phương, khả năng tìm được việc làm phù hợp với nghề của người lao động. Khó khăn chính của đào tạo nghề cho lao động nông thôn là “phải gắn với việc làm”. Đây là vấn đề mà cử tri quan tâm và ngành lao động cần phải có giải pháp, có chiến lược và hướng đi bền vững để giúp người dân hiểu được giá trị của học nghề và làm nghề.
Tôi nghĩ điều quan trọng mà cử tri quan tâm kỳ vọng đó là các giải pháp được các ngành hoạch định đưa ra phải đi vào thực tế cuộc sống, biến những lời hứa thành việc làm, hành động cụ thể. Đồng thời với vai trò, trách nhiệm của mình, HĐND tỉnh cần giám sát việc thực hiện lời hứa đối với cử tri của các cấp, các ngành, tạo niềm tin của nhân dân đối với bộ máy chính quyền các cấp.
Cử tri Vương Đình Sửu - Khối 3, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu: Nội dung chất vấn đúng trọng tâm các vấn đề cử tri quan tâm
Cử tri Vương Đình Sửu. |
“Qua theo dõi kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh khóa 17, tôi thấy các vấn đề về các lĩnh vực được đưa ra bàn một cách đầy đủ, đúng theo nguyện vọng của cử tri; chất vấn đúng trọng tâm các vấn đề cử tri bức xúc. Đối với cử tri ở huyện miền núi như chúng tôi thì điều quan tâm đó là giải quyết tiêu thụ sản phẩm và tạo điều kiện đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để tạo năng suất cây trồng, đồng thời có nhiều chương trình hỗ trợ cho các đồng bào miền núi phát triển và tạo điều kiện hết mức tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Vì thế, bên cạnh chỉ ra được các tồn tại thì đại biểu HĐND cần có giải pháp cụ thể cho từng địa phương và bắt tay làm việc ngay.
Còn trong vấn đề giải quyết việc làm thì tình trạng thừa lao động ở huyện miền núi khá lớn, nên tạo việc làm cho những người đã qua đào tạo như sinh viên các trường đại học, nên giải quyết hợp lý trong công tác tinh giảm biên chế và giải quyết việc làm cho sinh viên các trường đại học. Phát triển các nghề công nghiệp chế biến ở miền núi để tạo việc làm tại chỗ như phát triển mây tre đan, chế biến các nông sản phẩm như sản phẩm từ rừng.
Đồng thời, chúng tôi cũng muốn bày tỏ kiến nghị trong vấn đề chữa bệnh cho đồng bào ở tuyến huyện miền núi cần đào tạo tay nghề cho các y, bác sĩ tuyến huyện, xã để giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh cũng như khó khăn trong việc đi lại khám, chữa bệnh của người dân”.
Cử tri Hồ Hữu Năm - Khối 8, thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu: Ngăn chặn nạn lao động hết hạn trốn không về nước
Cử tri Hồ Hữu Năm. |
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, bản thân tôi thấy những câu hỏi mà các vị đại biểu đặt ra liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội rất sát với tình hình thực tế tại địa phương trong giai đoạn hiện nay. Tại phiên chất vấn, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nuôi hay trồng như thế nào để liên kết chuỗi giá trị đảm bảo thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng và vấn đề này cũng đã được giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra các giải pháp. Tôi hy vọng rằng những giải pháp này sẽ thực hiện được để tạo niềm tin cho cử tri.
Bên cạnh đó, về tình hình xuất khẩu lao động, hiện nay có nhiều lao động Nghệ An tại Hàn Quốc đã hết hạn hợp đồng nhưng không về nước mà bỏ trốn ra ngoài làm, thực trạng này sẽ dẫn đến mất toàn an đối với những người đang làm việc tại nước sở tại và ảnh hưởng đến môi trường xuất khẩu lao động chung của cả tỉnh, gây khó khăn cho những lao động trong nước đang có nguyện vọng xuất khẩu lao động nước ngoài, mong rằng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có biện pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng này”.
Cử tri Hoàng Kim Dần. |
Cử tri Hoàng Kim Dần - Xóm 1, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương: Mong lãnh đạo tỉnh và các ngành hãy hành động
Qua theo dõi phiên khai mạc, các bản tin phản ánh trên Báo Nghệ An, Đài Truyền hình Nghệ An, đặc biệt là phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào chiều ngày 12/7 tôi cũng như nhiều cử tri ở xã miền núi Thanh Thủy, huyện Thanh Chương rất vui mừng trước các thành tựu, kết quả về kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là các nội dung kiến nghị của chúng tôi đã được đại biểu phản ánh tới kỳ họp. Tôi cũng rất đồng tình với tinh thần quyết liệt, chất vấn tới cùng ở các nội dung được coi là nóng như “rớt giá nông sản, đào tạo nghề giải quyết việc làm, quản lý khai thác khoáng sản, chất lượng điện và nhiều vấn đề về dân sinh đã được đưa ra tại kỳ họp, tại cuộc chất vấn.
Tôi cũng rất tâm đắc với phần kết luận của ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh, từ nhận thức đến hành động, việc làm là một quá trình nhưng qua thái độ nhận trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành và những lời hứa hẹn đã được những người có trách nhiệm đưa ra, tôi tin rằng nếu thực sự vào cuộc trách nhiệm chúng ta sẽ từng bước giải quyết được các vấn đề.
Về những nội dung mà địa phương và bản thân tôi từng kiến nghị mong nhà nước cần quan tâm quản lý chất lượng giống phân bón, xúc tiến đầu tư các nhà máy, điểm thu mua chế biến nông sản để giải quyết đầu ra cho nông dân; tiếp tục có các chương trình, cho vay vốn để trồng chè, trồng rừng, giải quyết nhanh các chế độ về trả phí môi trường cho người trồng rừng; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn điện, nước sinh hoạt và quản lý nhà nước về thị trường tiêu dùng để đảm bảo các loại hàng hóa đạt chất lượng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân nhất là tại các địa bàn vùng sâu, biên giới./.
Nhóm PV-CTV
TIN LIÊN QUAN |
---|