Cử tri Nghệ An kiến nghị công khai danh tính các trường hợp vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng
Thực trạng sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn... đang được người dân đặc biệt quan tâm. Mong muốn vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận, quyết nghị tại kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
.jpg)
Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt tại khu vực biên giới. Lực lượng Công an xã phối hợp với Đồn Biên phòng Thông Thụ và các ngành chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại cửa khẩu Thông Thụ, lối mở và các tuyến đường trọng điểm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến từng bản, từng hộ dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không tiếp tay cho buôn lậu, không tiêu thụ hàng giả, thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Tình trạng mua bán hàng giả hiện nay không chỉ diễn ra trực tiếp mà còn lan rộng trên không gian mạng. Nhiều đối tượng lợi dụng các trang web, Facebook để kinh doanh hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi mà nhận thức của đồng bào còn hạn chế. Do vậy, cần công khai danh tính các trang vi phạm trên phương tiện truyền thông để người dân dễ nhận diện, nâng cao cảnh giác khi mua hàng online.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để giám sát, kiểm tra các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ gốc là yếu tố then chốt nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời góp phần giữ vững ổn định thị trường tại khu vực biên giới.
.jpg)
Thực phẩm bẩn hiện nay đang len lỏi vào từng bữa ăn của người dân, đặc biệt là với nhóm đối tượng thu nhập thấp như sinh viên, người lao động... Tôi thấy tại các khu trọ công nhân, chợ cóc quanh trường học rất dễ bắt gặp những quầy bán thịt, cá, rau, củ không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồ ăn chế biến sẵn như xúc xích chiên, thịt quay, cá rán... được bày bán công khai trên vỉa hè, song hoàn toàn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thậm chí, một số mặt hàng còn có dấu hiệu ôi thiu, hư hỏng, nhưng vẫn được tiêu thụ hàng ngày vì giá rẻ và tiện lợi. Điều đáng lo là không ít những người thu nhập thấp vẫn buộc phải chấp nhận rủi ro, tiêu thụ những loại thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe.
Tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan nhưng thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng đang khiến người tiêu dùng mất phương hướng và lo lắng. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm ở các chợ tạm, chợ cóc hiện nay còn quá ít và mang tính hình thức. Trong khi đó, nhu cầu thực phẩm rẻ, nhanh vẫn luôn hiện hữu, tạo điều kiện cho hàng kém chất lượng tồn tại dai dẳng.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt hơn trong kiểm tra, quản lý; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học về kỹ năng lựa chọn thực phẩm sạch. Đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ là bảo vệ sức khỏe, mà còn là trách nhiệm với thế hệ tương lai.

Tôi thấy rất nhiều vụ hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc được phát hiện, nhưng đa số chỉ bị xử phạt hành chính, nộp phạt vài chục triệu rồi lại tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, người tiêu dùng thì lãnh đủ khi mua phải thuốc giả, thực phẩm bẩn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tôi nghĩ cần phải có chế tài thật nghiêm, mức phạt phải đủ sức răn đe, phạt gấp nhiều lần giá trị lô hàng vi phạm, truy thu toàn bộ lợi nhuận bất chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự với các vụ nghiêm trọng.
Ngoài ra, tôi đề xuất công khai danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trên phương tiện truyền thông để người dân biết mà né tránh. Cũng cần tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương, quản lý thị trường các cấp, nếu để tình trạng hàng giả hoành hành kéo dài thì phải xem xét trách nhiệm quản lý, có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Thực trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay đang diễn ra, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc phân biệt giữa hàng thật và hàng giả không hề dễ dàng, trong khi thông tin hướng dẫn, cảnh báo còn rất hạn chế.
Cần trang bị kiến thức cho người dân về cách nhận biết hàng giả, vì hiện nay việc làm giả không chỉ đơn thuần là nhái bao bì mà còn tinh vi đến mức có cả tem chống hàng giả, mã QR như hàng chính hãng.

Thay vì chỉ cảnh báo chung chung, các cơ quan chức năng nên tổ chức các chương trình tuyên truyền cụ thể qua các chương trình truyền hình, mạng xã hội, hoặc các buổi hướng dẫn trực tiếp tại chợ, trường học, khu dân cư. Hãy chỉ rõ sản phẩm nào đang bị làm giả phổ biến, cách phân biệt thông qua đặc điểm nào, tra mã vạch ra sao để bà con dễ hiểu và chủ động phòng tránh. Người dân không thể tự bảo vệ mình nếu không có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý và doanh nghiệp chân chính.