Cử tri Pháp ngày càng 'lạc lối'!

16/03/2017 08:07

(Baonghean) - Cho tới thời điểm này, rất nhiều cử tri Pháp vẫn còn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử Tổng thống sau gần 2 tháng nữa. Có thể nói, cuộc bầu cử năm nay có quá nhiều diễn biến bất ngờ liên quan đến các vụ bê bối tài chính của các ứng cử viên khiến nhiều người dân Pháp “mất phương hướng”.

Điều đáng nói là những bất ngờ đó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, với “nạn nhân” mới nhất là ứng cử viên tự do của phong trào "Tiến bước" Emmanuel Macron.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”

Sau khi ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon thuộc đảng Những người Cộng hòa (LR) vướng vào bê bối mang tên “Penelogate” với cáo buộc tạo việc làm ảo cho vợ con, thu nhập bất hợp pháp gần 1 triệu Euro khi còn là nghị sĩ, ứng viên Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) đã nhanh chóng vươn lên chiếm vị trí số 1 trong các cuộc thăm dò dư luận về tỷ lệ ủng hộ.

Kết quả các cuộc thăm dò khác nhau cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Marine Le Pen luôn duy trì ở mức ổn định là 26-28% số phiếu. Đặc biệt, bà luôn đạt trên 40% số phiếu ủng hộ của tầng lớp công nhân.

Ông Francois Fillon có thể từ chức sau khi bị truy bố (AFP).
Ông Francois Fillon có thể từ chức sau khi bị truy bố (AFP).

Nhưng chẳng bao lâu sau Francois Fillon, chính là Marine Le Pen cũng vướng vào bê bối tài chính với cáo buộc chi sai 300 nghìn Euro trong việc sử dụng trợ lý, không phải vì công việc của Nghị viện châu Âu mà phục vụ cho đảng FN của bà.

Sự việc này lại trở thành cơ hội cho ứng viên “sạch sẽ” nhất thời điểm đó là ứng cử viên tự do của phong trào “Tiến bước” Emmanuel Macron.

Khởi động bằng việc rút ngắn khoảng cách với ứng cử viên dẫn đầu là Marine Le Pen với tỷ lệ 22,5% so với 26,5%, ông Emmanuel Macron liên tục ghi điểm trong hơn 2 tuần.

Trong khi uy tín của hai đối thủ tiềm năng Fillon và Le Pen sụt giảm mạnh, ông Macron lại vụt sáng trở thành ứng viên tiềm năng nhất trong cuộc chạy đua đến chiếc ghế Tổng thống Pháp.

Cuộc thăm dò dư luận do Harris Interactive thực hiện hôm 9/3 cho thấy, ngay tại vòng 1, ứng cử viên Macron vươn lên vị trí dẫn đầu với 26% phiếu ủng hộ, vượt qua bà Marine Le Pen với 25% phiếu ủng hộ.

Cũng theo kết quả thăm dò này, ông Macron sẽ tiếp tục đánh bại đối thủ Le Pen trong vòng 2 cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 7/5 với tỷ lệ ủng hộ cách biệt là 65% với 35%.

Nhưng khi vẫn còn tới gần 2 tháng nữa vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp mới diễn ra - một thời gian đủ dài để cho các bất ngờ tiếp tục xuất hiện, lại tới lượt ông Macron vấp phải bê bối khi ông bị Cơ quan công tố Paris mở cuộc điều tra sơ bộ với tội danh “thiên vị và đồng lõa” hôm 13/3.

Ông Emmanuel Macron - ứng viên mới nhất vướng vào vòng lao lý. Ảnh: Getty
Ông Emmanuel Macron - ứng viên mới nhất vướng vào vòng lao lý. Ảnh: Getty

Ông Macron bị điều tra với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế tại sự kiện Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng được tổ chức hồi tháng 1/2016 tại Las Vegas - sự kiện mà Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Pháp đã dành cho Tập đoàn Havas của Mỹ quyền tổ chức sự kiện này thay vì tiến hành đấu thầu "quyền tổ chức" theo thông lệ.

Tổng Thanh tra Tài chính Pháp đã có báo cáo nghi ngờ là ông Macron có "thiên vị" trong việc tổ chức sự kiện này. Hiện đã có một số nhân vật lên tiếng bênh vực ông Macron rằng đây chỉ là “sự cố” của Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Pháp và ông Macron “hoàn toàn không liên quan”.

Thế nhưng, khi các cử tri Pháp đang rất nhạy cảm với những bê bối của các ứng cử viên trong một tâm trạng hết sức hoang mang, chưa ai dám chắc vụ việc này sẽ ảnh hưởng tới uy tín của ông Macraon ở mức độ nào.

Cuộc đua của những “tay đua hạng 2”

Bầu cử Pháp năm nay đang khiến nhiều người liên tưởng đến bầu cử Mỹ năm ngoái khi diễn biến có nhiều bất ngờ và các cử tri chỉ có sự lựa chọn giữa các phương án “tồi tệ và ít tồi tệ hơn”.

Dù trên bảng xếp hạng về tỷ lệ ủng hộ, danh sách 5 người đứng đầu còn có Đại diện đảng Xã hội- cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon và lãnh đạo phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean Luc Mélenchon.

Thế nhưng, mọi chú ý đến thời điểm này vẫn đổ dồn về 3 ứng viên là Francois Fillon, Marine Le Pen và Emmanuel Macron.

Thế nhưng tình cảnh của cả 3 ứng viên này hiện giờ đều không mấy khả quan: ông Fillon đã chính thức bị truy tố, bà Le Pen đang cố “câu giờ” bằng cách từ chối gặp cảnh sát điều tra, ông Macron cũng bắt đầu vướng vào vòng lao lý.

Khi không có ứng viên nào có cương lĩnh tranh cử được đánh giá là nổi trội và thực sự khác biệt, khi cả 3 ứng viên giờ đều đã “có vết”, việc dự đoán người giành chiến thắng trong các vòng bầu cử cuối tháng 4 và đầu tháng 5 tới ngày càng giống một trò… đoán mò.

Dù dính bê bối, song bà Marine Le Pen đang có tỷ lệ người ủng hộ khá ổn định.
Dù dính bê bối, song bà Marine Le Pen đang có tỷ lệ người ủng hộ khá ổn định.

Với việc ông Fillon từng tuyên bố sẽ rút lui nếu bị truy tố, bao nhiêu công sức chờ đợi và xây dựng đội ngũ của đảng Những người Cộng hòa (LR) trong suốt 5 năm qua coi như “đổ sông đổ bể”.

Việc đảng này chọn người thay thế cho ông Fillon gần như là không thể khi chỉ còn một ngày nữa là tới thời hạn chót (17/3) để các ứng viên tập hợp đủ phiếu bảo trợ của các nghị sỹ và dân biểu địa phương để chính thức trở thành ứng cử viên.

Nếu ông Fillon không thực hiện như lời tuyên bố của mình và tiếp tục “chiến đấu đến cùng”, cơ hội thắng của ông cũng hết sức mong manh vì nó phụ thuộc quá nhiều vào phán quyết của các thẩm phán.

Dù có thể coi như ông Fillon đã bị tụt lại phía sau, nhưng chưa có gì đảm bảo bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron sẽ giữ nguyên tốc độ hiện nay để tiến về đích một cách suôn sẻ.

Theo kế hoạch, 5 ứng cử viên dẫn đầu các cuộc thăm dò trong cuộc đua vào Điện Elysée sẽ tranh luận trực tiếp trên Kênh truyền hình tư nhân Pháp TF1 vào ngày 20/3 tới.

Đây là cơ hội để các ứng viên vượt lên những bê bối đang bủa vây để giành thêm phiếu ủng hộ của các cử tri. Nhưng ai sẽ làm được điều đó? Đây là câu hỏi mà giới phân tích cũng như chính người dân Pháp vẫn chưa thể đưa ra được câu trả lời.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cử tri Pháp ngày càng 'lạc lối'!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO